Bước tiến trong xây dựng chính quyền điện tử
Nhằm tận dụng những bước tiến mới của công nghệ để xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả, Thanh Hóa đã sớm ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về “Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Thực hiện nghị quyết này, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ, góp phần đổi mới hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp.
TP Thanh Hóa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân.
Bắt đầu từ cơ sở, việc xây dựng chính quyền điện tử đã được triển khai đồng bộ. Thể hiện quyết tâm đổi mới theo đúng chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và huyện, UBND xã Xuân Hồng (Thọ Xuân) đã nâng cấp, cải tạo công sở và mua sắm trang thiết bị làm việc, trong đó xây dựng mới bộ phận “một cửa” khang trang, hiện đại. Ông Lê Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng, cho biết: “Để phục vụ tốt công tác chuyên môn và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân được nhanh hơn, xã đã đầu tư mới hệ thống trang thiết bị, gồm máy tính, máy in, máy photocopy, máy scan... Xuân Hồng là xã đầu tiên của huyện Thọ Xuân trang bị bảng quét mã QR để tra cứu bộ TTHC cấp xã. Người dân chỉ cần một thao tác đơn giản là quét mã QR trên điện thoại thông minh để tra cứu TTHC cần làm, rất nhanh và thuận lợi”.
Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/5/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh, 100% cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã thực hiện trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử. Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, UBND huyện đã phối hợp với VNPT Thọ Xuân - Thường Xuân hướng dẫn, hỗ trợ cán bộ, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng và Nhân dân mở tài khoản thanh toán điện tử. Đồng thời, thiết lập được hơn 230 điểm phát sóng wifi miễn phí tại các nhà văn hóa, các điểm công cộng để phục vụ người dân truy cập internet và thực hiện thanh toán các dịch vụ thiết yếu. UBND huyện Thọ Xuân cũng đã phối hợp với các đơn vị hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm có lợi thế của địa phương lên sàn giao dịch điện tử nông sản Thanh Hóa, sàn thương mại điện tử postmart.vn, voso.vn, hỗ trợ cung cấp tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm OCOP của huyện để quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên không gian mạng.
Con người là một trong những yếu tố quyết định đến thành công của quá trình xây dựng chính quyền điện tử. Vì vậy, 2 năm qua, hơn 10.000 cán bộ, công chức của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trong toàn tỉnh đã được tập huấn để sử dụng thành thạo CNTT trong quá trình làm việc. Nhờ đó, 100% cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã đã chuyển từ làm việc trên giấy sang làm việc trên môi trường điện tử. Việc trao đổi và xử lý hồ sơ liên thông trên môi trường mạng giữa các cơ quan khối Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cả 3 cấp cũng được thực hiện trên nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu của tỉnh.
Cùng với con người, hạ tầng và trang thiết bị CNTT được các cơ quan, đơn vị quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại. Hiện nay, 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đều có hạ tầng mạng LAN, kết nối internet đảm bảo thông suốt, an toàn để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. 100% hệ thống thông tin của cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi sang IPv6, người dùng có thể truy cập song song cả 2 địa chỉ (IPv4 và IPv6) trên môi trường mạng. Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh tại địa chỉ https://lgsp.thanhhoa.gov.vn được duy trì, hoạt động thường xuyên, ổn định, hiện đang cung cấp 10 dịch vụ kết nối các phần mềm nội tỉnh và 11 dịch vụ kết nối bên ngoài. Các trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh và hệ thống điều hành, giám sát an ninh mạng (SOC) được quan tâm đầu tư, bảo đảm hoạt động ổn định, thông suốt, an toàn. Một số ngành, lĩnh vực đã ứng dụng các nền tảng số và các công nghệ mới (chuỗi khối-Block chain và Internet vạn vật-IoT) vào hoạt động quản lý như hệ thống giám sát chỉ số không khí của ngành tài nguyên và môi trường, hệ thống giám sát mực nước các hồ đập của ngành công thương, nền tảng du lịch, nền tảng khám chữa bệnh, nền tảng nông nghiệp thông minh...
Với gần 700 phòng họp trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã, hằng năm đã tổ chức khoảng 45 cuộc họp giao ban trực tuyến giữa UBND tỉnh với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và giữa UBND tỉnh với UBND cấp huyện, cấp xã; tổ chức hơn 380 cuộc họp trực tuyến giữa cấp huyện với cấp xã nhằm tiết kiệm về mặt thời gian và nhiều chi phí hành chính khác.
Dữ liệu số đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Theo đó, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện số hóa, phát triển dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu và tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin. Cổng dữ liệu mở của tỉnh (https://opendata.thanhhoa.gov.vn) đã được đưa vào triển khai, sử dụng với 234 cơ sở dữ liệu mở của 15 lĩnh vực nhằm chia sẻ, công khai các dữ liệu mở phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và công khai, minh bạch thông tin của các cơ quan chính quyền cho người dân, doanh nghiệp.
Thanh Hóa đã hoàn thành việc kết nối chính thức giữa Cổng dịch vụ công, hệ thống “một cửa” điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Việc kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào khai thác sử dụng đầu năm 2023 đã giúp người dân khi thực hiện các dịch vụ công không phải khai báo lại thông tin cá nhân và thời gian thực hiện các dịch vụ công được nhanh chóng, chính xác và thuận lợi.
Chính quyền điện tử là hoạt động của chính quyền dựa trên nền tảng CNTT nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động và cung ứng dịch vụ theo hình thức trực tuyến nhanh nhạy hơn. So với nhiều tỉnh, thành phố khác, Thanh Hóa chưa phải là tỉnh có nguồn lực kinh tế mạnh, nhưng đã có cách làm riêng trong xây dựng chính quyền điện tử và đã mang lại những kết quả đáng phấn khởi, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nguồn: baothanhhoa.vn