Tại Hội nghị, ông Nguyễn Khắc Lịch, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, việc xây dựng và công bố Bản đồ công nghệ là để các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng làm công cụ hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, lập chiến lược mang tính dẫn dắt, xây dựng các kế hoạch triển khai từ ngắn hạn đến trung và dài hạn, phù hợp với sự phát triển của công nghệ, gắn với chiến lược phát triển ngành và lĩnh vực; hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp trong việc đưa ra quyết định về ứng dụng, triển khai công nghệ mới, tránh đầu tư quá sớm hoặc quá muộn khi công nghệ đã lỗi thời.
Sau 03 tháng nghiên cứu, 11 đơn vị của Bộ đã xây dựng được phiên bản đầu tiên của 08 Bản đồ công nghệ cho 8 lĩnh vực TT&TT gồm: Viễn thông, Bưu chính, Báo chí, Xuất bản, Chính phủ số, An toàn thông tin, Đại học số, Công nghệ số.
Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, “Bản đồ công nghệ sẽ là công cụ hỗ trợ quản lý, dự báo, dẫn dắt, quyết định lựa chọn chấp nhận, ứng dụng, đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ một cách tối ưu, đạt hiệu quả cao nhất. Bản đồ công nghệ sẽ giúp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trả lời ba câu hỏi mang tính sống còn: Các xu hướng lớn nào ảnh hưởng tới ứng dụng công nghệ số trong năm nay? Các công nghệ số nào có tiềm năng cân bằng giữa giá trị và rủi ro? Các công nghệ số mới nổi nào nên thận trọng khi triển khai?”.
Tại Hội nghị, Bộ TT&TT đã trình chiếu video clip công bố 8 Bản đồ công nghệ trong 8 lĩnh vực thông tin và truyền thông. Đáng chú ý, trong video clip, AI đã giúp Vụ Khoa học và Công nghệ tạo ra 9 đồng chí Trưởng đơn vị ảo đại diện các đơn vị chính thức công bố Bản đồ công nghệ trong lĩnh vực mình phụ trách. Cụ thể:
Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc: “Bản đồ công nghệ viễn thông là tài liệu dẫn hướng trong những năm tới cho công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, phát triển năng lực đo lường trong lĩnh vực viễn thông. Bản đồ giúp các doanh nghiệp viễn thông lập kế hoạch thay đổi công nghệ, tránh các công nghệ lạc hậu. Các nhà khoa học, nhà quản lý, kỹ sư có thể tham khảo bản đồ công nghệ phục vụ các mục tiêu khác.”
Vụ trưởng Vụ Bưu chính Lã Hoàng Trung: “Bản đồ công nghệ lĩnh vực bưu chính gồm 21 công nghệ ứng dụng, có ảnh hưởng quan trọng trong lĩnh vực Bưu chính. Trong đó, trong vòng 02 đến 05 năm tới, Vụ Bưu chính sẽ định hướng ứng dụng một số công nghệ để phát triển ngành và lĩnh vực, như: Tủ giao nhận hàng thông minh, máy bay không người lái, hợp đồng thông minh...”.
Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc: “Lĩnh vực báo chí của chúng tôi không phải là lĩnh vực công nghệ nhưng không thể thiếu công nghệ. Được Bộ trưởng quan tâm chỉ đạo, đã có được một bản đồ công nghệ gồm 12 công nghệ, định hướng công nghệ cho lĩnh vực báo chí trong nhiều năm tới. Đặc biệt là với công nghệ giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại nhiều năm về tự động hóa nghiệp vụ, trải nghiệm người dùng, bằng công nghệ nền tảng số, nhận dạng tiếng nói, cá nhân hoá trải nghiệm người dùng, rô-bốt, tổng hợp tiếng nói từ văn bản…”.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên: “Xuất bản, In và phát hành là lĩnh vực tư tưởng văn hóa nhưng đồng thời là lĩnh vực kinh tế - công nghệ. Vì thế, việc ứng dụng công nghệ có vai trò quyết định đến sự phát triển của ngành. Việc ra đời Bản đồ công nghệ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Một mặt, giúp cho công tác quản lý bám sát các yêu cầu về phát triển công nghệ, đồng thời chỉ dẫn cho các đơn vị trong lĩnh vực Xuất bản, In và phát hành nắm bắt để xây dựng định hướng phát triển của đơn vị, doanh nghiệp mình. Với việc chỉ ra các công nghệ và lộ trình phát triển công nghệ quan trọng cho phát triển ngành, như: Công nghệ OCR, Gen AI, in 3D... , tôi tin đây là cơ hội tốt để ngành giải quyết các bài toán lớn, để giúp ngành phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”.
