• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 15

    Hôm nay: 415

    Đã truy cập: 8284887

Chuyển đổi số ngân hàng đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội

Hiện nay, chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu trong đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt thể hiện rõ nét ở lĩnh vực ngân hàng. Các ngân hàng đã và đang chủ động tập trung phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số hiện đại theo phương châm “Lấy người dân, khách hàng làm trung tâm để phục vụ”. Từ đó, giúp khách hàng tăng khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính tiện ích.


Khách hàng đến giao dịch tại HD Bank Thanh Hóa.

Nhiều trải nghiệm tiện ích cho khách hàng

Toàn tỉnh hiện có 119 tổ chức tín dụng, bao gồm: 35 chi nhánh Ngân hàng Thương mại, 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, 1 chi nhánh Ngân hàng Phát triển, 1 chi nhánh Ngân hàng HTX, 1 tổ chức tài chính vi mô, 2 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô Tình thương, 67 Quỹ tín dụng nhân dân và 11 công ty tài chính. Hoạt động của ngành ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, hiểu rõ điều này, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp, đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số để thúc đẩy các ngành kinh tế thực hiện chuyển đổi số, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế số và xã hội số.


Cán bộ Agribank Nam Thanh Hóa hướng dẫn người dân xã Thanh Quân (Như Xuân) sử dụng các các dịch vụ ngân hàng điện tử.

Các sản phẩm dịch vụ ngành ngân hàng cung ứng cho khách hàng được số hóa hiện đại, qua đó cung ứng nhiều sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện ích nhằm gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. Hiện nay, trên các ứng dụng ngân hàng số ngoài các sản phẩm thông thường như gửi tiền tiết kiệm online, chuyển tiền thanh toán, đã có rất nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích như: Thanh toán tiền điện, nước, điện thoại; đặt và thanh toán vé xem phim, vé tàu, vé máy bay, khách sạn; thanh toán phí bảo hiểm; chuyển tiền vào tài khoản chứng khoán; nộp thuế; ủng hộ và chuyển tiền từ thiện; tra cứu tỷ giá, lãi suất, quản lý tài chính cá nhân... Với các ứng dụng ngân hàng số, khách hàng có thể sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng ở mọi lúc, mọi nơi mà không cần đến giao dịch trực tiếp, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, giúp người dân ở vùng nông thôn, vùng xa trung tâm thuận tiện sử dụng các dịch vụ ngân hàng online.


Các sản phẩm dịch vụ ngành ngân hàng cung ứng cho khách hàng được số hóa hiện đại, qua đó cung ứng nhiều sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện ích nhằm gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.

Là chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn, phân phối hàng tiêu dùng, bà Lê Thị Loan, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quang Cường, TP Thanh Hóa, chia sẻ: “Với các dịch vụ ngân hàng hiện đại, hiện nay dù ngồi ở nhà hay bất cứ nơi đâu, tôi cũng có thể giao dịch với các đối tác trên không gian mạng, rất tiện lợi. Việc trả lương, đóng tiền bảo hiểm... cho hàng trăm lao động của công ty cũng đều thực hiện qua các ứng dụng, bảo đảm nhanh và chính xác. Điều này, giúp doanh nghiệp giải quyết công việc đạt mức độ chính xác cao hơn trước rất nhiều, chi phí lại thấp mà thời gian hoàn thành lại ngắn”.


