Bánh gai Tứ Trụ
Nói đến Thanh Hóa là nói đến mảnh đất của địa linh nhân kiệt, của khí thiêng hội tụ, là nơi sơn thủy hữu tình với nhiều đặc sản nổi tiếng. Trải qua thăng trầm của sự dịch chuyển xã hội, thời đại, nhưng làng nghề ngày càng được củng cố, định hình và có những sắc thái riêng. Ai đã từng một lần đến Thanh Hóa hẳn không thể bỏ qua món bánh gai Tứ Trụ làng Mía - một đặc sản nổi tiếng của miền Trung.
Theo người dân địa phương, nghề làm bánh gai đã tồn tại hàng trăm năm qua, từ thế kỷ 15, thời Hậu Lê. Thời đó, bánh gai làng Mía là sản vật chỉ được dùng để tiến vua Lê và có mặt trong các dịp giỗ, Tết, đình đám quan trọng của quốc gia. Vì thế bánh gai làng Mía còn có tên gọi khác là bánh gai Tứ Trụ, bánh gai tiến vua. Lâu dần nghề làm bánh gai đã trở nên phổ biến ở các làng và trở thành đặc sản xứ Thanh, là món quà không thể bỏ qua đối với du khách hay những người sành ăn.
Ông Lê Hữu Lâm, chủ cơ sở sản xuất bánh gai Lâm Thắm, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề truyền thống bánh gai Tứ Trụ, xã Thọ Diên - là một trong số hàng chục hộ gia đình làm bánh gai có tiếng của làng Mía.
Để làm ra được chiếc bánh gai thơm ngon đúng vị, nguyên liệu không thể thiếu là lá gai, gạo nếp được làm sạch, để khô rồi nghiền thành bột mịn, sau đó trộn với mật mía, lá gai rồi đem vào cối đá giã cho thành một khối nguyên liệu dẻo, mịn, có màu đen bóng của lá gai là được. Nhân bánh được làm từ đậu xanh, dầu chuối, đường, dừa khô nạo nhỏ. Sau đó, bánh được nắm thủ công thành hình tròn rồi cho nhân vào giữa nắm lại và gói vào lá chuối khô được làm sạch sẽ trước đó. Công đoạn cuối cùng là cho bánh vào 1 chiếc nồi lớn đã được cách thủy. Sau khoảng 1,5 giờ đồng hồ thì bánh sẽ đến độ chín.
Một chiếc bánh đạt yêu cầu đủ để đến được tay thực khách phải mất khoảng 5 tiếng đồng hồ, và bánh khi thành phẩm phải mịn và có được vị thơm của lá gai, dầu chuối, độ dẻo của gạo nếp, vị ngọt của mật mía và bùi bùi của đậu xanh.
Quanh năm suốt tháng, cả gia đình ông Lâm cùng những hộ gia đình khác trong làng tấp nập làm bánh nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là vào những dịp lễ tết. Bởi người dân nơi đây luôn tỉ mỉ trong từng công đoạn, cố gắng giữ được hương vị truyền thống của thứ bánh ngon nức tiếng quê hương.
Đặc biệt, hiện bánh gai tiến vua làng Mía đã được chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cấp bằng chứng nhận là 1 trong 10 sản phẩm hàng hóa tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa từ năm 2016. Sản phẩm được sự kiểm soát chặt chẽ của Hiệp hội làng nghề bánh Gai Tứ trụ nên dù số lượng bánh được khách đặt hàng rất lớn, nhưng chất lượng và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Bởi người dân làm nghề hiểu rằng đó chính là tâm huyết, là truyền thống, là niềm tự hào của xứ Thanh.
Anh Lê Hữu Lâm là chủ cơ sở sản xuất bánh gai gia truyền Lâm Thắm ở xã Thọ Diên (Thọ Xuân), nơi nổi tiếng với làng nghề bánh gai Tứ Trụ. Ngay bản thân Lê Hữu Lâm cũng là một người nổi tiếng trong nghề. Câu chuyện về anh khiến cho tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác…
Rong ruổi đi bán bánh gai bằng xe đạp
Lê Hữu Lâm sinh ra trong một gia đình làm nghề bánh gai truyền thống. Năm 22 tuổi, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh trở về địa phương gắn mình với chiếc bánh gai quê nhà. Cũng trong thời gian này, anh lập gia đình. Như một cơ duyên, phía nhà vợ cũng theo nghề truyền thống. “Tâm đầu ý hợp”, hơn 30 năm qua, hai vợ chồng đã cùng chung sức, đồng lòng, tạo thành công cho nhãn hiệu bánh gai gia truyền Lâm Thắm.
