Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử: Tăng sức mua, mở rộng thị trường
Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang có tầm ảnh hưởng nhất định, góp phần tiêu thụ nông sản trong tỉnh. Vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan đẩy mạnh hỗ trợ đưa nông sản lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn
Cơ hội mới và những hạn chế
Bà La Thị Xuân, thôn Ân Trù, xã Tân Trung (Tân Yên) là giáo viên nghỉ hưu. Đã ngoài 70 tuổi nhưng vợ chồng bà vẫn tích cực sản xuất, mùa nào cũng bán nông sản như: Vải thiều, dưa lê, khoai sọ, lạc… Gần đây, bà đã sử dụng trang Facebook cá nhân để quảng cáo bán hàng. Bà Xuân cho biết: “Vừa rồi tôi thu hoạch gần 1 tấn khoai sọ. Sau 1 ngày quay và phát video giới thiệu sản phẩm trên Facebook, mọi người đã đăng ký mua hết. Khách hàng đa phần là người quen trong vùng, mỗi người mua với số lượng vừa phải nên nhà tôi tự vận chuyển hàng cho khách”.
Các nhà sáng tạo nội dung kênh Tiktok: Thiện Nhân, Huyền HuHo, Hồi ức 1997 quảng bá, bán nông sản Lục Ngạn
Cùng với bán nông sản qua mạng xã hội, hộ anh Vũ Nguyên Bình, thôn Quý Thịnh, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) còn bán hàng trên sàn TMĐT Postmart.vn (của Bưu điện Việt Nam). Theo anh Bình, tham gia TMĐT giúp nông dân năng động, tiếp cận với công nghệ số hiện đại, tìm được nhiều bạn hàng cả trong và ngoài nước. Nhờ đó, nông sản “rộng cửa” tiêu thụ hơn.
Không chỉ các hộ gia đình, cá nhân, hiện việc sử dụng các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, đặc biệt là các sàn TMĐT để quảng bá, bán nông sản (cả tươi và chế biến) đang trở nên phổ biến đối với doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có 7.786 gian hàng của các DN, HTX và hộ gia đình đăng ký hoạt động trên sàn TMĐT Postmart.vn. Từ đầu năm đến nay, các gian hàng này có 1.780 đơn hàng.
Theo Bưu điện tỉnh, chỉ tính riêng sàn TMĐT Postmart.vn, toàn tỉnh có 7.786 gian hàng của các DN, HTX và hộ gia đình đăng ký hoạt động.
6 tháng qua, Sở Công Thương phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương, sàn TMĐT Lazada.vn, Postmart.vn hỗ trợ hơn 100 lượt DN, HTX, hộ gia đình khởi tạo gian hàng, đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT.
Nhân viên Trung tâm Khai thác vận chuyển Bưu điện tỉnh kiểm tra, chuẩn bị vận chuyển hàng hóa
TMĐT tuy mang lại nhiều cơ hội mới, thúc đẩy phát triển kinh tế số khu vực nông nghiệp, nông thôn nhưng thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, khu vực nông thôn chưa có hệ thống hạ tầng gom phát hàng thống nhất, chuyên biệt phục vụ sản xuất nông nghiệp và TMĐT. Việc bảo quản, thu gom, phân phối hàng hóa manh mún, thiếu tính kết nối.
Một trong những trở ngại lớn trong chuỗi hoạt động TMĐT nằm ở khâu logistics, vận chuyển nông sản, nhất là đối với các loại tươi sống. Sản phẩm dễ bị dập nát, hư hao, không bảo đảm chất lượng trong quá trình vận chuyển. Vì thế đã có nhiều sàn như Shopee.vn, Tiki.vn… không nhận giao dịch hàng tươi sống. Đại diện HTX Nông sản sạch Bình Nguyên, thị trấn Chũ (Lục Ngạn) cho biết, đơn vị mở 1 gian hàng trên sàn TMĐT Postmart.vn từ tháng 6/2021. Do hạ tầng viễn thông chưa đồng bộ, đường truyền Internet hay bị lỗi nên việc đăng nhập vào sàn tốn nhiều thời gian, không kịp thời trả lời khách mua hàng.
