Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57. Đây là Nghị quyết chuyên đề đặc biệt quan trọng về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với nhiều quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp lớn có tính cách mạng, giống như Nghị quyết khoán 10 trong nông nghiệp cách đây 40 năm, nhưng lần này là cho KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Theo Bộ trưởng, Bộ mới hợp nhất - Khoa học, Công nghệ và Truyền thông sẽ là lực lượng nòng cốt để hiện thực hóa Nghị quyết quan trọng này.
Bộ trưởng cho biết, Tổng Bí thư Tô Lâm là Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số đã thực sự trở thành sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Chuyển đổi số Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn phát triển đột phá. Chuyển đổi số sẽ góp phần đặc biệt quan trọng giúp Việt Nam vươn mình đứng dậy mạnh mẽ, trở thành nước XHCN phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 - khi nước Việt Nam mới tròn 100 năm, Bộ trưởng kỳ vọng.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Phó Thủ tướng đánh giá cao công tác xây dựng thể chế của Bộ TT&TT
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đánh giá cao những thành tựu to lớn mà ngành TT&TT đã đạt được trong năm qua.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những số liệu ấn tượng được trình bày tại hội nghị là minh chứng sinh động về sự phát triển của ngành TT&TT, về sự nỗ lực của toàn ngành dưới sự chỉ đạo của Bộ TT&TT.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật của Bộ TT&TT với việc trình Chính phủ 4 Nghị quyết, 6 Nghị định, 8 Quyết định và ban hành 27 Thông tư, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho ngành TT&TT phát triển.
Bộ TT&TT chính thức ra mắt Mạng lưới truyền thông chính sách trên toàn quốc
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số thách thức, khó khăn mà ngành TT&TT phải đối mặt. Trước tốc độ thay đổi nhanh chóng của công nghệ, hệ thống pháp luật cần được hoàn thiện nhanh hơn, đặc biệt là các cơ chế, chính sách nhằm phát huy nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế. Phó Thủ tướng đặt câu hỏi về việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu của các lĩnh vực công nghệ hiện đại như chip lượng tử, máy tính lượng tử và trí tuệ nhân tạo. Bộ TT&TT phải là tổng tham mưu trưởng cho Chính phủ trong lĩnh vực này, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Về báo chí, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc lưu ý, cần quản lý chặt chẽ để đảm bảo báo chí là báo chí cách mạng; cần ngăn chặn thông tin xấu độc trên các nền tảng số, nền tảng xuyên biên giới.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cho 22 đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác truyền thông chính sách.
Hướng tới công cuộc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Phó Thủ tướng cho rằng ngành TT&TT cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng số, ứng dụng AI, công nghiệp công nghệ số.
Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là mệnh lệnh, do vậy trách nhiệm Bộ TT&TT phải thực thi, tạo đột phá nguồn lực thúc đẩy kinh tế phát triển, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cho đại diện các tập thể có thành tích xuất sắc, tiêu biểu đóng góp vào lộ trình dừng công nghệ 2G.
Về việc hợp nhất Bộ TT&TT với Bộ Khoa học và Công nghệ theo Nghị quyết 18, Phó Thủ tướng nhận định, Bộ mới – Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông sẽ có sứ mệnh mới, có sức mạnh lớn hơn. Hai Bộ có điểm chung là Công nghệ, sắp tới sẽ trở nên mạnh hơn, sâu hơn, thực hiện công tác quản lý hiệu quả hơn, Phó Thủ tướng kỳ vọng.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cam kết, các chỉ đạo, các nhiệm vụ Phó Thủ tướng giao sẽ được Bộ TT&TT cụ thể hóa vào kế hoạch và chương trình hành động của năm 2025.
*Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe một số tham luận quan trọng, cụ thể: "Chuyển đổi số lĩnh vực du lịch – cơ hội và thách thức" (Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch), "Hải Phòng quyết tâm hoàn thành mục tiêu dịch vụ công trực tuyến toàn trình năm 2025" (UBND thành phố Hải Phòng), "Quản lý truyền thông xã hội trong tình hình mới: Cùng "xây" và cùng "chống" (Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT).