Lê Hữu Lâm là người chịu thương, chịu khó. Anh từng rong ruổi đi hàng chục cây số về các huyện, thị trong tỉnh để bán bánh gai. Anh nhớ lại: “Đến giờ trong tôi vẫn vẹn nguyên ký ức. Cứ 3, 4 giờ sáng, mẹ dậy nấu cơm cho tôi ăn, rồi tôi lên đường với chiếc xe đạp Thống Nhất và 2 sọt bánh. Ngày ấy, rất vui khi cả làng cùng đi bán bánh, chúng tôi đi thành đoàn 30, 40 người. Xe máy lúc đấy chưa có, chỉ toàn xe đạp”…
Lê Hữu Lâm đã từng xuống TP Thanh Hóa (lúc bấy giờ là thị xã Thanh Hóa), về Quảng Xương, ra Hoằng Hóa… Anh đến từng quán cơm bình dân, quán nước ở vỉa hè, bến xe khách để gửi bán hộ bánh. Sau đó, anh quay lại xem các quán bán được nhiều, ít ra sao để tiếp tục gửi bánh. Và cứ thế, sáng đi, chiều tối về, tổng cộng quãng đường đi trong ngày cũng hàng trăm cây số, nhưng chưa bao giờ Lê Hữu Lâm thấy mệt mỏi, trái lại, lòng lúc nào cũng phơi phới. Không vui sao được, khi một ngày anh bán hàng trăm chiếc bánh gai, nếu tính ra lãi thì mua được hàng chục ki-lô-gam thóc.
Vốn “con nhà nòi” lại được tôi luyện trong môi trường quân đội, đã nuôi dưỡng trong Lê Hữu Lâm sự kiên trì, quyết tâm để một ngày anh làm cuộc “cách mạng” với chính chiếc bánh gai quê nhà.
Tự làm “tem nhãn” để quảng cáo bánh
Từ gửi bánh ở các quán nước, quán cơm, về sau này, Lê Hữu Lâm đã hợp đồng với ga Thanh Hóa để gửi bánh ở các gian hàng trong ga. Tiếp đó, anh đưa bánh lên các toa tàu, gửi nhân viên phục vụ rải bánh ở tất cả các ga từ Hà Nội đến Sài Gòn. Đây được xem là bước ngoặt đối với Lê Hữu Lâm khi làm cuộc tiên phong đưa bánh gai làng nghề đến với khách hàng trong nước qua kênh đường sắt.
Nghĩ là làm và dường như Lê Hữu Lâm chưa lúc nào cho phép mình thất bại. Trong anh luôn muốn có sự thay đổi mà cái đích cuối cùng là bán được nhiều bánh, sản phẩm phải chất lượng được nhiều người biết đến. Thời gian này, ở các ga tàu, anh bán được 1.000 - 1.500 chiếc bánh/ngày. Đây cũng là một thành công lớn với anh và gia đình.
Có một điều khá thú vị và bất ngờ, Lê Hữu Lâm đã quảng cáo cho bánh gai bằng cách tự sáng tạo ra “tem nhãn”. Anh kể: “Nhớ lại, thấy hồi đó bản thân cũng dũng cảm. Tôi cắt những mảnh giấy nhỏ, viết tên cơ sở, địa chỉ, số điện thoại rồi dán lên bánh. Thậm chí tôi còn nghĩ ra cách chụp hình mình, sau đó dán bên cạnh. Lúc đấy, sự ham nghề của tôi rất lớn vì ngày nào cũng bán được nhiều bánh. Tôi đã từng đi đến tất cả các ga từ Nam ra Bắc để tìm hiểu sự phản ánh của khách hàng. Có đi mới biết được bánh ngon, dở ở chỗ nào để phát huy, khắc phục. Mừng là bánh nhận được nhiều lời khen. Đây là sự động viên lớn để gia đình tôi nâng cao hơn uy tín, chất lượng sản phẩm”…
Nhìn lại một chặng đường…
Hơn 30 năm qua, cái tên bánh gai Lâm Thắm đã trở nên quen thuộc với nhiều khách hàng. Hiện trung bình mỗi ngày, cơ sở cho ra đời khoảng gần 1 vạn chiếc bánh.
