Thanh Hóa: Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử
Việc thúc đẩy các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử được tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Đây được xem là giải pháp hiệu quả giúp sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh
Thanh Hóa liên tục tổ chức nhiều gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP giúp quảng bá sản phẩm rộng rãi
Xác định OCOP chính là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế khu vực nông thôn, tỉnh Thanh Hóa đã và đang có nhiều giải pháp hiệu quả nhằm phát triển bền vững những sản phẩm này. Sau 4 năm nỗ lực xây dựng và phát triển, Thanh Hóa đã đạt mục tiêu trên 317 sản phẩm và nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về sản phẩm OCOP.
Phát triển thương hiệu OCOP gắn với ứng dụng công nghệ số
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hoá cho biết: Hiện nay Thanh Hóa có trên 317 sản phẩm OCOP từ 3 sao, 4 sao và có thêm ít nhất 1 sản phẩm OCOP 5 sao, phát triển 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào thực hiện Chương trình OCOP, các sản phẩm này được phân phối theo kênh truyền thống, các sản phẩm đều có thị trường tiêu thụ ổn định trên các trang điện tử, website bán hàng, kênh thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, Tiki, Vỏ Sò, Postmart…
Về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và thúc đẩy giao thương, trong năm 2023, Thanh Hóa đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện số hóa, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp góp phần tăng tổng sản phẩm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Đến nay, Thanh Hóa đã có 104 sản phẩm Ocop được tiêu thụ trên các sản thương mại điện tử.
Trong đó, có 66 sản phẩm tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và 38 sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử Voso.vn. Ngoài ra, có hàng trăm lượt sản phẩm được quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ thông qua nền tảng số. Việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử góp phần xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu và mở rộng thị trường cho các sản phẩm Ocop của tỉnh.
Tham quan và trải nghiệm tại Khu nông nghiệp công nghệ cao Queen Farm ở thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương do anh Trần Văn Tân, giám đốc công ty xây dựng và thương mại Phong Cách Mới làm chủ. Đước biết, năm 2020 anh Trần Văn Tân đã nung nấu ý tưởng về mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn Vietgap. Trong đó, cây rau má được anh chọn làm chủ đạo trong dự án của mình. Nghĩ là làm, anh Trần Văn Tân xây dựng đề xuất và được UBND tỉnh chấp thuận thực hiện dự án "Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Rau má xứ Thanh” cho các sản phẩm từ rau má bản địa của tỉnh Thanh Hóa. Công ty đã liên kết với nhiều địa phương trong tỉnh để trồng rau má hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.
Đến thời điểm hiện tại, các sản phẩm được chế biến từ cây rau má xứ Thanh của anh Tân như: nước rau má, bột rau má, thạch rau má... đã ra mắt và được thị trường đón nhận, cùng với sản phẩm rau má tươi cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn. Các sản phẩm từ cây rau má của Công ty được UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá OCOP 4 sao và có nhiều đối tác ở nước ngoài quan tâm, đặt hàng. Nhờ đó, đã đem lại nguồn doanh thu khủng hơn 30 tỷ đồng cho công ty trong năm 2022.
Chia sẻ về những thành công của mình, anh Trần Văn Tân cho biết: “Thay vì đi theo cách làm truyền thống thì Công ty CP xây dựng và thương mại Phong Cách Mới đã ưu tiên đầu tư vào khoa học - kỹ thuật, cải tiến quy trình và các khâu sản xuất, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu sản xuất ra nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, phục vụ người tiêu dùng. Đặc biệt, chúng tôi đã đưa các sản phẩm OCOP của mình lên sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki giúp tăng doanh số bán hàng và đưa sản phẩm vào nhiều thị trường khó tính như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản”, anh Tân nói.
