• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 19

    Hôm nay: 2417

    Đã truy cập: 8116023

Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng ngày 24/4/2024, đồng chí Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp trực tuyến lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Trung ương (nguồn: baochinhphu.vn)

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Trần Lưu Quang – Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; các đồng chí lãnh đạo Bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí: Đỗ Minh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; cùng dự có thành viên Ban chỉ đạo, Tổ công tác giúp việc BCĐ chuyển đổi số tỉnh (CĐS) và các đơn vị liên quan.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà sách nhiễu, giảm chi phí tuân thủ, chi phí đi lại… cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, Kế hoạch hoạt động năm 2024 Ủy ban đã xác định trọng tâm của chuyển đổi số quốc gia với chủ đề “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”. Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia từ sau phiên họp thứ 7 với trọng tâm là phát triển kinh tế số trên tinh thần khách quan, trung thực. Chia sẻ những cách làm hay mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn; phân tích các bài học kinh nghiệm. Đồng thời, đề xuất các giải pháp trọng tâm để thực hiện cao nhất nhiệm vụ đã được đề ra tại Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, đến nay, đã có 21 bộ, ngành và 62 địa phương đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024, trong đó xác định cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp CĐS trong các ngành, lĩnh vực theo chức năng, phạm vi quản lý của các bộ, ngành, địa phương. 
Cùng với đó, các cơ quan Nhà nước tiếp tục khai thác, vận hành hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia trong quản lý, điều hành kinh tế xã hội. Đến hết quý I/2024 đã có 14 bộ, ngành và 52 địa phương đã ban hành danh mục cơ sở dữ liệu theo quy định, đạt tỷ lệ 77%, tăng 11% so với năm 2023.
Về phát triển kinh tế số, theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng kinh tế số/GDP năm 2021, 2022 lần lượt là 11,91%, 14,26%. Tỷ trọng kinh tế số/GDP năm 2023 ước đạt 16,5% với tốc độ tăng 20%, gấp 3 lần tăng trưởng GDP.
Về phát triển xã hội số, Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ CCCD gắn chíp; tiếp nhận trên 74,85 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53,62 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân (đạt 71,63% hồ sơ tiếp nhận). Ứng dụng VNeID đã được tích hợp 8 dịch vụ tiện ích. 100% các cơ sở khám chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; 100% cơ sở đào tạo y tế thanh toán học phí không dùng tiền mặt...

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa

Trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành trong việc thực hiện chuyển đổi số và đã đạt được một số kết quả nổi bật như: Thanh Hóa đã thực hiện hoàn thành 12/15 chỉ tiêu của Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020; 23/25 chỉ tiêu của Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đã phê duyệt cấp độ an toàn thông tin cho 856/856 hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý (đạt 100%).
Thanh Hóa đã hoàn thành và triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ; rà soát, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, kết nối các dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công Quốc gia; đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán các dịch vụ, chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội không dùng tiền mặt.
Thanh Hóa đã thực hiện xử lý công việc trên môi trường điện tử; đã thực hiện liên thông văn bản điện tử giữa các cơ quan Đảng, Chính quyền, Đoàn thể ở cả 3 cấp (cấp tỉnh đến cấp xã). Ngoài ra, Thanh Hóa đã triển khai thực hiện liên thông văn bản điện tử giữa Cơ quan nhà nước và Doanh nghiệp giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thanh Hóa là một trong những địa phương sớm ban hành bộ tiêu chí và giao chỉ tiêu hoàn thành chuyển đổi số cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2022-2025. Đến nay, đã có 55 xã, phường, thị trấn được công nhận hoàn thành chuyển đổi số…

Đồng chí Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ phát biểu kết luận tại Hội nghị (nguồn: baochinhphu.vn)

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ ghi nhận những kết quả đã đạt được trong công tác CĐS, khẳng định CĐS đã đến từng ngõ, gõ từng nhà, vì thế chúng ta tiếp tục đẩy mạnh CĐS. Biểu dương các bộ, ngành, các địa phương, doanh nghiệp đã thực hiện tốt công tác CĐS thời gian qua.

Thủ tướng nêu những bài học kinh nghiệm, quan điểm trong công tác CĐS và chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “3 tăng cường”, gồm: tăng cường nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của CĐS đến từng người dân, từng doanh nghiệp; tăng cường tiềm lực cho CĐS, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần phải ưu tiên nguồn lực để phát triển; tăng cường hợp tác công – tư, kích hoạt và huy động mọi nguồn lực xã hội.
Bên cạnh đó, cần “5 đẩy mạnh”, gồm: đẩy mạnh hoàn thiện thể chế về CĐS; đẩy mạnh hạ tầng, nền tảng CĐS; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, kỹ năng số, công dân số đáp ứng yêu cầu phát triển; đẩy mạnh an ninh, an toàn mạng thông tin.
Thủ tướng đề nghị mỗi bộ ngành, mỗi địa phương có một đề án CĐS riêng, kiện toàn tổ chức bộ máy hoạt động của Ban chỉ đạo một cách mạnh mẽ, thực chất. Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các bộ ngành có liên quan báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số; hoàn thiện trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông (sửa đổi)…Bộ Công an đẩy mạnh triển khai Đề án 06, sơ kết, nhân rộng mô hình cho ngành, các địa phương làm theo…Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia./.

Nguồn: thanhhoa.gov.vn