Sau những năm tháng rong ruổi bán hàng bằng xe đạp, hiện nay anh Lâm giao hàng thông qua các nhà xe vận tải hành khách, xe buýt, máy bay. Sản phẩm của cơ sở hiện cũng có mặt tại nhiều điểm bán, như Nhà hàng Lam Kinh (Thọ Xuân), quán hàng trên tuyến đường Hồ Chí Minh… Hơn 30 năm trong nghề, anh đã vinh dự được UBND tỉnh tặng Cúp vàng sản phẩm hàng hóa tiêu biểu năm 2016; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh… Năm 2019, sản phẩm bánh gai Lâm Thắm được công nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Ông Trịnh Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Diên, khẳng định: “Lê Hữu Lâm là người tâm huyết nên rất hiểu nghề, yêu nghề. Anh là một trong những người “giữ lửa” để thương hiệu làng nghề phát triển mạnh hơn”.
Nhưng, bên cạnh niềm vui và thành công, Lê Hữu Lâm vẫn còn đó những suy tư. Như anh chia sẻ, thì mới đây, chuỗi cửa hàng Vinmart + ở Hà Nội muốn ký hợp đồng để đưa bánh gai Lâm Thắm lên kệ hàng của họ, nhưng anh đã từ chối vì bánh gai của cơ sở không có chất bảo quản nên không thể để được lâu, chỉ 3 - 4 ngày. Nếu để trong tủ lạnh thì phải hấp lại, tuy nhiên bánh cũng không thể ngon như lúc ban đầu. Anh nói: “Dù rất muốn thương hiệu của mình đi xa hơn nữa nhưng tôi không nhận lời. Sản phẩm được thưởng thức khi vẫn còn tươi màu đen sánh bóng, mùi thơm đặc trưng của lá gai quyện mùi gạo nếp, ngọt bùi của đậu xanh, của dừa… Nếu đưa vào Vinmart + thì phải tính đến việc, bánh có thể 5 - 7 ngày mới bán hết, như vậy sẽ ảnh hưởng đến độ ngon, chất lượng của bánh”…
8 năm nay, anh Lê Hữu Lâm được bầu là Chủ tịch Hiệp hội làng nghề bánh gai Tứ Trụ. Một thực tế đáng buồn là không ai muốn tham gia vào Ban chấp hành khi hiệp hội không có kinh phí để hoạt động. Làng nghề hiện còn 46 hộ, nhưng phần nhiều vẫn kinh doanh theo nếp cũ, mạnh ai nấy bán nên khó quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể. Hơn nữa, công tác bảo hộ nhãn hiệu chưa được quan tâm đúng mức nên có hộ tự ý nhận là bánh gai Tứ Trụ nhưng kém chất lượng, bày bán một số nơi, đã làm ảnh hưởng đến thương hiệu làng nghề. Anh Lâm chia sẻ: “Với những người làm nghề, trong tâm thức luôn mong sản phẩm làng nghề không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, phải giữ được chất truyền thống ở trong mỗi chiếc bánh. Đó là hạnh phúc, niềm tự hào. Tôi hy vọng sẽ có sự gắn kết hơn nữa giữa các hộ trong làng nghề chứ không phải mạnh ai nấy bán…”.
Khép lại câu chuyện về ông chủ của một cơ sở sản xuất bánh gai gia truyền với những đam mê, nhiệt huyết, trong tôi vẫn là hình ảnh về một Lê Hữu Lâm với chiếc xe đạp Thống Nhất chở những sọt bánh gai đến với quán cơm, quán nước… Từ những bước đi nhọc nhằn nhưng vững chắc đầu tiên đấy để sau này anh đã làm nên chuyện lớn. Cùng với sự nức tiếng thương hiệu bánh gai Tứ Trụ nói chung thì cái tên bánh gai Lâm Thắm ngày hôm nay đã khẳng định được chỗ đứng riêng trên thị trường.
Theo vhds.baothanhhoa.vn