Phụ nữ với chuyển đổi số - cơ hội khởi nghiệp
Chuyển đổi số (CĐS), phát triển thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh đã mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp. Chủ động tham gia CĐS giúp đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ bắt kịp xu hướng mới, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Người lao động hoàn thiện sản phẩm nước ép trái cây của gia đình chị Lê Thị Ngọc, phường Hải Lĩnh (thị xã Nghi Sơn).
Tận dụng các nền tảng số như zalo, facebook, youtube, tiktok, shopee..., chị Lê Thị Ngọc, phường Hải Lĩnh (thị xã Nghi Sơn) đã sản xuất nước ép trái cây như: nước ép dâu, rượu dâu, hoa atiso phục vụ nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện sản phẩm của gia đình chị đã được cấp chứng nhận đạt OCOP cấp tỉnh và áp dụng hình thức kinh doanh chủ yếu bán hàng trên mạng, sàn thương mại điện tử. Thu nhập của gia đình chị từ mặt hàng này (từ phát triển vùng nguyên liệu đến tạo ra sản phẩm) đạt hơn 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Chị Ngọc chia sẻ: Tôi lựa chọn hình thức bán hàng online vì không bị giới hạn về khoảng cách địa lý. Nhờ tận dụng triệt để các nền tảng online mà có những thời điểm gia đình tôi xuất đi cả trăm đơn hàng.
Cũng như chị Ngọc, chị Nguyễn Thị Lý, Chủ tịch Hội LHPN xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa), cho hay: Thông qua việc bán hàng qua mạng xã hội, hệ thống website, facebook, sàn thương mại điện tử..., tổ hợp tác chế biến thủy, hải sản do phụ nữ làm chủ được hội LHPN xã chỉ đạo thành lập, các thành viên đã tận dụng được cơ hội để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, kênh tiêu thụ phù hợp. Vì thế, trong thời điểm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 đến nay, tổ hợp tác vẫn kinh doanh ổn định...
Nhận thức được vai trò và tác dụng quan trọng của CĐS trong hỗ trợ hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, thời gian qua, hội LHPN các cấp trong tỉnh đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền về công tác CĐS về mọi mặt, giúp chị em thuận lợi hơn trong công việc chuyên môn, sản xuất, kinh doanh... Các đơn vị trực thuộc, tổ chức thành viên và hội LHPN cấp cơ sở đã lập được các trang facebook và website giúp hội viên tiếp cận thông tin nhanh, kịp thời hơn. Đã có hàng nghìn phụ nữ được tiếp cận kiến thức về CĐS, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội. Hằng năm, Hội LHPN tỉnh đều phát động “Ngày phụ nữ khởi nghiệp”, tập huấn cho hội viên về khởi sự kinh doanh, năng lực quản lý, hỗ trợ và tiếp cận các chính sách; tham gia các hội nghị, hội thảo về phát triển doanh nghiệp; nâng cao nhận thức về CĐS...
Thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025 (gọi tắt Đề án 939), Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế ngày càng đa dạng và hiệu quả; tổ chức các lớp tập huấn kinh doanh online, tham gia các kênh, nhóm kinh doanh trên mạng xã hội... để có môi trường và kỹ năng vận dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả. Đến nay, hoạt động của Đề án 939 đã được triển khai thực hiện có hiệu quả. Trong 5 năm qua, hội LHPN các cấp trong tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 351 mô hình kinh tế tập thể tạo việc làm cho gần 2.200 thành viên tham gia sản xuất, kinh doanh. Các mô hình tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như: trồng trọt và chăn nuôi, thủ công mỹ nghệ, hầu hết đều ứng dụng CĐS để duy trì sản xuất, kinh doanh bền vững. Trong các mô hình trên, nhiều thành viên là hội viên, phụ nữ đã chủ động và được hỗ trợ xây dựng gần 400 đề án tham gia cuộc thi ý tưởng sản phẩm khởi nghiệp, trong đó có 147 ý tưởng khởi nghiệp tiêu biểu được tôn vinh, 4 sản phẩm được vào chung kết các cuộc thi ý tưởng sản phẩm khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức hàng năm.
Để thúc đẩy phụ nữ ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, Hội LHPN tỉnh tiếp tục phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức cho phụ nữ là chủ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Qua đó góp phần giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh do phụ nữ quản lý nâng cao vị thế, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm...
Nguồn: baothanhhoa.vn