• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 14

    Hôm nay: 937

    Đã truy cập: 8300036

Xã Quảng Bình: Chuyển đổi số hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thông minh và hiện đại

Sau 1 năm thực hiện chuyển đổi số, xã Quảng Bình đã hoàn thành 30/30 chỉ tiêu chuyển đổi số.100% văn bản đi của xã đều được xử lý trên môi trường mạng; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính đủ điều kiện giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được cung cấp trên cổng dịch vụ công của tỉnh và trên các phương tiện truy cập đạt 100%...


Xã Quảng Bình được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu vào tháng 8/2023.

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hoá đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 969/QĐ-UBND ngày 18/3/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu hoàn thành chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, giai đoạn 2022-2025 và Hướng dẫn của UBND huyện Quảng Xương về việc điều chỉnh, bổ sung, và hướng dẫn hồ sơ đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2022; trên cơ sở bám sát Đề án chuyển đổi số của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số quốc gia và Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hoá, ngày 25/3/2022, Đảng uỷ xã Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch số 29-KH/ĐU về thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Trên cơ sở đó, ngày 23/5/2022, UBND xã ban hành Kế hoạch số 27/KH-UBND về chuyển đổi số xã Quảng Bình năm 2022 với mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số để hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng một địa phương thông minh, hiện đại, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị.

Ngay sau khi kế hoạch được ban hành, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số cấp xã, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, từng thôn trên địa bàn xã; thành lập tổ giúp việc, các tổ công nghệ số cộng đồng giúp Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả chương trình chuyển đổi số ở địa phương.

Để chủ trương chuyển đổi số của Đảng uỷ xã đi vào cuộc sống, xã đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và doanh nghiệp dưới nhiều hình thức như: thành lập trang Zalo về chuyển đổi số cấp xã, chỉ đạo 5 đơn vị thôn thành lập 5 tổ Zalo công nghệ số cộng đồng; xây dựng các chuyên mục tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh của xã, thôn và trên chuyên mục chuyển đổi số của Trang thông tin điện tử xã; thực hiện tuyên truyền trực quan về chuyển đổi số ở trung tâm văn hoá xã, nhà văn hoá và khu thể thao các thôn; thành viên Ban Chỉ đạo phối hợp với tổ công nghệ số cộng đồng đến từng doanh nghiệp, hộ dân để tuyên truyền về chủ trương chuyển đổi số tại địa phương, về tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển của đời sống xã hội...

Đồng thời, xã tổ chức 5 hội nghị tập huấn, hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ, công chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số để tương tác với chính quyền qua các nền tảng số; tham gia vào trang chuyển đổi số quốc gia; sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua việc tạo lập tài khoản thanh toán ngân hàng, ví điện tử (Viettel Pay, VNPT Pay, MoMo, VNPay,...); hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ các nhu cầu thiết yếu trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, chính sách xã hội, sổ sức khỏe điện tử, thanh toán học phí, sổ liên lạc điện tử; mua bán, phân phối hàng hoá trên môi trường mạng bằng cách thiết lập cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử trên các sàn thương mại điện tử, sử dụng hoá đơn điện tử... Nhờ thực hiện tốt các giải pháp trên, người dân đã từng bước ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống, hình thành thói quen và tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số của địa phương.

Cùng với đó, xã đã tập trung ban hành các chính sách huy động nguồn lực đầu tư phục vụ cho chuyển đổi số như: đầu tư mở rộng mạng lưới camera an ninh trên địa bàn; lắp đặt đài truyền thanh thông minh; lắp đặt hệ thống truyền hình trực tuyến kết nối liên thông với huyện, tỉnh, Trung ương. Tất cả các chính sách đều được thực hiện theo đúng quy trình, đúng quy định của pháp luật.

Sau một năm thực hiện chuyển đổi số, xã Quảng Bình đã hoàn thành 30/30 chỉ tiêu chuyển đổi số theo hướng dẫn tại Công văn số 2115/STTTT-CNTT ngày 5/10/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông. 100% văn bản đi của xã đều được xử lý trên môi trường mạng. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính đủ điều kiện giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được cung cấp trên cổng dịch vụ công của tỉnh và trên các phương tiện truy cập đạt 100%. Phòng họp trực tuyến của xã được liên thông tới cấp huyện, cấp tỉnh, Trung ương, được quản lý, khai thác và vận hành, sử dụng hiệu quả. Trang Zalo của cấp uỷ Đảng - Chính quyền - Mặt trận Tổ quốc được thành lập để chỉ đạo điều hành nhiệm vụ kịp thời đến từng đơn vị. Các thôn đều có nhóm Zalo để người dân tương tác công việc trực tiếp hàng ngày với lãnh đạo xã. Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động của xã có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 60%. Mô hình “Camera an ninh, trật tự” hoạt động có hiệu quả và thông suốt đã giúp tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững, tệ nạ xã hội được đẩy lùi, tạo được niềm tin trong quần chúng Nhân dân.

Kết quả đạt được trong chuyển đổi số đã góp phần quan trọng đưa Quảng Bình thành xã nông thôn mới kiểu mẫu vào tháng 8/2023. Bước sang năm mới - năm 2024, Quảng Bình xác định sẽ phát huy những thành quả đạt được trong công tác chuyển đổi số; bám sát các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh và huyện để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản, duy trì và nâng cao chất lượng các chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí chuyển đổi số, xây dựng địa phương sớm trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, thông minh, hiện đại.

Nguồn: baothanhhoa.vn