Nếp hạt cau Lộc Thịnh
Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ câu chuyện hoàng tử Lang Liêu (thời Hùng Vương thứ 6) được Thần dạy cách dùng gạo nếp làm thành bánh chưng, bánh giầy bởi “trong trời đất, không gì quý bằng hạt gạo”.
Có thể thấy, gạo nếp ưu thế hơn gạo tẻ ở những đặc điểm như tính ngọt, mềm, thơm, dẻo, dính nên có thể đem nấu xôi, làm cốm, gói bánh mà gạo tẻ khó thay thế được. Thảo nào khi Hùng Vương thứ 18 kén rể, món sính lễ ngài yêu cầu trước tiên cũng là nếp (“một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa...)!
Thời Minh Mạng, vua còn ra lệnh đúc Cửu Đỉnh bằng đồng và cho khắc các hình tượng núi sông vạn vật tiêu biểu cho toàn cảnh đất nước Việt Nam. Trong đó, họa tiết lúa nếp được chạm nổi rất tinh xảo trên bàu của đỉnh thứ hai là Nhân Đỉnh (họa tiết cây lúa tẻ ở đỉnh thứ nhất – Cao Đỉnh). Từ thổi xôi, làm cốm, quết bánh phồng…cho đến nấu rượu, bao giờ hạt gạo nếp cũng là thành phần quyết định.
Vĩnh Thịnh nằm gọn giữa hai ngọn núi của hai huyện Thạch Thành và Hà Trung, là xã có địa hình lòng chảo, là một xã không có sông chạy qua nên chủ yếu tưới cho sản xuất nông nghiệp bằng hệ thống Hồ Rát và Hồ Đá Kẽn. Là một xã thuần nông cây trồng chủ yếu là lúa nước, người Vĩnh Thịnh luôn coi trọng hạt lúa, các thế hệ cha ông chúng ta gọi hạt lúa là hạt “Ngọc Trời”, điều ấy cũng dễ hiểu vì đối với người nông dân Vĩnh Thịnh hạt lúa là tất cả sinh mệnh, cuộc sống của họ.“Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, “Chân lấm tay bùn” quanh năm “Năm nắng, mười sương” chính vì vậy mà hạt lúa có một vị thế vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa, hạt lúa trở thành hình tượng của niềm vui và cả nỗi lo của đời sống xã hội.
Vốn là vùng đất sâu trũng, bùn lầy có nguồn gốc phù sa cổ, thủy lợi gặp nhiều khó khăn, chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã lụt, luôn trong cảnh “Chiêm khô, mùa thối’’. Trải qua các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hoàn thiện thủy lợi mặt ruộng của thập kỷ 70, 80 của thế kỷ 20 tiến tới bê tông hóa hệ thống kênh mương giao thông nội đồng, năm 2010 phân tích nông hóa thổ nhưỡng, từ những năm 1980 xây dựng công thức phân bón để cải tạo đồng ruộng, chủ động tưới tiêu, thau chua, rửa mặn, chống sinh lầy, thường xuyên đưa vào khảo nghiệm lựa chọn, bổ sung, đổi mới tạo ra ưu thế lai trong sản xuất cây lương thực, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong giai đoạn hiện nay và mai sau, góp phần phát triển nền nông nghiệp.
HTXNN&DV xã Vĩnh Thịnh chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, chủ động đưa các giống mới có tiềm năng, năng suất cao vào sản xuất. Đồng thời thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn VietGap với lúa thương phẩm chất lượng cao như: Thái xuyên 111, Nếp hạt cau, TBR 225,....
