• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 8

    Hôm nay: 1249

    Đã truy cập: 8370283

Đấu tranh ngăn chặn, xử lý thông tin xấu, độc trên internet - Từ thực tiễn kinh nghiệm của tỉnh Thanh Hoá

Những năm qua, công tác đấu tranh đấu tranh ngăn chặn, xử lý thông tin xấu, độc trên internet của tỉnh Thanh Hoá đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, được Ban Chỉ đạo 35 Trung ương đánh giá cao, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu.


Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 35 tỉnh trao Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa và cá nhân đồng chí Nguyễn Duy Thành, chuyên viên chính Phòng Tuyên truyền - Báo chí, Xuất bản, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Thời gian qua các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị đã sử dụng internet đẩy mạnh các hoạt động chống phá, gây mất ổn định chính trị, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Nổi lên là các hoạt động đăng tải thông tin xấu, độc, sai sự thật của một số tổ chức như: Đảng Việt Tân, Hội anh em dân chủ, Đảng dân chủ Việt Nam, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, Dân oan khiếu kiện... Các đối tượng cấu kết với một số phần tử bất mãn, cơ hội để thu thập thông tin, đăng tải tin, bài tập trung vào những nội dung như: Sử dụng tài khoản Facebook ảo, đánh cắp tài khoản Facebook của người dân trên địa bàn để chuyển tải những thông tin xấu, độc, chống phá Đảng, Nhà nước; xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo các cấp; tuyên truyền kích động Nhân dân chống đối việc triển khai giải phóng mặt bằng các dự án lớn; tuyên truyền sai sự thật một số sai phạm trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh..

Đấu tranh lại các hoạt động tung tin xấu, độc trên không gian mạng, tỉnh Thanh Hóa đã thường xuyên định hướng thông tin, triển khai các biện pháp đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch. Báo Thanh Hóa duy trì có hiệu quả chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”; phối hợp với các cơ quan xây dựng chuyên đề đối thoại trực tuyến “Thông tin xấu, độc - kỹ năng nhận diện và phòng chống”.

Cán bộ, công chức, viên chức tạo tài khoản trên mạng xã hội không được mang danh nghĩa cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể nhằm mục đích cá nhân; tự ý đăng tải những thông tin, hình ảnh có liên quan đến ngành, đồng nghiệp và cá nhân, tài liệu bí mật Nhà nước; đặc biệt là chia sẻ, đăng tải thông tin từ các trang mạng xã hội của các thế lực thù địch, phản động.

Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác nắm, đánh giá, dự báo tình hình hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; tiến hành đấu tranh, ngăn chặn, phát tán thông tin xấu độc, chống phá trên internet.

Bên cạnh đó, nắm bắt xu hướng công nghệ, tỉnh Thanh Hóa xây dựng và duy trì hoạt động của trang Fanpage như “Tuyên giáo Thanh Hóa”, “Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa”, “Công an Thành phố Thanh Hóa”..., kịp thời cung cấp thông tin đến cán bộ, đảng viên và Nhân. Duy trì theo dõi hoạt động tuyên truyền của các trang Fanpage, các nhóm Facebook, Zalo của các tập thể và cá nhân đảng viên, cán bộ, công chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh nhằm chấn chỉnh kịp thời những thông tin sai lệch, không chính thống ảnh hưởng đến dư luận trong Nhân dân.

Lực lượng đấu tranh, ngăn chặn thông tin, xấu độc được tỉnh Thanh Hóa quan tâm củng cố, lựa chọn nhân sự là những người có khả năng viết, biên tập các bài tuyên truyền, thành thạo trong sử dụng, đăng tải, chia sẻ, báo xấu, bình luận trên internet, mạng xã hội.

Hàng năm, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức tập huấn cho lực lượng 35 chuyên đề “đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các thông tin xấu, độc trên internet”. Báo cáo viên đều là những người có “thực chiến” trên không gian mạng, vì vậy đã chia sẽ những kinh nghiệm hay, cách làm mới góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu, độc trên địa bàn tỉnh.

