• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 10

    Hôm nay: 1156

    Đã truy cập: 8304356

Trường Đại học Hồng Đức với hoạt động chuyển đổi số

Chuyển đổi số (CĐS) đang trở thành yêu cầu đối với nhiều lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có giáo dục. Vì vậy, cùng với các cơ sở giáo dục trong cả nước, những năm qua Trường Đại học (ĐH) Hồng Đức đang từng bước chuyển đổi từ phương thức đào tạo truyền thống sang sử dụng hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo trên nền tảng số.


Không gian giáo dục số “Smart Edu Hub” vừa được khai trương và đưa vào hoạt động tại Trường ĐH Hồng Đức.

Giám đốc Trung tâm CNTT và Truyền thông, Trường ĐH Hồng Đức Lê Đình Nghiệp cho biết: Nhà trường đã được đầu tư cơ sở hạ tầng về CNTT như hạ tầng mạng, hệ thống máy chủ, đường cáp quang kết nối tốc độ cao, trung tâm dữ liệu... tương đối đồng bộ, hiện đại. Ngoài ra còn có một phòng học thông minh với các thiết bị hỗ trợ giảng viên và sinh viên tương tác hiệu quả trong quá trình dạy học; một phòng thí nghiệm về lĩnh vực khoa học máy tính với các trang thiết bị, các hệ thống máy xử lý dữ liệu tốc độ cao, giúp sinh viên của ngành khoa học máy tính có thể học tập và thử nghiệm các thuật toán về khai thác, sử dụng dữ liệu, dữ liệu lớn, các thuật toán về trí tuệ nhân tạo hoặc công nghệ blockchain hiệu quả...

Đặc biệt, trước yêu cầu về CĐS trong quản lý và đào tạo, nhà trường đã trang bị hệ thống phần mềm quản trị nhà trường hiện đại, trong đó các đối tượng như nhà quản lý, giảng viên, sinh viên đều có môi trường làm việc trên không gian số. Qua sử dụng các phần mềm quản lý đào tạo PMT-EMS Education; phần mềm quản lý nội dung học tập, học trực tuyến LMS; phần mềm tổ chức thi trực tuyến iTest... nhà trường có thể quản lý, theo dõi các hoạt động của giảng viên, giám sát lớp học hay các hoạt động khác liên quan đến các khoa đào tạo một cách hiệu quả trên môi trường mạng.

Đặc biệt, năm 2022 Trường ĐH Hồng Đức là một trong số ít các trường ĐH trong cả nước đưa 2 học phần: CĐS và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào giảng dạy đối với tất cả các chương trình đào tạo trình độ ĐH (bắt đầu từ khóa đào tạo K25).

TS Phạm Văn Hiền, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Hồng Đức cho biết: Mục đích của việc triển khai học phần này nhằm trang bị các kiến thức cần thiết cho người học về công dân số, an toàn thông tin, văn hóa số, giúp bảo vệ mình, bảo vệ tài sản trên môi trường không gian mạng, không gian số. Đồng thời giúp học viên, sinh viên khai thác hiệu quả công nghệ số, những thành tựu nổi bật của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào học tập, nghiên cứu khoa học và tiến tới tạo các sản phẩm sáng tạo, khởi nghiệp, khai thác hiệu quả công nghệ số để phát triển nghề nghiệp trong tương lai và tham mưu cho cơ quan, đơn vị nơi công tác ứng dụng các công nghệ số trong thực tiễn.

Nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực về học tập và năng lực trong lĩnh vực CNTT, mới đây Trường ĐH Hồng Đức đã phối hợp với Công ty TNHH REMANn (Hàn Quốc) khai trương và đưa vào hoạt động Không gian giáo dục số “Smart Edu Hub” với 20 bộ máy tính cấu hình cao được sắp xếp khoa học, cùng với các trang bị tiện ích, đồng bộ. “Smart Edu Hub” không chỉ là nơi cung cấp nguồn cơ sở vật chất, mà còn là nơi tổ chức các khóa học giúp người học nâng cao kiến thức về CNTT, đảm bảo chất lượng giáo dục và rút ngắn khoảng cách dân trí, tạo cơ hội học tập cho người dân và giúp xã hội phát triển hiện đại, bình đẳng.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức Đậu Bá Thìn, Không gian giáo dục số “Smart Edu Hub” là sản phẩm của chương trình hợp tác giữa Trường ĐH Hồng Đức với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (Koica) và Công ty TNHH REMANn. Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, giúp sinh viên Trường ĐH Hồng Đức nói riêng và sinh viên, học sinh các trường ĐH, cao đẳng, THPT khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có cơ hội nâng cao năng lực học tập trong lĩnh vực CNTT; đồng thời giúp người dân địa phương có thể sử dụng và tiếp cận với CNTT miễn phí, hiệu quả, từ đó góp phần “thu hẹp khoảng cách số”.

Được biết, mục tiêu của Trường ĐH Hồng Đức trong thời gian tới là xây dựng nhà trường trở thành một trong những mô hình CĐS mẫu cho các trường ĐH, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ... Theo đó, từ nay đến năm 2025 nhà trường sẽ tập trung hoàn thiện xây dựng kiến trúc CĐS tổng thể cho Trường ĐH Hồng Đức, cơ sở hạ tầng mạng, trang thiết bị CNTT, phòng thí nghiệm chuyên ngành, phòng học thực tế ảo, phòng học trực tuyến phục vụ dạy học các chương trình tiên tiến và nghiên cứu chuyên sâu được nâng cấp và xây dựng. Xây dựng hệ thống quản trị và điều hành thông minh, tích hợp được 100% các dịch vụ số trong nhà trường, tích hợp hệ thống camera giám sát an ninh ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn...

Để thực hiện thành công CĐS trong nhà trường, Trường ĐH Hồng Đức cũng đã vạch ra lộ trình và các giải pháp cụ thể. Trước mắt, tăng cường tuyên truyền vai trò của CĐS, nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, giáo viên, người lao động trong nhà trường. Lãnh đạo nhà trường phải là những người tiên phong và phải gắn kết mục tiêu với việc triển khai CĐS; xây dựng tinh thần đổi mới sáng tạo, ứng dụng CNTT trong thực thi công việc xuyên suốt từ lãnh đạo nhà trường đến đội ngũ giảng viên, nhân viên; có các nghiên cứu về mô hình CĐS trên thế giới... Phấn đấu đến năm 2030, Trường ĐH Hồng Đức trở thành trường học thông minh trong nhóm dẫn đầu các trường ĐH trong cả nước.

Nguồn: Baothanhhoa.vn