Nhân viên BIDV Thanh Hóa hướng dẫn người dân thực hiện cài đặt sinh trắc học

Mở 2 tài khoản tại Ngân hàng ngoại thương - Chi nhánh Thanh Hóa (Vietcombank Thanh Hóa) và Ngân hàng Công thương Thanh Hóa (Vietinbank Thanh Hóa) để thực hiện thanh toán học phí cho con và thanh toán tiền điện, tiền nước, đặt vé máy bay, vé tàu xe... thông qua dịch vụ ngân hàng, chị Nguyễn Thị Hảo, ở phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa, cho biết: “Hiện nay, đa số các khoản chi tiêu của tôi thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Tôi tải App của ngân hàng vào điện thoại di động, áp dụng thanh toán các khoản mua sắm qua QR Code hoặc chuyển tiền qua tài khoản. Tôi thấy ứng dụng có nhiều tiện ích, như nạp tiền vào tài khoản từ nhiều nguồn; chuyển tiền trong và ngoài ngân hàng, gửi tiền tiết kiệm, quản lý dịch vụ tài chính cá nhân và doanh nghiệp rất thuận lợi không phải đến ngân hàng xếp hàng chờ đợi như trước. Việc sử dụng công nghệ số của hệ thống ngân hàng rất tiện ích trong cuộc sống. Lợi ích dễ nhận thấy nhất là giao dịch thực hiện nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và không bị ảnh hưởng đến công việc, do việc thanh toán có thể thực hiện ở bất cứ thời điểm nào, bất cứ nơi đâu...”.


Hoạt động nghiệp vụ tại Vietinbank Thanh Hóa.

Thực hiện chuyển đổi số toàn diện

Đầu tư, nâng cấp, phát triển hạ tầng chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những giải pháp quan trọng đang được các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa triển khai nhằm thúc đẩy chuyển đổi số. Các chi nhánh ngân hàng thương mại đã xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin, nền tảng vận hành, xử lý nghiệp vụ vững mạnh dựa trên công nghệ, dữ liệu và có thể tiếp cận khách hàng qua các kênh số. Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập, kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác, nhiều ngân hàng thương mại xem công tác chuyển đổi số, phát triển mô hình, hoạt động ngân hàng số là mục tiêu trong chiến lược kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử. Nhiều ngân hàng thương mại có tỷ lệ trên 80%-90% giao dịch trên kênh số như Vietcombank, Vietinbank, Agribank, HD bank, Lộc Phát...

Đến nay toàn tỉnh có hệ thống hơn 340 máy ATM, hơn 4,8 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, hơn 2,8 triệu thẻ ngân hàng được phát hành với hàng nghìn các điểm thanh toán chấp nhận thẻ POS, thanh toán qua QR code. Cùng với đó là hàng loạt các ứng dụng ngân hàng điện tử, ngân hàng số được triển khai, tạo thuận lợi trong giao dịch cho khách hàng.


Nhân viên Ngân hàng Lộc Phát - Chi nhánh Thanh Hóa hướng dẫn người nhận lương hưu trí, bảo hiểm xã hội thực hiện thanh toán trực tuyến.

Cùng với việc quan tâm phát triển hạ tầng số, hiện nay, nhiều nghiệp vụ cơ bản của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã được số hóa 100% như tiền gửi tiết kiệm, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, chuyển tiền... Nhiều tổ chức tín dụng có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số cùng với việc phát triển, mở rộng thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng điện tử, ngân hàng số để tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng.

Ngành ngân hàng Thanh Hoá cũng đã tập trung triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; thúc đẩy tích hợp, kết nối liên thông với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật dữ liệu khách hàng.


Các sản phẩm dịch vụ ngành ngân hàng cung ứng cho khách hàng được số hóa hiện đại, qua đó cung ứng nhiều sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện ích nhằm gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.

Xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là mục tiêu, động lực của chuyển đổi số, ngành ngân hàng Thanh Hóa đang tiếp tục bám sát các mục tiêu kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiệu quả. Đẩy mạnh kết nối, liên kết giữa ngân hàng, tổ chức tín dụng với các ngành, lĩnh vực khác nhằm mang lại lợi ích tổng thể cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số phục vụ người dân đi đôi với bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, các giao dịch ngân hàng số, thanh toán số.

Hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia 2024 với chủ đề “phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”, ngành ngân hàng Thanh Hoá cũng đang tích cực triển khai nhiều hoạt động truyền thông về lợi ích của chuyển đổi số. Qua đó khẳng định nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số.