Nếp hạt cau, cái tên gọi nghe rất lạ, là giống lúa nếp truyền thống từ xưa đến nay của bà con nhân dân xã Vĩnh Thịnh. Không ai trong xã còn nhớ nếp hạt cau có từ bao giờ, chỉ biết rằng hiện nay giống lúa nếp này được một số hộ sản xuất của xã gieo trồng và lưu giữ nguồn gốc của giống nếp đặc sản của quê hương. Năm 2017, HTX NN & DV Vĩnh Thịnh đã tổ chức tham quan học tập các mô hình về giống lúa Nếp hạt cau để phát triển, mở rộng diện tích, hỗ trợ người dân trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, phòng, chống sâu bệnh, củng cố hệ thống thủy lợi, chủ động phục vụ cho việc tưới tiêu nhằm phát triển và bảo tồn bền vững, nguyên bản giống nếp hạt cau này. Nếp hạt cau khi chín vỏ hạt có màu vàng cánh gián giống hạt cau khô, khi xát ra chất lượng gạo cao, hạt gạo tròn, trắng đục, hương thơm đặc trưng. Chưa có giống lúa nếp nào có thể vượt qua được ngưỡng chất lượng của nếp hạt cau (Trong đó: Hàm lượng Protein chiếm 2,62%; hàm lượng lipit chiếm 0,24g/100g; hàm lượng Glucid chiếm 29,12g/100g; hàm lượng chất xơ chiếm 0,42g/100g). Người dân trong xã dùng nếp hạt cau để nấu xôi và làm bánh. Xôi và bánh làm từ loại gạo này 3 ngày không thiu, ăn rất dẻo và thơm. Lúa nếp hạt cau được trồng ở rất nhiều nơi nhưng duy nhất trồng tại Xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc mới giữ tròn hương vị thơm ngon của lúa. Với chất lượng thơm dẻo đậm đà, được nhiều người ưa chuộng, nhu cầu của thị trường nhất là trong dịp lễ tết, là mặt hàng giá trị cho xuất khẩu hàng hóa.Vì vậy, nó trở thành đặc sản người dân nơi đây mà cho đến nay vẫn chưa có giống lúa nếp nào có thể vượt qua.
Đây là giống nếp cổ truyền quý giá, ngoài phẩm chất tốt giống nếp này còn có khả năng chống chịu với một số điều kiện khắc nghiệt như chịu phèn, chịu chua, chịu hạn chống chịu sâu bệnh tương đối tốt, mỗi năm cũng chỉ trồng được một vụ vào vụ mùa. Thời gian sinh trưởng của giống lúa từ 150 ngày đến 155 ngày. Đặc điểm của cây lúa là lá tốt, cây cao từ 1,5-1,7 mét, bông lúa đều, màu nâu. Năng suất lúa đạt từ 45-50 tạ/ha. Lúa nếp hạt cau bán ra thị trường với giá từ 1,1-1,3 triệu đồng /100 kg thóc tươi; 1,4-1,7 triệu đồng/100kg thóc khô, giá gạo trên thị trường tiêu thụ từ 25 nghìn đồng đến 30 nghìn đồng /kg gạo. Như vậy giống lúa nếp này mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5-2,0 lần so với các loại lúa khác. Nếp cái hạt cau đã trở thành sản vật không thể thiếu được của người dân Vĩnh Thịnh, là món quà quý trong những ngày lễ tết, dịp trọng đại, có tiềm năng xuất khẩu rất lớn.
Sản phẩm nếp hạt cau hiện nay được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh, gạo được chuyển đi xa trong Nam ngoài Bắc, HTX đã ký hợp đồng bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm lúa nếp hạt cau với nhiều công ty, doanh nghiệp và các đại lý thu mua lúa trong và ngoài tỉnh, phấn đấu mỗi năm tiêu thụ từ 650-700 tấn, dự kiến những năm tiếp theo mở rộng diện tích liên kết bao tiêu sản phẩm từ 100ha đến 150ha. Trong những năm qua nhân dân xã Vĩnh Thịnh đã sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ra thị trường, được nhiều khách hàng biết đến và tin dùng vào sản phẩm, chúng tôi khẳng định giống lúa nếp hạt cau sẽ phát triển, mở rộng quy mô sản xuất lớn hơn nữa, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, thơm ngon, bổ dưỡng, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài tỉnh và khắp đất nước. Phấn đấu liên kết với các doanh nghiệp có uy tín để xuất khẩu ra nước ngoài.
