• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 7

    Hôm nay: 1224

    Đã truy cập: 8297411

Đảm bảo an toàn thông tin cho doanh nghiệp khi chuyển đổi số

Nhiều doanh nghiệp (DN) đang loay hoay trong việc áp dụng công nghệ, chuyển đổi số (CĐS) để gia tăng năng lực cạnh tranh đồng thời vẫn đảm bảo an toàn thông tin dữ liệu. Đây là vấn đề được các cấp, ngành, đơn vị trong tỉnh xác định là vấn đề ưu tiên, trọng tâm của tiến trình CĐS.


Công ty CP Đại lý thuế Vision (TP Thanh Hóa) đã sử dụng các giải pháp số nhằm gia tăng hiệu quả trong công việc.

CĐS hiện đang được phát triển mạnh mẽ, toàn diện mang lại nhiều lợi ích và cơ hội cho DN, song cũng đặt ra nhiều thách thức, tiềm ẩn rủi ro về an toàn thông tin. Do đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số, CĐS đang được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm thực hiện đồng bộ. Tại Trung tâm Điều hành an toàn an ninh mạng tỉnh Thanh Hóa, công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng được duy trì vận hành hoạt động tốt 24/7. Trung tâm thường xuyên thực hiện công tác sao lưu dữ liệu website, phần mềm ứng dụng, dùng chung cho các đơn vị, DN. Đồng thời hỗ trợ khắc phục các lỗi trên phần mềm chữ ký số, hệ thống một cửa điện tử, phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; quản lý vận hành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung (LGSP)... Tính đến nay, hệ thống giám sát của trung tâm và đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng của tỉnh đã triển khai thực hiện ứng cứu được hơn 400 lượt sự cố liên quan đến phần mềm dùng chung của DN.

Là DN hoạt động trong lĩnh vực thuế, kế toán, Công ty CP Đại lý thuế Vision (TP Thanh Hóa) từ lâu đã sử dụng các giải pháp số nhằm gia tăng hiệu quả, năng suất trong công việc. Trung bình một tháng, công ty xử lý từ 3.000 - 4.000 hóa đơn, chứng từ nên cần có công nghệ để xử lý thông tin nhanh và chính xác. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ phải tiếp nhận một khối lượng lớn dữ liệu quan trọng của khách hàng, bắt buộc DN phải đảm bảo an toàn thông tin cũng như bảo mật dữ liệu khi đơn vị áp dụng CĐS.

Phó giám đốc công ty Nguyễn Thị Quý chia sẻ: Với sự trợ giúp của công nghệ, chúng tôi đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí về nhân sự và thời gian làm việc; đồng thời, dễ dàng lưu trữ nguồn dữ liệu lớn về hệ thống thông tin của người dùng, khách hàng. Bên cạnh ưu điểm đó, việc áp dụng công nghệ số vào hoạt động của DN cũng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn thông tin. Chính vì vậy, trước khi đưa thông tin của khách hàng lên các nền tảng số, chúng tôi đều chắt lọc, chọn lựa những thông tin mang tính chất tổng thể, không đưa những thông tin mang tính bảo mật cao nhằm hạn chế tình trạng rò rỉ thông tin ra bên ngoài. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng lựa chọn những giải pháp an toàn từ những đơn vị cung cấp dịch vụ số có thương hiệu, đủ hồ sơ năng lực trong các giải pháp công nghệ để xử lý kịp thời khi có sự cố và được cơ quan thuế khuyến cáo sử dụng như Viettel, VNPT, FPT...

Là đơn vị luôn tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng DN Thanh Hóa CĐS, Công ty CP Misa Hà Nội hiện đã cung cấp dịch vụ số cho hàng nghìn DN trên toàn tỉnh. Với số lượng lớn DN đồng hành, công ty luôn đặt chất lượng và dịch vụ lên hàng đầu, trong đó việc đảm bảo dữ liệu thông tin cho khách hàng là điều tiên quyết. Để các đơn vị yên tâm sử dụng dịch vụ, công ty đã sử dụng những thuật toán và các chương trình mã hóa khó để tiến hành mã hóa hoàn toàn phần mềm, giúp dữ liệu của DN nếu bị hacker lấy được cũng sẽ không khai thác được.

VNPT cũng là đơn vị cung cấp giải pháp nền tảng, dịch vụ phục vụ cho công tác CĐS của các DN. Nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho DN, VNPT đã nâng cấp hạ tầng mạng lưới cũng như triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin các ứng dụng, phần mềm. Tăng cường biện pháp phòng, chống đa lớp nhằm đảm bảo thông tin cho hệ thống cung cấp và DN. Bên cạnh đó, VNPT cũng hỗ trợ DN các kỹ năng sử dụng hệ thống an toàn trên không gian mạng như không cài đặt phần mềm tại các link lạ, không chia sẻ tài khoản phần mềm với bất kỳ ai...

Hiện, toàn tỉnh đã có trên 840 DN thành lập mới được hỗ trợ CĐS; 100% DN sử dụng nền tảng hóa đơn điện tử; ứng dụng chữ ký số điện tử trong giao dịch với các ngành thuế, hải quan, BHXH... Và khoảng 6.500 DN đã áp dụng các nền tảng số trong quản lý, sản xuất, kinh doanh. Điều này không chỉ giúp DN dễ dàng theo dõi các công đoạn sản xuất, vừa tiết kiệm được thời gian và nhân lực mà các sản phẩm khi đến tay khách hàng sẽ có kết quả tuyệt đối chính xác. Tuy nhiên, quá trình CĐS sẽ khiến DN đưa một lượng lớn thông tin dữ liệu của mình cũng như khách hàng lên không gian mạng. Do vậy, việc lựa chọn các giải pháp an toàn, có độ bảo mật cao cùng sự chủ động áp dụng các biện pháp bảo vệ dữ liệu sẽ giúp DN hạn chế được các nguy cơ mất an toàn thông tin trong quá trình kinh doanh.

Nguồn: baothanhhoa.vn