• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 4

    Hôm nay: 7

    Đã truy cập: 8447281

Ứng dụng chuyển đổi số trong kinh doanh vận tải hành khách

Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, chuyển đổi số (CĐS) đã trở thành xu thế tất yếu trong hầu hết các ngành nghề. Việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh vận tải đã giúp các doanh nghiệp trong tỉnh nâng cao hiệu quả vận hành, cải thiện chất lượng dịch vụ và tạo ra sự tiện lợi tối đa cho khách hàng.


Nhân viên Công ty Vận tải quốc tế Đức Phát kiểm tra thông tin đặt xe của khách hàng qua phần mềm trực tuyến.

Thanh Hóa có mạng lưới vận tải hành khách phong phú, từ các tuyến xe buýt công cộng đến dịch vụ taxi và vận tải du lịch. Nhiều đơn vị đã đầu tư mạnh vào công nghệ số để tối ưu hóa hoạt động, mang lại hiệu quả rõ rệt trong cả quản lý và phục vụ khách hàng. Điển hình như Mai Linh Thanh Hóa, một trong những hãng taxi đã triển khai ứng dụng đặt xe trực tuyến, mang đến sự thuận tiện cho hành khách. Chỉ với vài thao tác trên điện thoại, khách hàng có thể nhanh chóng tìm xe phù hợp mà không cần phải gọi tổng đài như trước. Ứng dụng của Mai Linh không chỉ minh bạch trong việc cung cấp giá cước ngay từ khi đặt xe, mà còn tích hợp hệ thống định vị GPS hiện đại. Điều này cho phép khách hàng theo dõi lộ trình di chuyển của xe theo thời gian thực, đồng thời hỗ trợ tài xế tối ưu hóa đường đi, tiết kiệm thời gian và nhiên liệu. Ứng dụng còn cung cấp các lựa chọn thanh toán đa dạng như ví điện tử, thẻ ngân hàng hoặc tiền mặt, đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm khách hàng khác nhau. Với sự cải tiến này, Mai Linh Thanh Hóa không chỉ nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng mà còn giảm đáng kể chi phí vận hành, quản lý đội xe hiệu quả hơn.

Dịch vụ xe buýt công cộng tại Thanh Hóa cũng có nhiều bước tiến đáng kể nhờ CĐS. Việc triển khai hệ thống tra cứu lộ trình qua website và ứng dụng di động đã mang lại sự tiện lợi lớn, cho phép người dân kiểm tra thời gian xe đến, các tuyến xe phù hợp và điểm dừng cụ thể. Những công cụ này đặc biệt hữu ích đối với nhóm khách hàng thường xuyên sử dụng xe buýt để đi lại như học sinh, sinh viên và người lao động. Hơn thế nữa, công nghệ GPS được tích hợp vào đội xe buýt công cộng giúp giám sát hành trình xe, đảm bảo các chuyến xe luôn chạy đúng giờ và tuân thủ nghiêm ngặt lịch trình đã công bố. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tình trạng trễ giờ mà còn xây dựng lòng tin từ phía người dân đối với hệ thống giao thông công cộng. Sự thay đổi này đã mang lại lợi ích không nhỏ về hiệu quả vận hành, góp phần bảo vệ môi trường nhờ việc giảm sử dụng vé giấy và tối ưu hóa hành trình di chuyển.

Là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực vận tải hành khách tại Thanh Hóa, Công ty Vận tải quốc tế Đức Phát (TP Thanh Hóa) đã ghi dấu ấn mạnh mẽ nhờ việc ứng dụng CĐS toàn diện vào các hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp đã đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và triển khai các phần mềm quản trị vận tải, phần mềm quản lý khách hàng, quản lý hàng hóa, cũng như hệ thống điều hành thông minh. Nhờ đó, hầu hết các công đoạn trong quy trình vận hành đều được số hóa, đem lại hiệu quả vượt trội trong quản lý và kinh doanh. Thông qua việc áp dụng công nghệ, công ty dễ dàng nhận diện những điểm yếu trong quy trình vận hành như các khu vực có nguy cơ thất thoát doanh thu hoặc các khâu tiêu tốn nhiều nguồn lực nhưng chưa đạt hiệu quả. Từ đó, doanh nghiệp nhanh chóng đưa ra các cải tiến phù hợp, giúp gia tăng lợi nhuận một cách đáng kể.

Hiện nay, Công ty Vận tải quốc tế Đức Phát sở hữu hơn 80 đầu xe phục vụ chính trên các tuyến trọng điểm như TP Thanh Hóa - Hà Nội và Hoằng Hóa - Hà Nội. Ông Trần Ngọc Đức, giám đốc công ty cho biết: “Mục tiêu hàng đầu mà doanh nghiệp hướng đến là mang đến cho khách hàng những chuyến đi an toàn, tiện lợi, đồng thời xây dựng thương hiệu vững mạnh trên thị trường thông qua việc nâng cao chất lượng dịch vụ và đẩy mạnh CĐS”.

Một trong những bước cải tiến đáng chú ý tại Đức Phát là việc ứng dụng các phần mềm điện tử vào hoạt động quản lý. Dữ liệu khách hàng, thay vì ghi chép thủ công, nay đã được lưu trữ và cập nhật trên hệ thống phần mềm, giúp công ty dễ dàng theo dõi và chăm sóc khách hàng hiệu quả hơn. Tổng đài truyền thông cũng được chuyển đổi thành hệ thống hotline tích hợp hiện đại, đảm bảo việc tiếp nhận và phản hồi thông tin nhanh chóng, chuyên nghiệp. Đặc biệt, việc số hóa đã hỗ trợ đắc lực cho các tài xế. Trước đây, lái xe phải tự ghi nhớ từng địa chỉ, tuyến phố để đón khách, nay chỉ cần sử dụng bản đồ chỉ dẫn tự động trên điện thoại thông minh. Điều này vừa giảm bớt áp lực công việc mà còn tăng độ chính xác trong lộ trình, góp phần nâng cao sự hài lòng của hành khách.

Bên cạnh đó, các số liệu về hoạt động kinh doanh, bao gồm tình trạng xe, lịch trình chạy, và hiệu quả tài chính, đều được hiển thị chi tiết trên hệ thống phần mềm. Điều này cho phép ban lãnh đạo có cái nhìn toàn diện, đưa ra các quyết định điều hành một cách kịp thời và chính xác. Hệ thống quản lý và điều hành thông minh còn hỗ trợ tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực, như điều xe, điều tài xế, và sắp xếp luồng tuyến một cách khoa học. Nhờ đó, thời gian chờ của xe được giảm thiểu, năng suất lao động tăng cao, và chi phí vận hành được tối ưu hóa.

Việc ứng dụng công nghệ số trong vận tải hành khách đã tạo nên những thay đổi tích cực, hình thành các thói quen mới cho cả doanh nghiệp vận tải và hành khách. Đối với doanh nghiệp, công nghệ số giúp họ tiếp cận thêm khách hàng, tăng doanh thu và tối ưu hóa các quy trình vận hành. Đối với người dân, việc đi lại trở nên tiện lợi hơn bao giờ hết nhờ các dịch vụ hiện đại. Công nghệ cũng mang lại sự minh bạch trong thông tin về giá cả, cung đường và giờ chạy, giúp hành khách dễ dàng đưa ra lựa chọn phù hợp với nhu cầu. Nhờ đó, môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải hành khách trở nên minh bạch và công bằng hơn, thúc đẩy chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao.

Nguồn: baothanhhoa.vn