• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 6

    Hôm nay: 651

    Đã truy cập: 8296838

Đồng chí Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Báo chí cách mạng phải luôn tiên phong, đổi mới

Trải qua thời gian, bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, báo chí cách mạng không chỉ khẳng định vai trò của mình trong việc định hướng dư luận, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đồng thời phản ánh một cách sinh động và đa chiều cuộc sống xã hội, những vấn đề nóng bỏng, những thành tựu và khó khăn trong quá trình phát triển của đất nước.

PV: Công tác quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian vừa qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Xin ông cho biết một số kết quả đã đạt được?

Đồng chí Đỗ Hữu Quyết: Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, rõ nét và toàn diện trên các lĩnh vực. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng được quan tâm kịp thời, công tác quản lý Nhà nước về báo chí được tăng cường, chặt chẽ, nghiêm minh và hiệu lực, hiệu quả. Các cơ quan báo chí của tỉnh, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú báo chí Trung ương và tỉnh thành bạn đóng trên địa bàn đã có nhiều đổi mới, tuân thủ nghiêm quy định pháp luật, bám sát đúng tôn chỉ, mục đích để hoạt động; chủ động, kịp thời nắm bắt thông tin, tuyên truyền, phản ánh toàn diện các sự kiện thời sự, chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tích cực thông tin, tuyên truyền đưa nghị quyết của các cấp ủy Đảng lan tỏa vào cuộc sống, tạo niềm tin, sự đồng lòng đối với các tầng lớp Nhân dân trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ; đồng thời làm tốt chức năng định hướng dư luận, đấu tranh phản bác thông tin xấu độc, sai sự thật. Phát hiện biểu dương, cổ vũ sâu rộng các điển hình tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt; quảng bá hình ảnh, giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng của đất và người Thanh Hóa đến bạn bè trong nước và quốc tế, tạo sự lan tỏa, đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân...

Công tác chỉ đạo xử lý thông tin báo chí đăng phát được tăng cường, kịp thời, việc kiểm tra xác minh thông tin, để có biện pháp giải quyết các nội dung báo chí nêu được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, khắc phục tình trạng báo chí đưa tin kéo dài, làm nóng dư luận.

Công tác phát ngôn, cung cấp thông tin báo chí được tăng cường, chủ động, kịp thời, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của cơ quan báo chí. Việc kiểm chứng thông tin trước khi đăng, phát được các cơ quan báo chí thực hiện nghiêm túc theo đúng các quy định, giảm thiểu việc đưa tin một chiều, suy diễn, sai sự thật. Qua đó tạo được sự ổn định trong xã hội, và là dòng thông tin chủ đạo định hướng dư luận trong các tầng lớp Nhân dân.

Công tác rà soát, kiểm tra đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động báo chí đối với các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn được thực hiện thường xuyên. Tăng cường công tác phối hợp quản lý hoạt động báo chí tại cơ sở nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các biểu hiện, hành vi vi phạm Luật Báo chí và quy định của pháp luật; đồng thời Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh và đề nghị giải trình về dấu hiệu vi phạm trong hoạt động báo chí. Nhờ đó, hạn chế tình trạng phóng viên, cộng tác viên tác nghiệp không đúng quy định, nhất là việc mạo danh báo chí để trục lợi.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí cũng được thực hiện rất nghiêm túc. Đã phát hiện, kiểm tra và xử lý 37 tổ chức, cá nhân; xử lý vi phạm 1 tạp chí điện tử vi phạm đăng phát thông tin sai sự thật; 1 trang thông tin điện tử tổng hợp hoạt động không có giấy phép.

PV: Câu chuyện Chuyển đổi số (CĐS) trong báo chí đã và đang được ngành thông tin truyền thông cùng các cơ quan báo chí triển khai mạnh mẽ, tích cực. Là cơ quan quản lý báo chí, việc đẩy nhanh, đồng bộ quá trình CĐS là vô cùng cần thiết. Sở TT&TT đã có những định hướng gì, thưa ông?

Đồng chí Đỗ Hữu Quyết: Với tầm nhìn chiến lược, định hướng phát triển bắt kịp với xu thế của thời đại; trong Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã nêu rõ mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Và các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, căn cứ Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược “CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Sở TT&TT đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 246/KH-UBND ngày 16/10/2023 về triển khai thực hiện chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Cùng với việc tạo cơ chế, trong thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các cơ quan báo chí của tỉnh đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tương đối đồng bộ, hiện đại, công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền trong thời kỳ CĐS.

Thực hiện CĐS, các cơ quan báo chí như Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã đạt được nhiều kết quả và phấn đấu đến năm 2025, đưa nội dung lên các nền tảng số, sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; có giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên; vận hành mô hình tòa soạn hội tụ; phát triển cơ quan truyền thông đa phương tiện của địa phương.

PV: Thanh Hóa là địa phương có nhiều văn phòng đại diện đóng trên địa bàn, cùng các phóng viên thường trú. Xin ông cho biết tỉnh đã quan tâm tạo điều kiện và hỗ trợ gì để các văn phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao?