Chuyển đổi số hướng tới tương lai tài chính toàn diện, hiện đại


Bà Bùi Thị Thu Nga, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thanh Hoá

Chuyển đổi số (CĐS) trong ngành Ngân hàng không chỉ là một xu hướng mà còn là một bước tiến quan trọng hướng tới tương lai tài chính hiện đại và linh hoạt. Trên cơ sở bám sát định hướng, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Ngân hàng Thanh Hóa đã tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy CĐS trên địa bàn.

NHNN Thanh Hóa đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch CĐS, Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt của ngành, của tỉnh, sớm đạt được các mục tiêu đề ra. Theo đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tăng cường nguồn lực cho CĐS, nâng cấp phát triển hạ tầng công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, cung ứng đa dạng các sản phẩm dịch vụ số tiện ích, chi phí hợp lý cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện tốt mục tiêu mở rộng kết nối, phát triển hệ sinh thái số; tăng cường triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh an toàn bảo mật trong quá trình chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các đơn vị trong toàn ngành cũng đã tích cực phối hợp với sở, ngành tỉnh đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, chi trả an sinh xã hội...

Có thể nói, NHNN đã chỉ đạo quyết liệt công tác CĐS nhằm chuyển đổi hầu hết các hoạt động quản lý, dịch vụ ngân hàng sang môi trường số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Khẳng định sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt của ngành Ngân hàng trong đẩy mạnh CĐS quốc gia.

Thời gian tới, ngành Ngân hàng Thanh Hóa tiếp tục bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thúc đẩy CĐS quốc gia nói chung, CĐS ngành ngân hàng nói riêng một cách thực chất, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế. NHNN Thanh Hóa tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng đầu tư nâng cấp hạ tầng, sản phẩm dịch vụ, thúc đẩy hoạt động thanh toán số, tài chính toàn diện; triển khai áp dụng các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số, góp phần nâng cao nhận thức về chuyển đối số, nâng cao kỹ năng cho người dân, doanh nghiệp trong sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng trên kênh số an toàn, hiệu quả. Qua đó, góp phần tích cực hiện thực hóa các mục tiêu tại Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh.

Nâng cao trải nghiệm và gia tăng sự hài lòng của khách hàng


Bà Trịnh Thị Kim Liên, Phó Giám đốc Agribank Nam Thanh Hóa

Với mục tiêu hướng đến ngân hàng số, đáp ứng yêu cầu quản trị ngân hàng hiện đại, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Nam Thanh Hóa (Agribank Nam Thanh Hóa) đã tập trung phát triển, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin gắn với phát triển nguồn nhân lực. Agribank Nam Thanh Hóa đã và đang phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số, bảo đảm an toàn, bảo mật, nâng cao trải nghiệm và gia tăng sự hài lòng của khách hàng, thực hiện tốt nội dung thanh toán thẻ và ngân hàng điện tử đến người dùng.

Tính đến hết tháng 9/2024, Agribank Nam Thanh Hóa đã đầu tư 18 máy ATM, 5 máy CDM (Autobank - ngân hàng tự động). Cùng với đó, đơn vị đã phát triển hàng nghìn điểm QR-Code và POS, hầu hết khách hàng là hộ kinh doanh có tài khoản của Agribank được trang bị mã VietQR miễn phí. Thông qua các điểm chấp nhận thanh toán, mã QR khách hàng sử dụng tài khoản và thẻ ATM, sử dụng dịch vụ Agribank E-Mobile Banking, eBanking để thực hiện thanh toán, nhanh chóng, thuận lợi. Ngân hàng liên tục ra quân phủ sóng rộng rãi các sản phẩm thanh toán hiện đại, hỗ trợ các dịch vụ thẻ trên địa bàn huyện, thị xã, thị trấn với các giao dịch thuộc lĩnh vực dịch vụ công, như: thanh toán hóa đơn điện, nước, điện thoại, học phí, viện phí, thanh toán vật tư nông nghiệp đầu vào, thanh toán nông sản đầu ra của khách hàng hộ sản xuất, cá nhân...

