Chuyển đổi số cấp xã: Góp phần thu hẹp khoảng cách “số” giữa nông thôn và thành thị
Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Thanh Hóa, từ cuối năm 2020, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định lựa chọn 3 xã: Hà Sơn (Hà Trung), Nga An (Nga Sơn) và Yên Thọ (Như Thanh) là 3 địa phương đầu tiên của tỉnh thí điểm CĐS cấp xã. Sau hơn 1 năm triển khai, các mô hình thí điểm đã phát huy hiệu quả, từng bước tạo nên mô hình xã thông minh, đem lại những bài học kinh nghiệm thiết thực để nhân rộng ra các địa phương trong tỉnh.
Công chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND xã Hà Sơn (Hà Trung) hướng dẫn Nhân dân thực hiện các bước nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Để triển khai CĐS thành công trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, các xã thí điểm đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn. Trong đó, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng Internet, sử dụng hệ thống quản lý văn bản điều hành; hệ thống thông tin báo cáo; hệ thống một cửa điện tử; sử dụng các phần mềm quản lý, phần mềm tài chính - kế toán. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cán bộ, công chức về CĐS, đặc biệt là trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4... Đến nay, 100% cán bộ, công chức các xã thí điểm đã thực hiện làm việc và ký số trên môi trường điện tử; cung cấp công khai, minh bạch dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, xử lý đúng hạn đạt 100%, không còn tình trạng người dân phải chờ đợi, xếp hàng lâu tại bộ phận một cửa để thực hiện thủ tục hành chính. Ngoài ra, các địa phương đã thực hiện kết nối hội nghị trực tuyến xuống tận điểm cầu cấp thôn, đáp ứng yêu cầu hội họp, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp.
Anh Nguyễn Ngọc Khuyên, công chức văn hóa - thông tin xã Hà Sơn cho biết: “Là công chức bộ phận một cửa, bước đầu tôi còn bỡ ngỡ về CĐS, nhưng sau khi được hướng dẫn cũng như tham gia các lớp tập huấn do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức, tôi đã tiếp cận CĐS trong nhiệm vụ chuyên môn. Tôi nhận thấy, CĐS rất hữu ích trong xử lý các văn bản hàng ngày, phần lớn văn bản đều được chuyển, ký số, qua hệ thống nên hạn chế giấy tờ rất nhiều. Đến nay, tất cả các công chức xã đã triển khai các công việc liên quan đến CĐS thành thạo, giúp đẩy nhanh tiến độ công việc. Đồng thời hướng dẫn Nhân dân thực hiện các bước nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, từng bước số hóa các thủ tục hành chính công...
Có thể thấy, CĐS đã làm chuyển biến căn bản nhận thức và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đem lại sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Ông Mai Văn Chung, Phó Chủ tịch xã Nga An, huyện Nga Sơn, cho biết: Thực hiện nhiệm vụ CĐS, UBND xã Nga An đã xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp với đặc thù địa phương; tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao nhận thức về CĐS; quan tâm nâng cao trình độ của cán bộ, công chức về công nghệ thông tin; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu về CĐS... Hiện nay, Nga An đã triển khai cơ bản được chính quyền số. Nhờ CĐS, mọi kết quả công việc đều được công khai, do đó, bản thân người cán bộ quản lý và cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ đều phải nêu cao ý thức, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.
Đối với nhóm nhiệm vụ về xây dựng xã hội số, trong khuôn khổ chương trình thí điểm, Sở Thông tin và Truyền thông, VNPT Thanh Hóa và UBND các xã xác định tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu gồm: y tế, giáo dục và an ninh trật tự. Trong đó, lĩnh vực y tế đã triển khai phần mềm khám chữa bệnh VNPT HIS song song với các phần mềm sổ sách báo cáo, từng bước số hóa dữ liệu cư dân, liên thông hơn 40 loại báo cáo đến cấp huyện, từ đó giảm thiểu việc phải nhập lại nhiều nội dung như trước và cho phép người dân cập nhật nhanh chóng tình trạng tiêm vắc-xin phòng COVID-19 lên các ứng dụng của Bộ Y tế.
Ngành giáo dục các địa phương cũng đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, trong tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; áp dụng phần mềm quản lý viên chức; phần mềm phổ cập... Triển khai ứng dụng zalo để thực hiện tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính (tra cứu mã hồ sơ, quét mã QR qua zalo...), cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành, các thông tin về kinh tế - xã hội nhanh chóng, hiệu quả... Ngoài ra, các xã cũng đã triển khai hệ thống camera giám sát an ninh trật tự tại các tuyến giao thông trục chính, kịp thời phát hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật và tai nạn giao thông trên địa bàn.
Từ khi lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh trật tự, xã Yên Thọ (Như Thanh), tỷ lệ khu dân cư được công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự” đạt trên 90% trở lên. An ninh trật tự được đảm bảo, Nhân dân tích cực tham gia các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận, quá trình triển khai CĐS cũng đã cho thấy một số khó khăn, đặc biệt là trong xây dựng kinh tế số.
Điểm mấu chốt để xây dựng thành công nền kinh tế số là thương mại điện tử và nền tảng thanh toán điện tử. Tuy nhiên, ở khu vực nông thôn, việc triển khai cả 2 nội dung này đều còn rất hạn chế. Do đó, để CĐS thành công, tiến tới nhân rộng ra các địa phương khác, hoạt động CĐS cần tiếp tục triển khai bài bản, mang lại hiệu quả thật sự. Trong đó, cần ưu tiên các dịch vụ thiết yếu phục vụ lợi ích của người dân như dịch vụ về y tế, giáo dục, thanh toán online, quảng bá nông sản, quảng bá di tích và các thế mạnh riêng của từng địa phương. Mỗi cán bộ, công chức cần tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin để thay đổi phương thức làm việc, giúp cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và giải quyết công việc. Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của CĐS, bởi việc CĐS ở cấp xã chính là cách tiếp cận gần dân nhất để mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, là yếu tố quan trọng làm nên thành công của Chương trình CĐS ở mỗi địa phương.
Theo baothanhhoa.vn