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số Quốc gia Nguyễn Phú Tiến: “Xây dựng chính phủ số là một lĩnh vực mới, chúng tôi rất khó khăn trong việc định hướng lựa chọn công nghệ. Thông qua Bản đồ công nghệ lĩnh vực Chính phủ số, chúng tôi đã có định hướng giúp các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức giải quyết được bài toán tránh đầu tư vào các công nghệ lỗi thời, công nghệ có dòng đời ngắn, công nghệ đắt đỏ nhưng ít mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Ví dụ, trong 02 đến 05 năm tới, chúng tôi có thể lựa chọn các công nghệ như xác thực phân tán, micro-service, thị giác máy tính trong Chính phủ số, điện toán đám mây lai”.
Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin Trần Đăng Khoa: “Với vị thế là một quốc gia top 25 thế giới về an toàn, an ninh mạng, Bản đồ công nghệ An toàn thông tin gồm 159 công nghệ giữ vai trò hết sức quan trọng. Việc phân tích chi tiết về mức độ ảnh hưởng, trưởng thành và kỳ vọng của từng công nghệ là một công cụ hữu ích, hỗ trợ đắc lực cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong việc đưa ra các quyết định chiến lược nhằm phát triển sản phẩm Make in Việt Nam, hướng tới tầm nhìn Việt Nam là quốc gia tự chủ về an toàn, an ninh mạng theo Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia”.
Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Đặng Hoài Bắc: “Bản đồ công nghệ đại học số tiếp cận theo hai góc nhìn: Góc nhìn sư phạm, nhằm xác lập yêu cầu đầu ra của giáo dục đại học phù hợp với nhu cầu của xã hội và góc nhìn công nghệ để khám phá các tiềm năng công nghệ có thể ứng dụng nhằm phục vụ, nâng cao chất lượng dạy và học trong các trường đại học; giải quyết được bài toán muôn thuở là thiếu những giảng viên giỏi ở vùng sâu vùng xa và phù hợp với xu thế học mọi lúc mọi nơi, đưa những thầy giỏi nhất ở các thành phố lớn đến với học sinh, sinh viên ở vùng sâu vùng xa thông qua các công nghệ trong Bản đồ công nghệ đại học số”.
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông Nguyễn Thiện Nghĩa: “Bản đồ công nghệ số dự báo sự phát triển của những công nghệ số mới nổi có tầm ảnh hưởng quan trọng đến ngành Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICT) Việt Nam, gồm 25 công nghệ. Các công nghệ này được dự báo có tác động lớn đến cách thức tạo ra sản phẩm và cung cấp dịch vụ CNTT trong vòng 02 năm đến 10 năm tới. Quốc gia nào càng chủ động trong việc tiếp thu và áp dụng các công nghệ này vào các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sẽ càng có khả năng cạnh tranh, chống chịu tốt hơn trong thời kỳ mới”.