Vì các lý do trên nên lượng nông sản, nhất là vải thiều tươi bán qua sàn TMĐT nói chung và sàn Postmart.vn nói riêng khá khiêm tốn. Từ đầu năm đến nay, tại các gian hàng trong tỉnh trên sàn TMĐT Postmart mới có 1.780 giao dịch, trị giá 290 triệu đồng.
Cùng nông dân tham gia kinh tế số
Nguyên nhân chính dẫn đến những tồn tại nêu trên là chưa có nhiều DN đầu tư vào hạ tầng kinh tế số khu vực nông thôn (logistics, hệ thống kho, điểm giao dịch, viễn thông, vận tải,…). Việc nhận đơn hàng, giới thiệu sản phẩm, chăm sóc khách hàng… của các chủ thể trên sàn TMĐT chưa chuyên nghiệp.
Các Tiktoker livestream bán vải thiều giúp nông dân Lục Ngạn
Mong muốn giúp các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia TMĐT, đầu năm 2022, Bưu điện tỉnh và Hội Nông dân tỉnh ký kết, triển khai Chương trình phối hợp hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2022-2025. Mục đích là đưa nông sản địa phương lên sàn TMĐT Postmart.vn, trang Postmart.vn và Agri-postmart.vn. Sau hơn 1 năm thực hiện, các bên chưa thường xuyên cập nhật, nắm tình hình các chủ thể hoạt động trên sàn TMĐT Postmart.vn để đánh giá hiệu quả.
Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh có văn chỉ đạo UBND các huyện, TP và sở, ngành liên quan như: Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Bưu chính Viettel Bắc Giang tiếp tục phối hợp phổ biến, tập huấn, đào tạo kỹ năng số cho hộ sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ kết nối, hướng dẫn các hộ tham gia giao dịch trên sàn TMĐT. Đồng thời cung cấp thông tin mùa vụ, sản lượng thu hoạch, nuôi trồng; thời điểm thu hoạch, khung giá thu mua nông sản ổn định; xác nhận chủng loại và phẩm cấp nông sản cho các đơn vị cung cấp sàn TMĐT.
Bà Lê Thị Tuấn, Trưởng Phòng Kế hoạch kinh doanh, Bưu điện tỉnh chia sẻ, thời gian tới, đơn vị tiếp tục đổi mới, nhất là trong khâu logistics. Thương mại số nông thôn cũng là cơ hội để ngành bưu chính mở rộng phạm vi hoạt động. Do đó, Bưu điện tỉnh sẽ luôn đồng hành, trực tiếp hỗ trợ nông dân tham gia TMĐT, giảm các khâu trung gian, góp phần cung cấp sản phẩm bảo đảm chất lượng, giá cả phù hợp đến tay người tiêu dùng.
Để việc chuyển đổi số khu vực nông thôn diễn ra nhanh, hiệu quả, Sở Công Thương đề nghị Cục TMĐT và Kinh tế số tiếp tục tăng cường hỗ trợ trong lĩnh vực TMĐT quốc gia, đặc biệt đối với các địa phương đang phát triển như Bắc Giang; xây dựng và cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của TMĐT; nghiên cứu và điều chỉnh các chính sách phù hợp, theo kịp với xu hướng phát triển kinh doanh trực tuyến. Các sàn TMĐT xây dựng niềm tin với người tiêu dùng, hình thành thói quen mua sắm trực tuyến. Các đơn vị, DN, HTX, hộ gia đình… chủ động học tập, tham gia đào tạo, tập huấn về TMĐT để tiếp cận nhanh và ứng dụng hiệu quả TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo Báo điện tử Bắc Giang