Đồng chí Đỗ Hữu Quyết: Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 25 văn phòng đại diện, 30 phóng viên thường trú báo chí Trung ương tại Thanh Hóa. Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện cho các phóng viên báo chí hoạt động đảm bảo tốt nhất, theo đúng quy định của pháp luật như: hỗ trợ nơi làm việc, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho các cơ quan báo chí; tiếp và làm việc với các phóng viên báo chí khi có nhu cầu, tạo điều kiện cho phóng viên báo chí tác nghiệp... qua đó hàng năm đã đăng tải trên 10 nghìn tin, bài, ảnh tuyên truyền, phản ánh về Thanh Hóa trên các lĩnh vực đời sống xã hội; trọng tâm là tuyên truyền các sự kiện chính trị, văn hóa, ngoại giao quan trọng của tỉnh, tuyên truyền quảng bá về hình ảnh phát triển năng động, bền vững của tỉnh Thanh Hóa; về tiềm năng, lợi thế, về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền; về kết quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 của các ngành, các cấp trong tỉnh. Thông tin, quảng bá các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa, XDNTM, đô thị văn minh, các hoạt động an sinh xã hội, công tác cán bộ, giảm nghèo, hoạt động du lịch; thu hút đầu tư, chất lượng giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao; các mô hình, điển hình tiêu biểu trong đời sống xã hội... Ngoài ra các cơ quan báo chí cũng đã tích cực tuyên truyền, kêu gọi, vận động và trực tiếp tham gia các hoạt động, chương trình nhân đạo từ thiện và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh...

Bên cạnh đó, báo chí còn phát hiện, phản ánh những hạn chế, các vấn đề bất cập, nổi cộm tại các địa phương, đơn vị trong tỉnh, như: trong công tác quản lý đất đai, quản lý rừng, khai thác tài nguyên khoáng sản, ô nhiễm môi trường, xây dựng trái phép, tội phạm lừa đảo qua mạng internet... giúp lãnh đạo tỉnh có thông tin để chỉ đạo kiểm tra, xác minh và giải quyết kịp thời, góp phần ổn định tình hình.

Để phục vụ tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền về tỉnh, hàng năm, Sở TT&TT phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch trọng tâm hướng dẫn các cơ quan báo chí tỉnh, các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tuyên truyền về tỉnh Thanh Hóa; Sở TT&TT đã tham mưu trình UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1950/QĐ-UBND ngày 8/6/2021 về phê duyệt Đề án TT&TT tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/9/2023 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách ngày 25/9/2023, giúp cho việc tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm hàng năm.

PV: Xu hướng của báo chí thay đổi theo từng giai đoạn, vậy ngành TT&TT tỉnh đã có những dự đoán và định hướng trong giai đoạn tiếp theo như thế nào, thưa ông?

Đồng chí Đỗ Hữu Quyết: Năm 2024 là năm tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ để hoàn thành kế hoạch, mục tiêu 5 năm, giai đoạn 2021-2025. Trước những thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, cùng với báo chí cả nước, các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo và các cơ quan chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí trong tỉnh cần nhận diện đầy đủ, toàn diện xu hướng phát triển theo các định hướng của Đảng để chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí phát huy kết quả năm 2023, tiếp tục nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm cao hơn nữa thực hiện tốt công tác truyền thông, đặc biệt là công tác truyền thông chính sách, góp phần tích cực cổ vũ động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024.

Năm 2025 là năm có nhiều sự kiện lớn của đất nước và của tỉnh, trong đó đại hội Đảng các cấp là sự kiện chính trị quan trọng và đây cũng là năm kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), khẳng định báo chí đã phát triển và có vị thế không thể thiếu trong đời sống xã hội một thế kỷ qua. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, hệ thống báo chí đã không ngừng đổi mới, phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của xã hội; luôn khẳng định thông tin báo chí là dòng thông tin chủ đạo trong định hướng dư luận xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa hiện nay.

Trải qua thời gian, bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, báo chí cách mạng không chỉ khẳng định vai trò của mình trong việc định hướng dư luận, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đồng thời phản ánh một cách sinh động và đa chiều cuộc sống xã hội, những vấn đề nóng bỏng, những thành tựu và khó khăn trong quá trình phát triển của đất nước. Đây là trách nhiệm nhưng đồng thời còn là niềm tự hào và vinh quang của những người làm báo cách mạng, những người luôn sẵn sàng đối mặt với thách thức, không ngừng sáng tạo, đổi mới để đưa báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Đặc biệt, thời đại khoa học - công nghệ và truyền thông số phát triển vượt bậc, báo chí cũng đứng trước những thách thức và cơ hội mới. Sứ mệnh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, góp phần vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, đã trở nên cấp thiết và quan trọng hơn bao giờ hết. Với trách nhiệm và sứ mệnh mới, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng nỗ lực, đổi mới và phát triển, để luôn xứng đáng là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trên hành trình vươn lên phồn vinh, sánh với các cường quốc năm châu.

PV: Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, điều ông muốn gửi gắm đến các nhà báo đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là gì?

Đồng chí Đỗ Hữu Quyết: Bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, báo chí cách mạng không chỉ khẳng định vai trò của mình trong việc định hướng dư luận, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đồng thời phản ánh một cách sinh động và đa chiều cuộc sống xã hội, những vấn đề nóng bỏng, những thành tựu và khó khăn trong quá trình phát triển của đất nước.

Kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam là dịp tôn vinh những thành tựu to lớn và sự phát triển mạnh mẽ, tinh thần đổi mới, sáng tạo, nghị lực vươn lên mạnh mẽ, tinh thần cống hiến và tính trách nhiệm cao của báo chí Việt Nam; khơi dậy khát vọng sáng tạo, đổi mới và cống hiến của đội ngũ phóng viên, nhà báo. Điều tôi mong muốn là các cơ quan báo chí, các phóng viên tiếp tục phát huy những kết quả, những thành tích đã đạt được, tiếp tục đổi mới, sáng tạo trên cơ sở bám sát các định hướng của Đảng và quy định của pháp luật nhà nước, có nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng cao để thu hút, để lan tỏa trong đời sống xã hội, tạo sự đồng thuận, đồng lòng trong các tầng lớp Nhân dân và thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, hướng đến chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).

Nguồn: baothanhhoa.vn