Thời gian vừa qua, rất nhiều sản phẩm OCOP của Thanh Hóa đã được tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội thu hút một lượng khách hàng nhất định. Khách hàng lựa chọn và đặt mua nhiều các sản OCOP của Thanh Hóa như: Nước mắm Lê Gia, mắm tôm Lê Gia, Nem chua vị Thanh, Rượu Sâm Báo, tổ yến sào, Nem ống An Cúc, Ghế tre thư giãn cao cấp, Mắm tép Hà Yên, măng khô Xuân Liên, thịt trâu gác bếp thợ rừng, gạo sạch hương quê, tinh dầu sả chanh, quế thanh…
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, mục tiêu của Chương trình OCOP nhằm giúp các doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình có cơ hội liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị. Để nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, Thanh Hóa đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quá trình triển khai chương trình. Trong đó, hiệu quả nhất chính là khâu đưa sản phẩm OCOP ra thị trường tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.
Để hỗ trợ các chủ thể đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua sàn thương mại điện tử và nền tảng số, các sở, ban, ngành của tỉnh đã và đang tiếp tục cập nhật, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tiềm năng, có lợi thế của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh trên chuyên trang thông tin điện tử giới thiệu nông sản Thanh Hóa "Đồng hành cùng người Việt nâng tầm nông sản Việt" tại địa chỉ: chuyendoiso.thanhhoa.gov.vn.
Đặc biệt, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh phối hợp với các ngành như Công thương, Thông tin và Truyền thông để đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm tạo động lực nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và đặc biệt là các chủ thể OCOP cài đặt, sử dụng phần mềm nhằm chuẩn hóa quy trình sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, minh bạch thông tin, mã hóa, dán tem QR truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản.
Đưa sản phẩm OCOP thành thương hiệu mạnh
Với mục tiêu phát triển chương trình OCOP trên cơ sở khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, góp phần nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn... Từ đó, xây dựng sản phẩm OCOP của tỉnh trở thành thương hiệu mạnh trong nước.
Trao đổi với ông Phan Huy Hùng - Phụ trách Chương trình OCOP thuộc Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Thanh Hóa cho biết, một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu của Thanh Hóa là nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành chương trình và thực hiện chu trình thường niên. Trong đó, kiện toàn bộ máy quản lý điều hành chương trình các cấp; xây dựng quy chế làm việc của cơ quan quản lý điều hành đảm bảo hiệu quả hoạt động; rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm và tổ chức; tăng cường truyền thông, quảng bá hình ảnh, thương hiệu chương trình; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá cơ sở sản xuất, sản phẩm về chất lượng, vệ sinh ATTP, bảo vệ môi trường…
Phát triển sản xuất tiếp tục là nền tảng quan trọng thực hiện mục tiêu của chương trình OCOP giai đoạn hiện nay. Tỉnh sẽ tập trung tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu. Trong đó, đánh giá hiện trạng các vùng nguyên liệu của một số sản phẩm OCOP có lợi thế; ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng nhằm phục vụ phát triển vùng nguyên liệu; xây dựng mã số vùng trồng, sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái..
Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu; nâng cấp các tiêu chí sản phẩm 3-4 sao có tiềm năng nâng hạng sao; chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn, phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị; tăng cường áp dụng chuyển đổi số trong tổ chức đánh giá và quản lý hồ sơ sản phẩm...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang, để nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm OCOP, yêu cầu thành viên Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP theo đúng tiêu chí, không có sự châm chước, qua loa. Các thành viên Tổ giúp việc cần nâng cao tinh thần trách nhiệm để hỗ trợ, tư vấn cho các chủ thể hoàn thiện các tiêu chí, hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm thuận tiện nhất. Cùng với đó, các địa phương cần tiếp tục đồng hành cùng chủ thể sản xuất nhằm tạo động lực, lan tỏa ý nghĩa, tinh thần của chương trình OCOP trong cộng đồng.
Để Chương trình OCOP của Thanh Hóa sẽ thực sự trở thành trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn đến năm 2025 cần có sự vào cuộc của các cấp địa phương, sự tích cực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Góp phần quan trọng tạo ra nhiều việc làm mang lại thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho người dân, đưa các sản phẩm OCOP trở thành nhưng thương hiệu mạnh vươn tầm trong và ngoài nước.
Theo diendanDN