• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 8

    Hôm nay: 290

    Đã truy cập: 8447084

Bước chuyển trong cải cách hành chính

rong 47 nhiệm vụ đặt ra trong kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) năm 2024, đến thời điểm này, 100% các nhiệm vụ đã hoàn thành. Đây là kết quả rất đáng phấn khởi, tạo nền tảng quan trọng để Thanh Hóa phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ còn lại trong năm 2025 - năm cuối cùng thực hiện khâu đột phá “Đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn” giai đoạn 2021-2025.


Công chức bộ phận “một cửa” phường Đông Hải (TP Thanh Hóa) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của Thanh Hóa trong hành trình cải cách và đổi mới chính là sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã. Để hoàn thành tất cả các nhiệm vụ đặt ra, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch để cụ thể hóa, phân công nhiệm vụ cho các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện; đồng thời kiện toàn Ban Chỉ đạo CCHC cấp tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn và nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ của ban chỉ đạo. Trên cơ sở các kế hoạch, chương trình và mục tiêu lớn mà tỉnh đề ra, thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã cũng đề cao vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện CCHC, tạo sự chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực.

Thanh Hóa là 1 trong 5 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh với phần mềm dịch vụ công liên thông của Bộ Công an và phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đối với 2 dịch vụ công liên thông là đăng ký khai sinh và đăng ký khai tử theo quy định tại Nghị định số 63/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Thanh Hóa cũng là 1 trong 8 tỉnh đi tiên phong trong cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tạo ra bước tiến mới trong tiến trình số hóa các dịch vụ công. Ngoài ra, Thanh Hóa còn là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai thực hiện dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh, mang lại nhiều tiện ích thiết thực cho người dân và cán bộ, công chức khi giải quyết TTHC. Thực hiện Đề án 06, 100% các đơn vị cấp xã đã triển khai thực hiện và có hồ sơ phát sinh trên hệ thống, được Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ đánh giá là tỉnh xếp trong tốp đầu cả nước.

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành đã chủ động rà soát, đề xuất, kiến nghị đơn giản hóa tối đa về hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền. Năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 113 quyết định công bố danh mục TTHC, trong đó có 314 thủ tục mới ban hành, 673 thủ tục sửa đổi, bổ sung và 293 thủ tục bãi bỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC. Việc ban hành quy trình nội bộ giải quyết TTHC được các ban, sở, ngành cấp tỉnh thực hiện kịp thời, bảo đảm 100% các TTHC thuộc thẩm quyền của mỗi cấp sau khi công bố đều có quy trình nội bộ và quy trình điện tử để thực hiện trên hệ thống. Hiện nay, 100% hồ sơ TTHC do cơ quan hành chính nhà nước tiếp nhận, giải quyết được công khai tiến độ, kết quả giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh, trên Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị và Cổng Dịch vụ công quốc gia. 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của 3 cấp chính quyền được tiếp nhận, trả kết quả tại bộ phận “một cửa” các cấp.

Công tác gắn kết việc số hóa hồ sơ giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC với quá trình tiếp nhận, xử lý TTHC được thực hiện tốt, tạo cơ sở hình thành dữ liệu sống, sạch, đủ và chính xác. Bộ phận “một cửa” các cấp đã thực hiện số hóa thông tin hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và lưu giữ tại kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân tại Cổng Dịch vụ công tỉnh và được đồng bộ dữ liệu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đáp ứng yêu cầu tái sử dụng dữ liệu theo quy định, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc, giảm bớt thao tác xử lý trên các phần mềm.

Công tác chuyển đổi số được thực hiện toàn diện, hiệu quả gắn với CCHC. Hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư, nâng cấp từ cấp tỉnh đến cấp xã, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng ngày càng hiệu quả. Toàn tỉnh đã thực hiện khai báo mã định danh điện tử cho 2.588 đơn vị và đồng bộ lên hệ thống danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan Nhà nước. Trong năm đã hoàn thành việc hợp nhất, nâng cấp Cổng Dịch vụ công tỉnh với Hệ thống thông tin “một cửa” điện tử cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tạo lập thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Thanh Hóa. Hệ thống điều hành, giám sát an ninh mạng (SOC) được đầu tư, bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh và luôn hoạt động ổn định, thông suốt, an toàn. Cổng dữ liệu mở tỉnh Thanh Hóa được vận hành đã tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, khai thác hiệu quả nguồn dữ liệu sẵn có từ cơ quan quản lý Nhà nước, giảm chi phí tìm kiếm và tổng hợp dữ liệu. Việc ứng dụng chữ ký số chuyên dùng được sử dụng tại 100% các cơ quan hành chính và hơn 150 đơn vị sự nghiệp của tỉnh. Từ tháng 1/2024 đến ngày 15/11/2024, tổng số lượt văn bản trao đổi, xử lý trên hệ thống là 1.116.164/1.168.843 văn bản (đạt 99,77%); tỷ lệ ký số cá nhân và ký số cơ quan đạt trên 99%, giúp cho hoạt động của cơ quan Nhà nước được công khai, minh bạch, nhanh chóng và tiết kiệm.

Những kết quả nổi bật mà Thanh Hóa đạt được trong năm 2024 là rất phấn khởi. Với quyết tâm cao, Thanh Hóa tiếp tục phấn đấu, khắc phục bằng được những hạn chế còn tồn tại nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ hơn nữa trong CCHC. Qua đó thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.

Nguồn: baothanhhoa.vn