• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 7

    Hôm nay: 240

    Đã truy cập: 8299339

Hiệu quả bước đầu từ thí điểm chuyển đổi số cấp xã

Nga An (Nga Sơn), Hà Sơn (Hà Trung) và Yên Thọ (Như Thanh) là 3 xã được lựa chọn thí điểm thực hiện chương trình chuyển đổi số cấp xã theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Sau 5 tháng triển khai, việc thí điểm đã đạt kết quả bước đầu, từng bước tạo nên mô hình xã thông minh, đem lại nhiều tiện ích cho người dân.


Cơ sở sản xuất rau, củ, quả sạch của anh Mai Văn Huy, xã Nga An (Nga Sơn) được tặng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm VNPT check từ chương trình thí điểm chuyển đổi số cấp xã

Hạ tầng số đồng bộ

Xây dựng hạ tầng số là nhiệm vụ hàng đầu trong chuyển đổi số. Tại 3 xã thí điểm, VNPT các huyện Nga Sơn, Hà Trung, Như Thanh đã chỉnh trang, bó gọn các tuyến cáp quang với tổng chiều dài 62,7 km và thu hồi gần 14 km cáp đồng; kéo thêm 34 km cáp quang, chỉnh nghiêng 40 cột bê tông, lắp thêm 147 thanh sắt nối để đảm bảo an toàn cơ học; kéo căng các tuyến cáp trùng, bảo đảm an toàn, bảo đảm mỹ quan và nâng cao chất lượng hạ tầng phục vụ nhu cầu của người dân.

Đến nay, hạ tầng băng rộng cáp quang đã phủ đến 90% hộ gia đình tại 3 xã. VNPT các huyện đã tối ưu vùng phủ sóng di động, hiện đang xây dựng thêm 1 trạm BTS tại xã Hà Sơn và bổ sung các Small Cell tại xã Nga An và Yên Thọ để nâng cao chất lượng phủ sóng tại các vùng sóng yếu, sóng lõm.

Hệ thống 77 camera giám sát cũng được lắp đặt tại các điểm công cộng, điểm tập trung đông người và kết nối về điểm giám sát tập trung tại Công an xã nhằm tăng cường công tác bảo đảm an ninh - trật tự công cộng, ngăn chặn các hành vi trộm cắp, xả rác bừa bãi ra môi trường.

VNPT các huyện cũng đã triển khai cáp quang, lắp đặt wifi cho tất cả các nhà văn hóa thôn, các trường học và các trạm y tế.

Anh Nguyễn Văn Hoạt, trưởng thôn Chí Phúc, xã Hà Sơn chia sẻ: “Từ khi nhà văn hóa thôn được lắp đặt Internet, sinh hoạt cộng đồng của Nhân dân nhộn nhịp và thường xuyên hơn trước đây. Buổi tối, bà con Nhân dân hoặc thanh niên trong thôn thường tập trung ở nhà văn hóa để tập luyện văn nghệ - thể thao, xem thời sự hoặc tổ chức các hoạt động tập thể. Chúng tôi đánh giá cao khi cả 8/8 thôn đều được lắp đặt Internet, phục vụ nhu cầu sinh hoạt chung của bà con”.

Xây dựng chính quyền số phục vụ Nhân dân


Công chức xã Hà Sơn (Hà Trung) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, việc xây dựng chính quyến số được triển khai tương đối đồng bộ. VNPT các huyện đã rà soát hệ thống máy tính, các thiết bị để bảo đảm an toàn, tránh lộ lọt thông tin. Hệ thống mạng LAN, wifi được tối ưu, nâng cao tính bảo mật thông tin. Hệ thống trang thông tin và ứng dụng chuyển đổi số cung cấp thông tin thường xuyên về hoạt động của chính quyền địa phương tới người dân, đồng thời cũng là kênh để người dân phản ánh, kiến nghị, đóng góp ý kiến với lãnh đạo xã. Việc sử dụng máy tính, thiết bị di động cũng như việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm số hóa công việc hàng ngày được cải thiện rõ nét, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

So sánh kết quả giữa trước và sau khi thực hiện chuyển đổi số, ông Phạm Văn Định, Chủ tịch UBND xã Hà Sơn cho biết: “Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của xã đã có những thay đổi rõ rệt. Hệ thống này được tích hợp chữ ký số trên hệ thống phần mềm để gửi, nhận văn bản điện tử. Xã cũng được cấp 2 chữ ký số nên chúng tôi có thể giải quyết công việc ở mọi lúc, mọi nơi kể cả khi đi công tác, nên mọi việc được giải quyết kịp thời, người dân không phải chờ đợi lâu".

Theo ông Định, rừ khi thực hiện chuyển đổi số, xã đã thực hiện nghiêm túc quy trình tiếp nhận và xử lý văn bản, không còn tình trạng tồn đọng trong tiếp nhận, xử lý văn bản như trước.

Cùng với đó, kỷ luật, kỷ cương hành chính cũng được siết chặt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chính quyền địa phương, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Hiệu quả kinh tế số, xã hội số


Chủ tịch UBND xã Hà Sơn (Hà Trung) báo cáo kết quả thực hiện thí điểm chuyển đổi số.

