• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 41

    Hôm nay: 251

    Đã truy cập: 8374024

Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp

Xác định chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp không những góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự cạnh tranh và cũng là cơ hội để thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún kém hiệu quả, thiếu chuỗi liên kết sang nền nông nghiệp tiên tiến. Hiện, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, giúp nâng cao năng suất, tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.


Sản phẩm rau an toàn được trồng tại HTX nông nghiệp xanh Hồng Nhuệ, xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa).

Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ các địa phương, đơn vị đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh, chính xác, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm; đồng thời cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng. Cũng từ đó, người sản xuất có thể kiểm soát được thời gian thu hoạch, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Nhiều cơ sở sản xuất, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số trong chăm sóc, theo dõi, quản lý bằng công nghệ thông tin qua điện thoại, máy tính, sản phẩm được đăng ký tem, mác, mã số, mã vạch, thuận tiện giao dịch, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực về chuyển đổi số cho các hộ sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh. Thông qua tập huấn, các chủ thể sản xuất được hướng dẫn cách xây dựng mô hình áp dụng công nghệ số trong sản xuất, hệ thống giám sát sản xuất bằng công nghệ thông minh và hướng dẫn cách quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số. Đồng thời, giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Nhất là trang bị cho người sản xuất kỹ năng để đẩy mạnh quảng bá, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trên không gian mạng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.

Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay toàn tỉnh có trên 100 doanh nghiệp, 11 HTX và gần 150 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, sản phẩm OCOP đã thực hiện áp dụng chuyển đổi số vào công tác quảng bá và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử: Tiki, Lazada, Postmart.vn, Voso.vn... với trên 500 sản phẩm khác nhau. Các sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử là những sản phẩm nông nghiệp đã được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 - 5 sao. Qua đó, các đơn vị đã tìm kiếm, mở rộng được thị trường tiêu thụ cho sản phẩm không chỉ trong tỉnh, trong nước mà còn vươn ra nước ngoài. Uớc tính lượng hàng hóa tiêu thụ thông qua nền tảng số đạt khoảng 25 - 30% sản lượng hàng hóa của các đơn vị.

Trong xu thế phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phổ biến như hiện nay, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp sẽ giúp các hộ gia đình và HTX khai thác thế mạnh tiềm năng đất đai của địa phương, tạo ra sản phẩm hàng hóa an toàn có giá trị; hạn chế sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp; bảo vệ môi trường, sức khỏe người tiêu dùng, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp tại mỗi địa phương.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, thời gian tới ngành nông nghiệp tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số từ nông nghiệp, từ đó làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh, giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các địa phương, doanh nghiệp và nhất là người dân về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số phục vụ sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp; nâng cấp và tiến tới xây dựng hạ tầng công nghệ số hiện đại và đồng bộ; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, hỗ trợ nông dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin; đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân; nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện cho việc tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật số vào lĩnh vực nông nghiệp.

Nguồn: baothanhhoa.vn