Tiết lộ về việc thực hiện video clip để công bố Bản đồ công nghệ của Bộ TT&TT tại Hội nghị, lãnh đạo Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, dựa trên hình ảnh, video clip, giọng nói của các lãnh đạo cấp trưởng cùng với nội dung các vị này sẽ nói, AI đã giúp Vụ Khoa học và Công nghệ tạo ra 9 đồng chí Trưởng đơn vị ảo sau khi huấn luyện cho AI dựa trên giọng nói của các đồng chí này. Việc thực hiện phỏng vấn này với sự hỗ trợ của AI thực sự nhanh chóng và hiệu quả.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao ý tưởng này, đồng thời gợi ý, AI cần được cải thiện để trở nên sinh động, chân thực hơn nhằm hỗ trợ việc phỏng vấn của báo chí đối với các đồng chí lãnh đạo. Hiện nay, việc phỏng vấn của báo chí gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi thực hiện phỏng vấn các lãnh đạo cấp cao như Bộ trưởng vì khó tìm được thời gian phù hợp giữa người thực hiện phỏng vấn và người được phỏng vấn. Giờ chỉ cần một bức ảnh, nội dung cần nói và clip 10 phút của người được phỏng vấn để nhận giọng, trợ lý AI có thể tạo ra cuộc phỏng vấn mà phóng viên cần. Trợ lý AI thực sự trở thành một công cụ hữu ích, làm thay đổi đáng kể việc đi phỏng vấn của phóng viên báo chí.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, Bản đồ công nghệ là cố gắng của Bộ TT&TT trong nhiều năm qua. Các doanh nghiệp trong ngành cũng chưa xây dựng được bản đồ công nghệ vì còn bận bịu việc kinh doanh. Bộ trưởng chỉ đạo gửi trực tiếp Bản đồ công nghệ Bộ vừa công bố cho một số đơn vị lớn trong ngành, các đơn vị này áp dụng vào hoạt động của mình, trên cơ sở đó đánh giá mình đang ở đâu. Sau đó, gửi lại kết quả về cho Vụ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, đánh giá và tư vấn.
08 bản đồ công nghệ được giới thiệu đầy đủ tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ:
https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/160393/Ban-do-cong-nghe-linh-vuc-thong-tin-va-truyen-thong.html
Phương pháp xây dựng Bản đồ công nghệ
Bản đồ công nghệ lĩnh vực thông tin và truyền thông được xây dựng dựa trên các chiến lược đã được phê duyệt; tham khảo các báo cáo chuyên đề về xu hướng nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ trên thế giới; các tài liệu của của một số tổ chức uy tín trên thế giới về cách thức, phương pháp xây dựng bản đồ công nghệ, lấy ý kiến các chuyên gia trong nước.
Sau 03 tháng nghiên cứu, 11 đơn vị của Bộ đã xây dựng được phiên bản đầu tiên của 08 bản đồ công nghệ cho lĩnh vực Thông tin và Truyền thông.
Mỗi bản đồ công nghệ gồm một tài liệu mô tả, đánh giá chi tiết từng công nghệ và một trang đồ họa (bản đồ) thể hiện các thông tin ngắn gọn về các công nghệ có tác động đáng kể đến lĩnh vực, với 04 loại thông tin là: mức độ trưởng thành của công nghệ, mức độ ảnh hưởng của công nghệ, các giai đoạn của sự kỳ vọng của công nghệ theo thời gian. Cụ thể, với Bản đồ công nghệ số cho lĩnh vực chính phủ số bao gồm những thông tin sau:
Bản đồ công nghệ chính phủ số gồm 32 công nghệ số được thể hiện theo hình ra đa, với:
- Các vòng tròn đồng tâm thể hiện thời gian: dưới 02 năm, từ 02-05 năm, từ 05-10 năm và trên 10 năm.
- Con số trong các hình tròn chỉ mức độ trưởng thành của công nghệ, số 01 là mức phôi thai, số 02 là mức trẻ em, số 03 là mức thanh niên, số 04 là mức trưởng thành, số 05 là mức chín muồi.
- Độ to hay nhỏ của hình tròn biểu thị cho mức độ ảnh hưởng của công nghệ đó đối với lĩnh vực. Có 03 mức là thấp, trung bình, cao.
- Màu sắc của các hình tròn biểu thị cho các giai đoạn của sự kỳ vọng của công nghệ: bình mình công nghệ, đỉnh điểm của sự thổi phồng kỳ vọng, đáy của sự vỡ mộng, công nghệ dần được chấp nhận, công nghệ được ứng dụng rộng rãi và ổn định.
Trên thế giới, các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp thường chọn áp dụng sớm công nghệ từ giai đoạn đáy của sự vỡ mộng, áp dụng rộng rãi sớm thì chọn giai đoạn công nghệ dần được chấp nhận, áp dụng rộng rãi muộn là giai đoạn công nghệ được ứng dụng rộng rãi, ổn định, còn sau đó là công nghệ đã lạc hậu.
Như vậy, Bản đồ công nghệ số cho lĩnh vực chính phủ số khuyến cáo lựa chọn áp dụng công nghệ chatbot và full life cycle API management trong vòng 02 năm tới.
|
PV