Thanh Hóa: Phát triển thương hiệu lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh
Để phát huy hết tiềm năng của giống lúa lúa nếp hạt cau có năng suất chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đã khuyến khích người dân tích tụ, tập trung đất đai, quy hoạch thành vùng sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn.
Theo đó, Nếp hạt cau là giống lúa bản địa quý được trồng rải rác ở một số huyện trong tỉnh Thanh Hóa, khi chín vỏ hạt màu cau khô, hạt gạo tròn, trắng đục, năng suất thấp nhất đạt trên 38 tạ/ha, giá trị thu nhập cao gấp 2-3 lần lúa thường. Nhờ chất lượng gạo thơm, dẻo, đậm đà, lúa nếp hạt cau được nhiều người ưa chuộng, từ nguồn lúa nếp hạt cau có thế chế biến ra rượu nếp cái hạt cau, sản phẩm gạo, bánh từ nếp hạt cau...
Đây là giống lúa có nhiều tính ưu việt so với một số giống lúa đang được gieo cấy tại địa phương, như: Chi phí thuốc bảo vệ thực vật, phân bón ít hơn, năng suất, chất lượng cao và góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, bảo đảm an toàn thực phẩm. Đến nay, diện tích sản xuất lúa nếp hạt cau đã tăng lên hơn 165 ha với hơn 300 hộ tham gia sản xuất, năng suất trung bình đạt 50 tạ/ha, hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần so với các giống lúa nếp khác.
Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích gieo cấy lúa nếp hạt cau còn khó khăn do nguồn giống đã có sự thoái hóa trong nhiều năm trước, khiến cho nguồn gen này đang dần bị mất đi. Từ thực tế đó, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kĩ thuật giống cây trồng nông nghiệp Thanh Hóa đã thực hiện nghiên cứu, sản xuất lúa qua từng mùa.
Từ năm 2017, sau khi giống lúa này được phục tráng thành công, xã đã khuyến khích, hỗ trợ người dân dồn điền, đổi thửa, tích tụ, tập trung đất đai, đưa vào sản xuất tập trung với diện tích hơn 30 ha. HTX dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thịnh đã lựa chọn những hộ còn lưu giữ được giống không bị lai tạp rồi mới tiến hành gieo cấy. Tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân, hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để làm ra những hạt gạo sạch, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Hiện nay giống lúa Nếp hạt cau đã được phục tráng thành công
Bên cạnh đó, hỗ trợ người dân các khâu dịch vụ, như: Cung ứng vật tư nông nghiệp, dự báo sâu bệnh, làm đất; đồng thời, đóng vai trò là trung gian liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân và doanh nghiệp.
Đại diện lãnh đạo UBND xã Vĩnh Thịnh cho biết: Việc phát triển vùng sản xuất chuyên canh lúa nếp hạt cau đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm đã xây dựng được sản phẩm thế mạnh đặc trưng của địa phương; góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp; từng bước đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Để tạo điều kiện cho người dân sản xuất và gìn giữ được giá trị của giống lúa nếp hạt cau, xã đã vận động người dân mở rộng diện tích sản xuất theo chuỗi giá trị; xây dựng thương hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, bao bì bắt mắt... Đồng thời, địa phương cũng thực hiện các chương trình quảng bá, phát triển thương mại cho sản phẩm mang tên gạo nếp Lộc Thịnh.
Năm 2020, sản phẩm gạo nếp Lộc Thịnh đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt sản phẩm đạt chất lượng OCOP 4 sao. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục khuyến khích người dân tích tụ, tập trung đất đai, mở rộng diện tích sản xuất lúa nếp hạt cau thêm 40 ha.
Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua sản xuất, chế biến và đóng gói sản phẩm. Mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hình thức quảng bá sản phẩm, tham gia các hội chợ, triển lãm...