Với những cách làm này công tác đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2019, Thanh Hóa đã chỉ đạo tiến hành rà soát và phát hiện, tổ chức đấu tranh với 20 trường hợp sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để đăng tải tin, bài bịa đặt về các đồng chí lãnh đạo các cơ quan trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 4 trường hợp sử dụng tài khoản Facebook cá nhân kích động Nhân dân biểu tình, tụ tập đông người trái pháp luật; 3 trường hợp đăng tải thông tin gây hoang mang trong Nhân dân; 1 trường hợp sử dụng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ nội dung bài viết trên mạng xã hội thể hiện quan điểm sai trái, bất mãn với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; 2 trường hợp sử dụng tài khoản Facebook cá nhân kích động, vu khống chính quyền xã Quảng Đại và thành phố Sầm Sơn; phát hiện, ngăn chặn 6 học sinh và 2 sinh viên có quan hệ với cá nhân, tổ chức nước ngoài trái quy định; phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương tổ chức bóc gỡ 35 video chia sẻ trên kênh Youtube, 31 trang Facebook xấu, độc đăng tải các thông tin sai trái; xử lý vi phạm hành chính trong quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ trang thông tin điện tử[1].

Từ năm 2019 đến năm 2023 đã phát hiện hàng nghìn trường hợp lợi dụng không gian mạng đăng tải, chia sẻ thông tin xấu độc, sai sự thật; cơ quan chức năng đã khởi tố bị can, xử lý hình sự 14 đối tượng, xử phạt hành chính trên 200 trường hợp.

Tỉnh phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện gỡ bỏ 98 video xấu, độc trên kênh YouTube, đình chỉ 159 trang Facebook, trang thông tin điện tử đăng tải các thông tin xấu độc... Năm 2023 và quý I/2024, lực lượng chức năng đã phát hiện 269 trường hợp lợi dụng không gian mạng để đăng tải thông tin có nội dung xấu độc, sai sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức.

Lực lượng công an đã gọi hỏi, đấu tranh và yêu cầu gỡ bỏ; đấu tranh vô hiệu hóa 3 trang, 4 nhóm mạng xã hội Facebook có hoạt động phức tạp về an ninh trật tự; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 74 trường hợp; tác động quản trị viên 17 hội, nhóm, trang mạng xã hội Facebook; gỡ bỏ 24 bài viết đăng tải nội dung sai sự thật ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của tỉnh Thanh Hóa [2].

Với sự chủ động, kịp thời, sáng tạo trong công tác đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các thông tin xấu, độc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã góp phần giữ vững chính trị, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế phát triển.

Bên cạnh những kết quả đạt được là chủ yếu thì việc đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các thông tin xấu, độc nói riêng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói chung vẫn còn một số hạn chế nhất định. Công tác phát hiện, xử lý thông tin trên mạng xã hội từng lúc chưa kịp thời; lực lượng tham gia đấu tranh còn mỏng, nghiệp vụ còn yếu, thiết bị còn thiếu. Một số ít cán bộ, đảng viên và Nhân dân chưa nhận thức đúng đắn tính chất nguy hiểm của âm mưu, hoạt động chống phá, các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch dẫn đến “vô tư” chia sẻ thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng ở một số cấp ủy cơ sở chưa hiệu quả. Việc huy động lực lượng cán bộ, công chức, viên chức tham gia viết bài đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói chung và đấu tranh ngăn chặn các thông tin xấu, độc nói riêng còn nhiều hạn chế, chỉ tập trung vào một số cá nhân là thành viên Ban Chỉ đạo và cộng tác viên.

Để thực hiện tốt đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các thông tin xấu, độc, tỉnh Thanh Hóa xác định trong thời gian tới cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể như sau:

Thứ nhất, chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính thống đối với những vụ việc cán bộ, đảng viên và Nhân dân quan tâm, không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá; các cơ quan báo chí, thông tin truyền thông, trang thông tin điện tử, fanpage... của các cơ quan đơn vị phải “hiệp đồng tác chiến” kịp thời đăng tải những thông tin chính thống, gương người tốt việc tốt với thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.

Thứ hai, quan tâm đầu tư nhân lực, vật lực, phát huy có hiệu quả các phần mềm, ứng dụng, trí tuệ nhân tạo (AI) cho đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet; triển khai đồng bộ cơ sở dữ liệu quản lý thông tin và người dùng mạng xã hội phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống thông tin xấu, độc.

Thứ ba, lực lượng nòng cốt phòng chống tin xấu, độc trên không gian mạng phải nắm bắt, dự báo, xử lý kịp thời những vấn đề mới nảy sinh; định hướng kịp thời đối với các sự kiện, vấn đề dư luận quan tâm, không để “khủng hoảng truyền thông” trên địa bàn tỉnh.

Tùng Anh

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa

[1] https://tuyengiao.vn/thanh-hoa-tang-cuong-dau-tranh-voi-cac-to-chuc-doi-tuong-phan-dong-chong-pha-gop-phan-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-132041

[2]https://baothanhhoa.vn/phat-huy-suc-manh-bao-ve-an-ninh-quoc-gia-tren-khong-gian-mang-216567.html