Chuyển đổi số cấp xã thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị
Thực hiện nhiệm vụ được Bộ TT&TT giao, Cục Tin học hoá đã cùng đồng hành với các địa phương để triển khai chương trình thí điểm chuyển đổi số (CĐS) cấp xã trong thời gian vừa qua.
Triển khai Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (được ban hành tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã phối hợp với một số tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ thúc đẩy thí điểm CĐS tại một số làng/xã tại các địa phương nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thay đổi nhận thức về CĐS, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình nhằm đảm bảo hiệu quả trên quy mô toàn quốc.
Từ mô hình thí điểm
Ngay sau khi Chương trình CĐS quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tư duy đổi mới, thực tiễn “chuyển đổi số phải đi vào cuộc sống theo hình thức thực tế nhất, nơi càng khó khăn càng cần và càng dễ triển khai”, tháng 7/2020, Bộ TT&TT đã tìm hiểu, làm việc và lựa chọn 11 xã làm điểm đột phá thực hiện CĐS cấp xã với chương trình “Xây dựng xã thông minh”.
Việc triển khai “Xây dựng xã thông minh” được thực hiện theo mô hình thí điểm do Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT nghiên cứu hướng dẫn dựa trên 03 trụ cột: (1) Chính quyền số: gồm chuyển đổi số các hoạt động nội bộ của chính quyền và chuyển đổi số các hoạt động giao tiếp, cung cấp dịch vụ công cho người dân; (2) Kinh tế số: gồm hoạt động thương mại điện tử, du lịch số, quảng bá - thương hiệu số; (3) Xã hội số: bao gồm y tế số, giáo dục trực tuyến, dịch vụ xã hội số. Mô hình tổng thể các thành phần của xã thông minh được mô tả tại Hình 1.
Hình 1. Mô hình tổng thể các thành phần của xã thông minh
Trong quá trình triển khai, các chuyên gia Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT, phối hợp cùng một số doanh nghiệp (DN) đã đồng hành cùng 11 xã thực hiện 06 nhóm nhiệm vụ gắn liền với thực tiễn, cụ thể như sau:
|
11 XÃ/CẤP XÃ TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH THÍ ĐIỂM CĐS
- Xã Vi Hương huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn;
- Xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình;
- Xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên;
- Xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên;
- Khu ATK huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên;
- Xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị;
- Xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định;
- Xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang;
- Xã Sìn Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu;
- Xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình;
- Xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.
|
1. Đào tạo, nâng cao nhận thức: (i) Tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, cập nhật kiến thức về CĐS cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong xã; (ii) Tổ chức các buổi đào tạo về kỹ năng số, công nghệ số, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm, nền tảng số; (iii) Hỗ trợ, cung cấp cho cán bộ xã các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền về CĐS như Video clips, Posters, Power Points, Tài liệu hướng dẫn, v.v...
2. Phát triển Hạ tầng số: (i) Hỗ trợ thiết bị, máy chủ ảo, nâng cấp đường truyền, hoàn thiện hệ thống mạng LAN của chính quyền xã, mạng wifi tại địa điểm công cộng; (ii) Hỗ trợ phủ sóng điện thoại 3G, 4G; (iii) Kết nối mạng cáp quang, Internet, wifi đến các thôn, bản chưa được phủ sóng; (iv) Hỗ trợ camera giám sát các địa điểm quan trọng trong xã; (v) Triển khai giải pháp phòng, chống virut, mã độc, triển khai hỗ trợ bảo vệ an toàn, an ninh mạng theo mô hình đơn giản, phù hợp với cấp xã.
3. Đẩy mạnh xây dựng Chính quyền số: (i) Hoàn thiện và đẩy mạnh sử dụng các phần mềm liên thông từ trung ương, tỉnh, huyện đến xã; (ii) Triển khai Hệ thống số giao tiếp giữa chính quyền và người dân: Áp dụng công nghệ mới cho truyền thanh cơ sở, thiết lập kênh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật mới đến người dân, hướng dẫn cán bộ, nhân dân sử dụng ứng dụng Zalo để thông tin, tuyên truyền theo các nhóm, qua đó tăng cường tương tác giữa cán bộ và nhân dân, đặc biệt trong lĩnh vực phản ánh tố giác tội phạm, góp phần ổn định an ninh trật tự.
4. Phát triển Kinh tế số: (i) Tạo lập mã địa chỉ số Vpostcode cho các hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, làm nền tảng triển khai thương mại điện tử (TMĐT); (ii) Hỗ trợ, hướng dẫn người dân tiếp cận TMĐT: đưa các nông sản, sản vật đặc trưng của xã lên các sàn TMĐT (Shopee, Tiki, Voso, Postmart); (iii) Hướng dẫn người dân, hợp tác xã thực hiện các biện pháp marketing, bán hàng, xây dựng các kênh truyền thông trên mạng xã hội để mở rộng thương hiệu; (iv) Triển khai giải pháp hỗ trợ truy xuất nguồn gốc thông qua việc gắn tem số (bằng mã QR, ứng dụng công nghệ Blockchain) để tạo niềm tin cho khách hàng; (v) Hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các kênh thanh toán không dùng tiền mặt để giao dịch trực tuyến, hoặc tại các bộ phận một cửa.