Để phát triển kinh tế số, VNPT Thanh Hóa đã tặng tem truy xuất nguồn gốc VNPT check để xác thực nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ thương hiệu sản phẩm cho doanh nghiệp, đồng thời hướng dẫn cài đặt phần mềm để thanh toán điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất.

Các doanh nghiệp cũng được hỗ trợ xây dựng website thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm trên môi trường mạng, thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm.

Anh Mai Văn Huy, chủ cơ sở sản xuất rau, củ, quả sạch xã Nga An cho biết: Thực hiện chương trình chuyển đổi số, gia đình tôi được tặng 11.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm VNPT check, được hỗ trợ chuyển đổi website giới thiệu sản phẩm của gia đình và đăng tải lên phần mềm kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn của tỉnh để quảng bá sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Lợi thế của tem truy xuất nguồn gốc giúp sản phẩm của gia đình không bị lẫn lộn với các sản phẩm khác bên ngoài thị trường. Vì thế, toàn bộ sản phẩm dưa vàng, dưa lưới, mướp đắng, bầu bí của gia đình sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó.

Tại xã Hà Sơn, VNPT Thanh Hóa đã tặng 5.000 tem truy xuất nguồn gốc VNPT check cho Hợp tác xã nấm An Sinh; xây dựng 2 website quảng bá khu du lịch tâm linh đền Cô Bơ, đền Hàn Sơn và 2 website quảng bá thương hiệu, sản phẩm cho Hợp tác xã nấm An Sinh và doanh nghiệp Thống Nhất.

Tại xã Yên Thọ, VNPT Thanh Hóa tặng 5.000 tem truy xuất nguồn gốc VNPT check và xây dựng website quảng bá thương hiệu, sản phẩm cho Hợp tác xã Trúc Phượng. Hiện nay, VNPT Như Thanh đang phối hợp với Hợp tác xã Trúc Phượng thu thập dữ liệu để đăng tải sản phẩm trên phần mềm kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn của tỉnh để giới thiệu đến đông đảo người tiêu dùng.


Lãnh đạo huyện Hà Trung đánh giá về kết quả thí điểm chuyển đổi số tại xã Hà Sơn.

Việc chuyển đổi số cũng được thực hiện khá tốt ở 2 lĩnh vực y tế và giáo dục. Về lĩnh vực y tế, trước đây các trạm y tế sử dụng rất nhiều phần mềm khác nhau, hệ thống báo cáo khác nhau. Từ khi thực hiện chuyển đổi số, việc tích hợp sử dụng 1 phần mềm duy nhất đã số hóa và liên thông hơn 40 loại báo cáo, sổ sách và liên thông tới cấp huyện, cấp tỉnh, góp phần giảm tải công việc hành chính cho các trạm. Toàn bộ dữ liệu dân số, số hộ của 3 xã triển khai thí điểm được cập nhật vào hệ thống là cơ sở để triển khai và quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân, đáp ứng được chủ trương lớn của Ngành Y tế.


Hiệu trưởng Trường THCS Nga An phát biểu về kết quả áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục.

Đối với lĩnh vực giáo dục, thầy Mai Chấn Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Nga An cho biết: Trước đây các nhà trường đều triển khai phần quản lý học sinh trong hệ sinh thái giáo dục thông minh. Trong quá trình thí điểm, VNPT Thanh Hóa đã bổ sung thêm các phần mềm trong hệ sinh thái giáo dục thông minh như thẻ điểm danh thông minh, phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục, tích hợp thanh toán học phí qua VNPT Pay.

Bên cạnh đó, VNPT Thanh Hóa còn cài đặt các ứng dụng vnEdu Teacher, vnEdu Connect để hỗ trợ giáo viên, phụ huynh cập nhật thông tin kịp thời, tăng sự tương tác giữa nhà trường và gia đình trong việc quản lý học sinh.


Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu sau kiểm tra tại xã Hà Sơn (Hà Trung).

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với VNPT Thanh Hóa đã đi kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chương trình chuyển đổi số cấp xã. Tại buổi kiểm tra, đồng chí Nguyễn Văn Tước, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định: Sau 5 tháng triển khai, kết quả đạt được bước đầu là rất đáng ghi nhận.

Để chuyển đổi số thành công, tiến tới nhân rộng ra các địa phương khác, các địa phương cần tiếp tục triển khai bài bản, mang lại hiệu quả thật sự. Trong đó, cần ưu tiên các dịch vụ thiết yếu phục vụ lợi ích của người dân như dịch vụ về y tế, giáo dục, thanh toán online, quảng bá nông sản, quảng bá di tích và các thế mạnh riêng của từng địa phương.

Mỗi cán bộ, công chức cần tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin để thay đổi phương thức làm việc, giảm sử dụng văn bản giấy tờ, giảm họp hành tập trung, tăng cường họp trực tuyến để dành thời gian xử lý công việc và phòng, chống dịch bệnh.

Cùng với đó, cần tiếp tục tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của chuyển đổi số, bởi sự vào cuộc tích cực của người dân là yếu tố quan trọng làm nên thành công của chương trình chuyển đổi số.

Nguồn: baothanhhoa.vn