Chuyển đổi số: Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
Sàn thương mại điện tử (TMĐT) với lợi thế bán hàng đa kênh cùng hệ thống quản lý sản phẩm và đơn hàng trên nhiều nền tảng trực tuyến hiện đang là phương thức tiêu thụ hàng hóa hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, mở ra hướng đi mới bền vững cho các mặt hàng nông sản
Ông Lê Đình Tú, Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn (Triệu Sơn) giới thiệu với khách hàng về các sản phẩm của HTX trên sàn TMĐT
Người tiêu dùng chỉ cần vào mạng, gõ tên: “nông sản an toàn Thanh Hóa” hoặc “postmart.vn”, “voso.vn”... và tìm kiếm tên các sản phẩm mình quan tâm, ngay lập tức thông tin các sản phẩm sẽ hiện ra với đầy đủ thông tin về giá, xuất xứ sản phẩm... Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, mở rộng thị trường và kết nối tiêu thụ sản phẩm trên các sàn TMĐT, trong năm qua, mặc dù chịu tác động của dịch bệnh COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều HTX, doanh nghiệp tại Thanh Hóa vẫn tiếp tục được duy trì, mở rộng.
Ông Lê Đình Tú, giám đốc HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn, huyện Triệu Sơn, cho biết: Được sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa đưa các sản phẩm của HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn lên các sàn giao dịch, sàn TMĐT giúp quảng bá sản phẩm của HTX... Đến nay, các sản phẩm của HTX đã được nhiều người biết đến và đặt hàng. Các đơn hàng trên các sàn TMĐT nhiều hơn các đơn hàng từ kênh bán truyền thống gấp 2 đến 3 lần...
Sử dụng sàn TMĐT, mạng xã hội để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cũng là cách mà chị Nguyễn Lê Ngọc Linh, giám đốc HTX Bản Thổ, xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân thực hiện ngay từ khi mới thành lập HTX năm 2020. Nhờ đó, việc tiêu thụ sản phẩm của HTX khá ổn định, doanh thu tăng hàng năm. Trong năm 2022, HTX dự kiến sẽ chế biến, tiêu thụ trên 20 tấn sản phẩm mật ong, gồm: mật ong lên men, các dược liệu lên men cùng mật ong như: gừng, tỏi, nghệ... Gần như 100% đơn hàng của HTX đều được đặt và tiêu thụ thông qua các nền tảng số.
Chị Nguyễn Lê Ngọc Linh cho biết: Nắm bắt nhu cầu và xu hướng tiêu dùng của khách hàng, HTX Bản Thổ đã lựa chọn phương thức bán hàng trên các sàn TMĐT và các kênh bán hàng trực tuyến khác. So với các phương thức bán hàng truyền thống, rõ ràng kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn TMĐT không những mở thêm cơ hội mới, giúp HTX có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Bên cạnh sự chủ động của các chủ thể, thực hiện Kế hoạch số 195/KH-UBND ngày 27-8-2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát trển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và đảm bảo cung cấp tiêu thụ nông sản trên các sàn TMĐT... các địa phương, sở, ngành liên quan cũng đã tổ chức tập huấn cho các hộ sản xuất những kỹ năng cần thiết và kết nối với các đơn vị để đưa nông sản lên các sàn như: “postmart.vn”, “voso.vn”, “nông sản an toàn Thanh Hóa”... Các sản phẩm được lựa chọn đưa lên sàn TMĐT hầu hết đã đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP, GlobalGAP, có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... Qua rà soát, hiện nay lượng nông sản tiêu thụ trên các sàn giao dịch điện tử chiếm từ 20 - 30% doanh số bán hàng của các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân sản xuất trong tỉnh. Qua kênh bán hàng này đã góp phần xây dựng thương hiệu nông sản Thanh Hóa, đồng thời, làm thay đổi nhận thức của các doanh nghiệp, hộ sản xuất về phương thức kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ gắn với phát triển công nghệ số trong nông nghiệp, nông thôn.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã đưa 406 sản phẩm của các huyện lên Cổng kết nối cung cầu tỉnh Thanh Hóa; đưa 28 sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT “voso.vn”; 38 sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT “postmart.vn”; cung cấp trên 40.000 tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đặc trưng của các huyện. Người dân trên địa bàn tỉnh đã dần thay đổi thói quen từ mua bán hàng trực tiếp sang mua bán trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt... Hiệu quả từ chuyển đổi số trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã được minh chứng. Tuy nhiên, hiện nay, do hạn chế về tiềm lực tài chính, nguồn nhân lực công nghệ cao, điều kiện tiếp cận công nghệ... nên số HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất tham gia vào lĩnh vực chuyển đổi số, đưa nông sản lên sàn TMĐT chưa nhiều. Để thực hiện mục tiêu năm 2022 có 100% doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trên địa bàn Thanh Hóa được số hóa; trên 50% doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản có tài khoản bán hàng, có sản phẩm được quảng bá, giới thiệu và có tài khoản thanh toán trên sàn TMĐT, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Thanh Hóa đã triển khai nhiều hoạt động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp.
Bà Lê Thị Huyền Thu, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Thanh Hóa, cho biết: Chi cục sẽ phối hợp với các sàn TMĐT, hướng dẫn hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tập huấn kiến thức vận hành, hướng dẫn quy cách đóng gói và các quy trình thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để đưa sản phẩm lên sàn.
Với sự vào cuộc của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở, sự chủ động của các chủ thể trong việc tăng cường cơ sở vật chất, các điều kiện để giao dịch, bán hàng trên các nền tảng số, các sàn TMĐT... là điều kiện thuận lợi để xây dựng thị trường nông sản Thanh Hóa phát triển bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...
Theo baothanhhoa.vn