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu thăm quan gian hàng Triển lãm bên lề Hội nghị
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu thăm quan gian hàng Triển lãm bên lề Hội nghị
Cũng tại sự kiện, Bộ TT&TT chính thức ra mắt Mạng lưới truyền thông chính sách trên toàn quốc, đặt dấu mốc quan trọng trong việc phủ rộng, lan tỏa triển khai công tác truyền thông chính sách trên cả nước.
Ghi nhận những đóng góp của các đơn vị trong công tác truyền thông chính sách, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cho 22 đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác truyền thông chính sách.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cho 32 tập thể và 48 cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu đóng góp vào lộ trình dừng công nghệ 2G.
Một số kết quả nổi bật của ngành TT&TT năm 2024
Doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 4.243.984 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2023, đóng góp vào GDP ước đạt 989.016 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2023.
Lĩnh vực bưu chính: Doanh thu ước đạt 71.140 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 110,8% kế hoạch năm 2024; nộp NSNN ước đạt 5.019 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 100% kế hoạch năm 2024.
Lĩnh vực viễn thông: Tổng doanh thu ước đạt 147.000 tỷ đồng, tăng 3,49% so với năm 2023. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 85%, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023 (79%). Số thuê bao băng rộng di động đạt 94 thuê bao/100 dân, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.
Lĩnh vực Chuyển đổi số quốc gia: Điểm đánh giá mức độ CĐS (DTI) năm 2023 quốc gia là 0,7326 tăng trưởng 3% so với năm 2022 (0,7111), tăng 50,8% so với năm 2020 (0,4858). Tổng giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) ước tính đến hết tháng 12/2024 là: 1,031 tỷ giao dịch (tăng 56% so với năm 2023).
Lĩnh vực ATTT mạng: Doanh thu ước đạt 7.179 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số tiền nộp NSNN của doanh nghiệp hoạt động ATTT mạng ước đạt 794 tỷ đồng, tăng 156,8% so với năm 2023 (309 tỷ đồng). Trong năm qua, đã bảo vệ 1,3 triệu người dân, không truy cập vào các website lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Đã xử lý 8.558 website lừa đảo, vi phạm pháp luật.
Lĩnh vực Kinh tế số - xã hội số: Tỷ trọng kinh tế số trong GDP (ước tính) 18,3%, tăng trưởng 20% so với năm 2023.
Lĩnh vực công nghiệp công nghệ số: Doanh thu ước đạt 3.878.296 tỷ đồng (~151,86 tỷ USD, tính theo tỷ giá 25.538,77 đồng/USD), tăng 11,2% so với năm 2023 (137 tỷ USD). Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 132,341 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2023. Tỷ lệ giá trị Việt Nam/doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT ước đạt 31,8%, tăng 3,1 điểm % so với năm 2023.
Lĩnh vực báo chí, truyền thông: Doanh thu của báo chí in, báo chí điện tử ước đạt 8.080 tỷ đồng, giảm khoảng 6,1% so với năm 2023, trong đó quảng cáo giảm 5,6%. Doanh thu lĩnh vực phát thanh, truyền hình đạt 12.524 tỷ đồng, tăng 1,7% so với năm 2023 (12.049 tỷ đồng). Doanh thu ngành game ước đạt khoảng 12.500 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2023 (12.552 tỷ đồng). Tỷ lệ tin xấu, độc, sai sự thật được phát hiện và xác minh trên mạng xã hội được ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời trong năm ước đạt khoảng 92,7%, tăng 0,4 điểm % so với cùng kỳ năm 2023.
Lĩnh vực xuất bản, in và phát hành: Doanh thu lĩnh vực xuất bản ước đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 100% kế hoạch năm 2024. Doanh thu lĩnh vực in ước đạt: 90.160 tỷ đồng, giảm 2% so với năm 2023 (92.000 tỷ đồng) và đạt 90,2% so với kế hoạch năm 2024. Doanh thu lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm ước đạt 4.800 tỷ đồng, tăng 2,78% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 96,57% so với kế hoạch năm 2024.