Bên cạnh đó, Agribank Chi nhánh Nam Thanh Hoá triển khai nhiều sản phẩm thẻ tiện ích đến khách hàng. Sản phẩm Thẻ Lộc Việt Agribank tích hợp hai ứng dụng thẻ “ghi nợ” và “tín dụng” trên cùng một con chip với đầy đủ các tính năng của thẻ ghi nợ nội địa cũng như thẻ tín dụng nội địa hạng chuẩn, giúp khách hàng tiện lợi hơn khi thanh toán, bảo mật cao nhờ công nghệ thẻ chip hiện đại.

Agribank Chi nhánh Nam Thanh Hoá mở rộng kết nối, ký kết thỏa thuận hợp tác với các đối tác là các trường học, bệnh viện trên địa bàn. Hiện đơn vị đã ký kết thoả thuận hợp tác thu hộ học phí với gần 100 trường học và đang tiếp tục tiếp cận vận động và thương thảo ký hợp đồng với các trường học khác trên địa bàn, tạo thuận lợi cho việc thanh toán học phí đối với học sinh các cấp trên địa bàn, mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt.

Agribank Nam Thanh Hoá triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử, như: Agribank Plus, eBanking. Khi đưa vào triển khai các ứng dụng được đông đảo khách hàng tin dùng, như: Mở tài khoản trực tuyến eKYC, thẻ phi vật lý, thẻ chip không tiếp xúc, mã PIN điện tử ePIN, thanh toán bằng mã VietQR, ATM đa chức năng (CDM) với chức năng nạp tiền tự động và gửi tiền trực tuyến...

Tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ vào vận hành, tác nghiệp


Ông Phạm Văn Nam, Giám đốc Vietinbank Thanh Hóa

Là một trong những ngân hàng thương mại giữ vai trò chủ lực, trụ cột của nền kinh tế, trong quá trình xây dựng và phát triển, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa (Vietinbank Thanh Hóa) luôn tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ vào vận hành, tác nghiệp, nâng cao trải nghiệm của khách hàng và kết hợp với các đối tác xây dựng hệ sinh thái tài chính toàn diện, linh hoạt phù hợp với xu thế mới trên thị trường.

Vietinbak Thanh Hóa đã tích cực, chủ động triển khai và truyền thông đến khách hàng sử dụng các dịch vụ số, đẩy mạnh giao dịch qua kênh ngân hàng điện tử như: IPay, eFast, phát triển mã QR, lắp các thiết bị thanh toán POS tại các cửa hàng, siêu thị; tự động hóa quy trình robotic (RPA); điện toán đám mây; trí tuệ nhân tạo trong nhiều hoạt động giao dịch. Qua đó, đem lại những sản phẩm dịch vụ tiện ích, hiện đại và tốt nhất cho khách hàng, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Tính đến hết tháng 9/2024, trên các nền tảng ngân hàng số dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp của VietinBank Thanh Hóa liên tục ghi nhận kết quả tích cực. Hiện chi nhánh đã có 26 máy ATM và hàng trăm máy POS được lắp đặt ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Triển khai tốt các chương trình ứng dụng như VietinBank eFAST đối với khách hàng doanh nghiệp và VietinBank iPay Mobile dành cho khách hàng cá nhân. VietinBank IPay Mobile không chỉ là ứng dụng ngân hàng số mà còn là hệ sinh thái số, kết nối với hơn 2.400 nhà cung cấp dịch vụ, phục vụ mọi nhu cầu đời sống hằng ngày của khách hàng. Đối với khách hàng doanh nghiệp đã ứng dụng VietinBank eFAST với hơn 130 tính năng, Chi nhánh cũng đã triển khai sản phẩm giải ngân online và phát hành bảo lãnh online trên kênh eFAST cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân có hạn mức sản xuất, kinh doanh, cắt giảm nhiều hồ sơ, chứng từ, thủ tục hành chính.

