• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 30

    Hôm nay: 842

    Đã truy cập: 8295579

Ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hệ thống truyền thanh cơ sở

Để bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi số trong thời đại 4.0, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang tích cực đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở. Từ đó, góp phần đưa thông tin tuyên truyền đến người dân một cách nhanh nhất và chính xác nhất.


Hệ thống loa truyền thanh tại xã Thạch Long (Thạch Thành).

Chỉ cần một chiếc máy tính có kết nối internet hoặc điện thoại thông minh cài đặt phần mềm truyền thanh thông minh, anh Trần Đình Giao, công chức văn hóa - xã hội, kiêm phụ trách vận hành Đài Truyền thanh xã Thạch Long (Thạch Thành) đã có thể cài đặt lịch phát tự động cho các cụm loa truyền thanh ở trụ sở UBND và tại các thôn trong xã.

Anh Giao cho biết: Năm 2023 xã đã đầu tư nâng cấp lắp đặt hệ thống đài truyền thanh thông minh với nhiều ưu điểm vượt trội như không cần dây dẫn, gọn nhẹ, dễ điều khiển vận hành thiết bị. Không chỉ vậy, chất lượng âm thanh trong, rõ ràng, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Việc tạo lập, kiểm soát, thu âm phát thanh từng bản tin cũng trở nên dễ dàng, nhanh chóng, cán bộ phụ trách chỉ cần một thao tác nhấp chuột vào phần chuyển đổi văn bản sang giọng nói, phần mềm sẽ tự động đọc văn bản rất “chuyên nghiệp” và thực hiện phát sóng theo yêu cầu. Qua đó, giúp tiết kiệm thời gian, công sức trong vận hành. Hiện tại, mỗi tháng chúng tôi đều xây dựng các bản tin tuyên truyền về các lĩnh vực hoạt động của địa phương từ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nêu gương người tốt - việc tốt. Cùng với đó, hàng ngày đều tiếp sóng các chương trình truyền thanh của huyện, chương trình phát thanh của tỉnh và Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tại huyện Thạch Thành, thông qua các nguồn vốn hỗ trợ khác nhau, đến nay toàn huyện đã có 25 xã, thị trấn đầu tư nâng cấp, xây dựng hệ thống đài truyền thanh thông minh. Việc lắp đặt hệ thống truyền thanh thông minh mang lại rất nhiều ưu điểm như không giới hạn khoảng cách truyền tín hiệu âm thanh, thu âm, phát thanh mọi lúc, mọi nơi đến từng cụm loa, dễ bảo dưỡng, dễ di dời khi cần, có thể lắp đặt mọi địa hình, mọi phạm vi khoảng cách, quản lý lịch phát sóng tự động... Do đó, mang lại hiệu quả cao trong việc đưa thông tin đến đông đảo người dân, nhất là người dân ở địa bàn cách xa trung tâm xã.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở huyện cũng đã ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống đài truyền thanh dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT - VT) trên địa bàn huyện Thạch Thành đến năm 2025”. Từ khi đề án được triển khai thực hiện đến nay, huyện đã bố trí ngân sách để đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh, trang thiết bị ứng dụng CNTT - VT trong sản xuất, thu, phát sóng chương trình phát thanh đồng bộ bằng kỹ thuật số, đầu tư trang thiết bị thu phát thông minh bằng công nghệ IP nhằm đồng bộ hệ thống truyền thanh thông minh từ huyện đến cơ sở.

Tại huyện Nông Cống, hệ thống truyền thanh cơ sở trong huyện cũng thường xuyên được đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả, thực sự trở thành một kênh thông tin thiết yếu phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hiện nay, toàn huyện đã có 7 đài truyền thanh xã, thị trấn được đầu tư, nâng cấp bổ sung bộ thiết bị tích hợp tự động, đảm bảo kết nối các cụm loa ứng dụng CNTT- VT với các cụm loa hiện có; 7 xã có hệ thống đài truyền thanh ứng dụng CNTT - VT; 16 xã có hệ thống truyền thanh vô tuyến công nghệ sóng FM và 6 xã đang sử dụng hệ thống truyền thanh hữu tuyến. Cùng với đó, các xã, thị trấn trong huyện cũng chú trọng đổi mới phương thức cung cấp thông tin, nâng cao chất lượng nội dung thông tin để cung cấp theo hướng kịp thời, chủ động, chính xác và hiệu quả đến Nhân dân. Theo thống kê, tỷ lệ thông tin thiết yếu từ hệ thống thông tin cơ sở được phổ biến đến người dân trên địa bàn huyện đạt trên 95%.

Trong thời đại công nghệ số, nhiều địa phương trong tỉnh đã tích cực ứng dụng công nghệ hiện đại, đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh và bước đầu cách làm này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền ở cơ sở. Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở và hướng tới chuyển đổi số, ngày 5/1/2023 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 68/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án "Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023-2030”. Đề án đặt ra lộ trình thực hiện, trong giai đoạn 2023-2025 sẽ tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp thiết bị sản xuất chương trình, thiết bị tích hợp tự động đài truyền thanh cấp huyện; đầu tư thiết bị phương tiện thông tin lưu động; đầu tư thiết lập mới hệ thống đài truyền thanh ứng dụng CNTT - VT ở các xã, phường thị trấn, hệ thống đài đã bị hỏng hoàn toàn và các đài truyền thanh FM ở băng tần (87-108Mhz) không được cấp lại giấy phép tần số theo quy định; đầu tư bộ thiết bị tích hợp tự động cho các xã đảm bảo mục tiêu chuyển đổi số hệ thống đài truyền thanh cơ sở. Giai đoạn 2026-2030 sẽ hoàn thành đầu tư nâng cấp đối với các xã có đài truyền thanh sử dụng phương thức truyền thanh có dây và truyền thanh không dây sang truyền thanh ứng dụng CNTT - VT. Đề án sẽ được lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện như nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững...

Nguồn: baothanhhoa.vn