Phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo
Chiều 14/12/2024, tại Hà Nội, Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Phenikka đã tổ chức Hội nghị Quốc gia lần thứ 27 về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin (REV-ECIT 2024) với chủ đề “Phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo”.
Sự kiện được sự bảo trợ của Bộ TT&TT, thu hút sự tham gia của gần 300 nhà khoa học, đại diện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu trên cả nước.
Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị hôm nay. Chủ đề của Hội nghị là sự hưởng ứng thiết thực đối với Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam, là sự đón đầu Nghị quyết của Bộ Chính trị sắp ban hành về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Thứ trưởng cho biết, Bộ TT&TT sắp tới sẽ hợp lực với Bộ Khoa học và Công nghệ trở thành Bộ Khoa học công nghệ và Truyền thông triển khai các nội dung được thảo luận tại hội nghị hôm nay nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và AI phát triển.
Thứ trưởng nhấn mạnh, Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển lĩnh vực này thông qua tư vấn chính sách, chiến lược, kết nối các chuyên gia, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của công nghiệp công nghệ số nói chung và lĩnh vực bán dẫn, AI nói riêng.
Thứ trưởng cũng đánh giá cao vai trò tiên phong của Đại học Phenikaa trong đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về thiết kế vi mạch, ứng dụng bán dẫn và AI, góp phần cung cấp nhân lực chất lượng cao cho ngành.
Bộ TT&TT đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 nhằm triển khai Chiến lược một cách đồng bộ, hiệu quả trên phạm vi toàn quốc.
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm đề nghị Hội Vô tuyến điện tử, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp công nghệ số, các nhà khoa học tập trung vào một số định hướng quan trọng sau:
-Chủ động xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ, hiện thực hóa mục tiêu của Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn, trong đó chú trọng thu hút nhà đầu tư chiến lược, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, ưu tiên hoạt động thiết kế, nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm bán dẫn chuyên dụng, gắn kết phát triển công nghiệp bán dẫn với chuyển đổi số.
Toàn cảnh sự kiện
-Chú trọng tính thực tiễn của nghiên cứu khoa học, hướng tới giải quyết bài toán cụ thể trong thực tế, tạo ra giá trị hữu ích cho xã hội và nền kinh tế, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
-Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và nuôi dưỡng nhân tài về bán dẫn và AI. Tăng cường đào tạo, đáp ứng nhanh nhu cầu lao động thông qua đào tạo lại, đào tạo nâng cao nguồn nhân lực sẵn có để Việt Nam sớm trở thành trung tâm cung cấp nhân lực về bán dẫn và công nghệ cho khu vực và thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu đào tạo 5.000 nhân lực chuyên môn sâu về AI và 5.000 nhân lực về bán dẫn vào năm 2030.
-Phối hợp với các bộ ngành trong xây dựng, góp ý, phản biện chính sách, từ đó tạo ra cơ chế, chính sách vượt trội, thúc đẩy phát triển lĩnh vực bán dẫn. Thúc đẩy kết nối, hợp tác với các Bộ ngành trong triển khai các chính sách đồng bộ về đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng bán dẫn. Làm cầu nối giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và cơ quan quản lý để phát huy sức mạnh tổng hợp của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, nhấn mạnh rằng chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ thông tin mà còn đòi hỏi đổi mới toàn diện về quy trình quản lý, sản xuất và điều hành. Ông cũng đánh giá cao những chiến lược đột phá như phát triển hạ tầng số, chiến lược "Make in Việt Nam", và đặc biệt là chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn – yếu tố quan trọng để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ông Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam
Hội nghị năm nay nhận được 159 bài báo từ 479 tác giả/đồng tác giả thuộc hơn 61 trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức khoa học trên toàn quốc. Qua quá trình phản biện nghiêm túc với 364 lượt đánh giá, Ban tổ chức đã chọn ra 128 công trình xuất sắc để trình bày tại hội nghị. Các báo cáo được chia thành 06 tiểu ban khoa học, bao gồm các lĩnh vực như IoT, UAV, xử lý tín hiệu, công nghệ bảo mật và ăng-ten, cùng 2 tiểu ban đặc biệt tập trung vào công nghệ vi mạch và trí tuệ nhân tạo.
Điểm nhấn cuả Hội nghị là Diễn đàn "Phát triển công nghiệp bán dẫn và Trí tuệ nhân tạo" với sự tham gia của các diễn giả hàng đầu từ cơ quan quản lý, tập đoàn lớn và các viện nghiên cứu. Các đại biểu tham dự đã nghe các bài tham luận quan trọng, bao gồm: Chiến lược phát triển Công nghiệp bán dẫn Việt Nam và một số chính sách định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 (Cục Công nghiệp CNTT&TT, Bộ TT&TT), Định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Tập đoàn Viettel (Tập đoàn Viettel), Phát triển nguồn nhân lực AI từ góc nhìn thực tiễn (Tập đoàn VNPT)./.
Nguồn: mic.gov.vn