Chuyển đổi số trong bậc học mầm non
Cùng với các cấp học, bậc học khác, những năm gầy đây, hoạt động chuyển đổi số (CĐS) trong các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn Thanh Hóa đang từng bước được tăng cường nhằm mang đến những lợi ích thiết thực cho trẻ, giáo viên và phụ huynh cũng như tạo nên một môi trường giáo dục chuyên nghiệp, hiện đại.
Một giờ học của cô, trò Trường Mầm non Trường Thi B (TP Thanh Hóa).
Nhiều năm về trước, Trường Mầm non Trường Thi B (TP Thanh Hóa) đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và dạy học. Tuy nhiên, đến năm học 2023-2024 trước yêu cầu từ thực tiễn, nhiệm vụ này được nhà trường triển khai sâu rộng và đồng bộ ở tất cả các hoạt động giáo dục từ giáo án ký số, hồ sơ điện tử đến hoạt động dạy học. Cô giáo Lê Thị Lan Anh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trường Thi B cho biết: Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của CĐS trong giáo dục đến từng cán bộ, giáo viên, nhân viên cũng như phụ huynh học sinh, nhà trường đã từng bước chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện CĐS như: Hệ thống đường truyền internet, hệ thống máy móc, trang thiết bị... Hiện 100% lớp học, các phòng chuyên môn có kết nối mạng, có ti vi màn hình lớn, máy chiếu bảo đảm yêu cầu dạy và học cũng như làm công tác chuyên môn trên nền tảng số. Đặc biệt, nhà trường đã trang bị phòng học KISMAT vừa giúp giờ học của trẻ trở nên trực quan sinh động, vừa giúp trẻ làm quen với máy tính, qua đó làm cho giờ học sôi nổi và hiệu quả hơn so với phương pháp trực quan bằng hình ảnh bình thường.
Được biết, để công tác CĐS trong nhà trường đạt kết quả cao, ngoài đầu tư cơ sở vật chất, tham gia các buổi học chuyên đề, Trường Mầm non Trường Thi B còn chủ động mời các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT về tập huấn hướng dẫn sử dụng hệ thống các phần mềm, quy trình thực hiện nghiệp vụ để mỗi cán bộ, giáo viên hiểu và thao tác dễ dàng. Hiện, 100% giáo viên sử dụng công nghệ giáo án điện tử, trong đó trên 80% sử dụng thành thạo. Ngoài ra, nhà trường còn xây dựng các kênh truyền thông trên zalo, facebook, hệ thống thông tin nội bộ... để làm cầu nối thông tin trên hành trình CĐS.
Tại nhiều trường mầm non khác trong tỉnh, ban giám hiệu các nhà trường cũng đang từng bước số hóa các hoạt động giáo dục; khuyến khích giáo viên xây dựng bài giảng điện tử; tăng cường phối hợp với phụ huynh trong việc chăm sóc trẻ trên nền tảng CNTT thông qua các ứng dụng zalo, facebook... Thông qua đó, hoạt động thông tin của các trường được truyền tải đến phụ huynh, học sinh một cách nhanh chóng. Phụ huynh cũng có thể theo dõi quá trình học của con mình, theo dõi các hoạt động dạy học của giáo viên qua việc ứng dụng các phần mềm CNTT.
Chị Lê Thị Dung có con đang theo học tại Trường Mầm non thị trấn Tân Phong I (Quảng Xương) chia sẻ: “Từ những thông tin được cập nhật trên nhóm zalo của lớp, tôi cũng như các phụ huynh khác có thể nắm bắt được các hoạt động diễn ra trong ngày, trong tháng của lớp con mình học, nhất là việc học tập và sinh hoạt của bé tại trường. Đây là kênh thông tin rất hữu ích để kết nối gia đình và nhà trường trong chăm sóc, giáo dục trẻ”.
Theo đánh giá của Phòng Giáo dục Mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo), việc CĐS ở bậc học mầm non chưa mạnh mẽ như ở cấp tiểu học, THCS hay THPT. Tuy nhiên, trước yêu cầu từ thực tiễn, thời gian qua các trường mầm non trong tỉnh đã huy động cả nội lực và ngoại lực để đẩy mạnh ứng dụng CNTT cả trong quản lý, chăm sóc và giáo dục trẻ. Đến nay, đã có không ít trường trong tổng số hơn 670 trường mầm non của tỉnh thực hiện số hóa ở tất cả các khâu trong hoạt động giáo dục. Đặc biệt, việc ứng dụng giáo án điện tử ở các nhà trường đang tạo ra môi trường học tập thú vị, sinh động và hấp dẫn, giúp trẻ tiếp thu các nội dung học tập dễ dàng hơn.
Không dừng lại ở các cơ sở chăm sóc, giáo dục trẻ, hoạt động CĐS trong cấp học mầm non trên địa bàn tỉnh còn được quan tâm thực hiện ngay từ quá trình đào tạo giáo viên mầm non ở các trường đại học (ĐH), cao đẳng. Minh chứng cho thấy, mới đây Trường ĐH Hồng Đức đã tổ chức Hội thảo khoa học “CĐS trong đào tạo giáo viên mầm non”. Tại hội thảo đông đảo cán bộ, giảng viên Trường ĐH Hồng Đức, giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non trong tỉnh đã trao đổi, thảo luận và làm rõ vai trò, lợi ích của CĐS trong đào tạo giáo viên mầm non; những khó khăn khi thực hiện CĐS trong các trường mầm non; các biện pháp, cách thức ứng dụng CNTT và CĐS trong dạy học các học phần đào tạo giáo viên mầm non.
Theo chia sẻ của ThS. Trần Thị Thanh, giảng viên Khoa Giáo dục mầm non, Trường ĐH Hồng Đức, để vận dụng CĐS phù hợp với mục tiêu dạy học và đáp ứng chuẩn đầu ra của học phần “Dinh dưỡng trẻ em”, trong quá trình dạy học cần phải vận dụng linh hoạt CNTT để xây dựng môi trường học tập linh hoạt; áp dụng các nền tảng học tập đa dạng và phần mềm quản lý học tập để tăng cường khả năng truy cập và tương tác học tập của học sinh; sử dụng công nghệ và phần mềm giảng dạy để tạo ra môi trường học tập sống động, tương tác và hấp dẫn; xây dựng nội dung học tập số phong phú, đa dạng và linh hoạt bao gồm tài liệu, bài giảng, bài tập và các tài nguyên học tập trực tuyến. Qua đó, phát huy năng lực của người học, phát huy khả năng sáng tạo, sự linh hoạt trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mầm non.
Có thể thấy, với sự vào cuộc tích cực từ nhiều phía, hoạt động CĐS trong cấp học mầm non trên địa bàn tỉnh đang góp phần quan trọng trong việc triển khai nền tảng xã hội số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Đây cũng là cơ hội để xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng công nghệ số.
Nguồn: baothanhhoa.vn