Với triết lý hoạt động “khách hàng làm trung tâm”, VietinBank Thanh Hóa sẵn sàng chinh phục và quyết tâm thực hiện thành công công tác chuyển đổi số tại Chi nhánh thông qua nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng, làm gia tăng trải nghiệm cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử của VietinBank. Đồng thời tiếp tục đưa gói sản phẩm, phương thức thanh toán tiện lợi an toàn và nhiều ưu đãi đến với đông đảo hộ kinh doanh tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh. Với nhiệm vụ được giao, chi nhánh sẽ nỗ lực, cố gắng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ hơn nữa trong quá trình chuyển đổi số, vừa bảo đảm số hóa ngân hàng và an ninh, an toàn thông tin, vừa tích cực đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp, đẩy mạnh phát kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đổi mới để bắt kịp nhu cầu và xu hướng của thị trường


Bà Phạm Thị Thảo, Phó Giám đốc Vietcombank Thanh Hóa

Xác định công nghệ và số hóa là những yếu tố then chốt, quyết định việc duy trì năng lực cạnh tranh, Vietcombank Thanh Hóa đã liên tục cập nhật, đổi mới để bắt kịp nhu cầu và xu hướng của thị trường. Bằng năng lực và sự cố gắng không ngừng nghỉ, Vietcombank Thanh Hóa đã đạt được những thành quả nhất định trong công cuộc chuyển đổi số theo Nghị quyết của Đảng và Nhà nước.

Các sản phẩm dịch vụ số của Vietcombank không chỉ gia tăng tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng mà còn góp phần phát triển bền vững dựa trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ thanh toán quốc tế, mua bán ngoại tệ, doanh số sử dụng và chi tiêu thẻ. Hiện chi nhánh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt với rất nhiều đối tác là trường học, bệnh viện, UBND các thành phố, huyện, thị trên địa bàn, Kho bạc Nhà nước, Cục Thuế, Cục Hải quan... Theo đó, Vietcombank cung cấp các dịch vụ thanh toán qua cổng dịch vụ công quốc gia, giải pháp thanh toán bằng QR Code, thẻ...

Các dịch vụ số của Vietcombank ngày càng được nâng cấp, đa dạng hóa. Nhằm nâng cao trải nghiệm số hướng đến cả đối tượng khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp, Vietcombank đã lần lượt triển khai các dịch vụ Ngân hàng số, cụ thể như dịch vụ Ngân hàng số Vietcombank Digibank (dành cho khách hàng cá nhân); mở tài khoản trực tuyến xác thực bằng eKYC; dịch vụ Ngân hàng số Vietcombank Digibiz (dành cho khách hàng tổ chức). Nhiều nghiệp vụ tại Vietcombank đã được số hóa 100%, như: mở và sử dụng tài khoản thanh toán; phát hành thẻ ngân hàng; chuyển tiền, thanh toán tiền điện, tiền nước...; rút tiền mặt tại máy ATM không cần thẻ; gửi và tất toán sổ tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn; trả nợ tiền vay; kết nối các ví điện tử; tra soát online;... Cùng với việc mang các sản phẩm số hóa đến khách hàng, Vietcombank luôn tăng cường các biện pháp an ninh, an toàn, bảo mật thông tin. Khách hàng sử dụng dịch vụ được cán bộ tư vấn kỹ các biện pháp bảo mật giúp khách hàng yên tâm khi sử dụng dịch vụ Vietcombank.

Dưới sự lãnh đạo của Ban Giám đốc Vietcombank Thanh Hóa, toàn thể cán bộ, nhân viên Chi nhánh quyết tâm tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách Hội sở chính đề ra và các chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa, góp phần hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số của Vietcombank nói riêng và ngành ngân hàng nói chung.

Nguồn: baothanhhoa.vn