Nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
Hơn 62.000 hộ sản sản xuất nông nghiệp ở Bình Định đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, gia tăng giá trị nông sản địa phương
Hợp tác xã nông nghiệp thanh niên Hoài Ân, huyện Hoài Ân, trong năm 2023 đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với khoảng 60 hộ trồng trái cây tại địa phương. Từ đầu năm đến nay, đơn vị tiêu thụ được 95 tấn nông sản, phân phối tại các siêu thị lớn và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, trong đó mặt hàng bưởi da xanh là sản phẩm chủ lực.
Anh Thái Thành Việt, thành viên hợp tác xã, cho biết để đạt được kết quả trên, các hộ nông dân ở địa phương áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt theo hướng VietGAP, hữu cơ tiến tới sản phẩm hàng hóa chất lượng và cấp mã số vùng trồng.
Hợp tác xã cũng phối hợp với Bưu điện tỉnh Bình Định tập huấn các hộ trồng trái cây trên địa bàn huyện, hướng dẫn cho nông dân cách đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. "Việc đưa sản phẩm lên sàn giúp việc buôn bán nhanh hơn, sản phẩm chất lượng nên nhiều người cũng tin dùng", anh Việt nói.
Sản phẩm bưởi da xanh ở huyện Hoài Ân được bán trên sàn thương mại điện tử
Huyện Hoài Ân là một trong những vùng chuyên canh cây ăn quả lớn nhất Bình Định. Đến nay, diện tích cây ăn quả đã trồng trên địa bàn huyện Hoài Ân đạt gần 1.500 ha.
Trong đó, bưởi da xanh là một trong những cây ăn quả được người dân huyện này chú trọng tăng năng suất. Diện tích trồng bưởi da xanh đạt 342 ha, sản lượng trên 1.600 tấn mỗi năm, có 45 ha đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP.
Không chỉ riêng huyện Hoài Ân, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đang triển khai hàng loạt giải pháp chuyển đổi số như truy xuất nguồn gốc bằng mã QR cho một số nông sản hợp chuẩn VietGAP; sử dụng phần mềm trong quản lý dữ liệu về bảo vệ thực vật, quản lý dịch bệnh,...
Hội nông dân ở tỉnh Bình Định cũng chú trọng giáo dục nông dân nâng cao kiến thức trong nông nghiệp; vận động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm; phối hợp với bưu điện tỉnh tuyên truyền, giới thiệu và kết nối tiêu thụ hàng nông sản chất lượng của nông dân lên sàn thương mại điện tử.
Đến nay, toàn tỉnh có 217 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó 6 sản phẩm 5 sao, 34 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và còn lại đạt tiêu chuẩn 3 sao. Hiện đã có hơn 62.000 hộ sản xuất nông nghiệp cập nhật 217 sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại.
Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết Hội Nông dân tỉnh cần chú trọng đào tạo nghề cho hội viên; tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, hỗ trợ về vốn, tín dụng, vật tư nông nghiệp. Đồng thời chuyển giao kiến thức, khoa học công nghệ, kết nối, giới thiệu, góp phần thuận lợi trong việc tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân.
Theo vnexpress.net