Chuyển đổi số trong truyền thanh cơ sở
Với lợi thế không gian bao phủ rộng, hệ thống truyền thanh cơ sở ngày càng giữ vị trí quan trọng trong đời sống hàng ngày của người dân. Những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn Thanh Hóa đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT) nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở.
Trưởng Đài Truyền thanh xã Đông Minh (Đông Sơn) Nguyễn Thị Thanh điều chỉnh một số chức năng trên bộ điều khiển từ xa và hẹn giờ phát FM.
Trước đây, phát thanh thông qua sóng FM, thì nay hệ thống truyền thanh thông minh (TTTM) sử dụng công nghệ IP để truyền và nhận bản tin qua mạng internet, không còn tình trạng bị chèn sóng, lẫn sóng hay chất lượng âm thanh kém. Đặc biệt, nhờ tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), phần mềm TTTM có thể tự động nhận dạng và chuyển văn bản sang giọng nói, chuyển tệp tin âm thanh để phát ra hệ thống loa mà không cần phát thanh viên thu âm. Một điểm quan trọng là hệ thống TTTM được điều khiển hoàn toàn trên máy tính, thiết bị di động, giúp lưu trữ và quản lý tốt các nội dung phát sóng.
Thực hiện chương trình chuyển đổi số, cuối năm 2021 Đài Truyền thanh xã Đông Minh (Đông Sơn) đã áp dụng công nghệ thông tin vào vận hành tự động và sản xuất các chương trình truyền thanh trên ứng dụng CNTT-VT. Trưởng đài Nguyễn Thị Thanh cho biết: “Từ khi được trang bị hệ thống TTTM ứng dụng công nghệ số gồm máy tính, bộ tích hợp, thiết bị thu phát, loa 25W, thiết bị tích hợp số hóa và sim 4G, các thông tin được truyền tải nhanh, hiệu quả hơn rất nhiều. Đặc biệt, phần mềm của hệ thống TTTM cũng được cài đặt đồng bộ trên điện thoại thông minh, có kết nối internet, rất thuận tiện cho việc điều khiển chương trình phát thanh, tiếp âm đài cấp trên đúng khung giờ quy định. Đối với cán bộ vận hành như chúng tôi thì hệ thống TTTM thực sự có rất nhiều ưu điểm, khối lượng công việc được giảm tải rõ rệt”.
Cho đến nay, hệ thống TTTM là giải pháp được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm, tích cực triển khai thay thế hệ thống truyền thanh truyền thống. Một điểm quan trọng nữa là hệ thống TTTM sử dụng phần mềm thống nhất từ cấp huyện đến cấp xã, theo đó các cấp có thẩm quyền có thể kiểm soát chặt chẽ thông tin, chương trình, lịch phát thanh với độ bảo mật cao. Nhờ vậy, việc phát các bản tin trở nên linh hoạt, có thể lựa chọn phát tin tới từng cụm loa hoặc từng khu vực. Trong trường hợp khẩn cấp, đài truyền thanh cấp huyện hoàn toàn có thể lựa chọn trực tiếp phát tin tới từng cụm loa của khu dân cư, không phụ thuộc vào nhân viên ở cấp xã như trước. Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, đến cuối năm 2022 toàn tỉnh đã có 55 xã chuyển sang sử dụng hệ thống TTTM.
Cùng với các địa phương trên địa bàn tỉnh, huyện Hoằng Hóa hiện có 4 xã, gồm: Hoằng Xuyên, Hoằng Ngọc, Hoằng Đạo và Hoằng Phong đã triển khai lắp đặt hệ thống đài TTTM từ năm 2022. Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hoằng Hóa Nguyễn Văn Mãi cho biết: “Dự kiến trong năm 2023, trên địa bàn huyện sẽ có thêm 6 xã đưa vào triển khai ứng dụng hệ thống TTTM. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là giá trị đầu tư lắp đặt cụm thu của đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT lớn hơn so với hệ thống truyền thanh tần số FM. Cùng với đó nguồn chi ngân sách cấp xã cho các chi phí như thuê bao dữ liệu điện thoại năm, bộ thu IP đặt tại các cột loa... hiện chưa được bố trí”.
Truyền thanh cơ sở từ lâu được xem là kênh thông tin quan trọng, đưa thông tin trực tiếp và nhanh nhất. Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2030 chuyển đổi 100% đài truyền thanh cấp xã sang hệ thống TTTM, ứng dụng CNTT-VT, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở, thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số của tỉnh Thanh Hóa.
Nguồn: baothanhhoa.vn