Đào tạo sử dụng ứng dụng "Xã thông minh" cho các Trưởng thôn xã La Bằng, Đại Từ, Thái Nguyên Y tế thông minh Medici
5. Phát triển Xã hội số: (i) Triển khai y tế số, hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa qua nền tảng Teleheath: kết nối trạm y tế xã với mạng lưới hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa (trung tâm y tế huyện, bệnh viện đa khoa tỉnh và các bệnh viện hạt nhân tuyến trung ương); (ii) Triển khai ứng dụng tư vấn sức khỏe từ xa Tele Medici; (iii) Triển khai các giải pháp giáo dục số, hỗ trợ và thúc đẩy sử dụng các nền tảng quản lý, dạy và học trực tuyến tại các trường trên địa bàn các xã; (iv) Thúc đẩy người dân trang bị và sử dụng điện thoại thông minh, sử dụng các mạng xã hội Việt Nam, các dịch vụ số của Việt Nam.
6. Triển khai hệ thống điều hành thông minh cấp xã (COC): Triển khai thí điểm giai đoạn 1 của COC cấp xã, trong đó tập trung vào việc tổng hợp các chỉ tiêu kinh tế xã hội của xã và hiển thị hệ thống báo cáo qua các biểu đồ.
Tới kết quả khả quan bước đầu
Thực tế sau một thời gian triển khai, chỉ có 06 điểm bước đầu có kết quả gồm xã Vi Hương (tỉnh Bắc Kạn), xã Yên Hoà (tỉnh Ninh Bình), xã Hướng Phùng (tỉnh Quảng Trị), xã La Bằng, Sảng Mộc (tỉnh Thái Nguyên) và khu ATK huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên).
Trong đó đạt được kết quả nổi bật đến thời điểm hiện tại có các xã Vi Hương (tỉnh Bắc Kạn) và Yên Hòa (tỉnh Ninh Bình), xã La Bằng (tỉnh Thái Nguyên), xã Hướng Phùng (tỉnh Quảng Trị) các xã khác theo chương trình đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai do một số nguyên nhân như do dịch bệnh COVID-19, ảnh hưởng của thiên tai lũ lụt.
Xã viên HTX Thiên An, xã Vi Hương, Bắc Kạn đang thực hiện các thao tác xử lý đơn hàng TMĐT và thực hiện chuyển phát (Ảnhh: LP)
Ngoài ra rất nhiều tỉnh thành trên cả nước không thuộc chương trình thí điểm cũng đang đẩy mạnh công tác chuyển đổi số cấp xã như các tỉnh Hoà Bình, Lạng Sơn, Quảng Nam, Hà Tĩnh. Tuy nhiên cũng có địa phương đã khởi động triển khai nhưng sau đó dừng lại chưa tiếp tục do sự thiếu quyết liệt vào cuộc của địa phương.
Một số kết quả nổi bật từ CĐS tại các xã Yên Hoà (Ninh Bình) và Vi Hương (Bắc Cạn), xã La Bằng (Thái Nguyên) có thể kể đến như sau:
Về phát triển hạ tầng số
Sau gần nửa năm triển khai, đến nay hệ thống mạng LAN và kết nối Internet của UBND xã Yên Hoà được đầu tư cơ bản và tái cấu trúc lại theo tiêu chuẩn cơ bản, để đảm bảo an toàn, an ninh mạng; 100% các cán bộ của xã đều được trang bị máy tính và chữ ký số để ứng dụng trong công việc; Triển khai thêm được 28 camera nâng tổng số lên 43 camera an ninh để giám sát các thôn, địa điểm trọng yếu trên địa bàn xã. Tại xã La Bằng tỉnh Thái Nguyên cũng đã triển khai được 20 camera kết nối về trung tâm điều hành để tổ chức theo dõi, giám sát hoạt động.
Một số xã như Yên Hoà, xã Sảng Mộc, xã La Bằng đã phối hợp với Bưu điện triển khai xây dựng mã hóa địa chỉ của từng hộ gia đình, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn xã trên nền tảng bản đồ số nhằm mục đích nâng cao chất lượng phục vụ, gắn liền với phát triển TMĐT. Đến thời điểm hiện tại xã Yên Hoà đã số hoá được 100% các địa chỉ, xã La Bằng số hoá được 1.147 địa chỉ, xã Sảng Mộc đang thực hiện tiếp do địa hình phức tạp của xã.
Về chính quyền số
Tại xã Yên Hoà, từ tháng 09/2020 đến nay, toàn bộ 100% các văn bản đã được nhận và xử lý kịp thời qua mạng, các văn bản đi đã được ký số 100%. Hệ thống một cửa điện tử tiếp nhận 1297 hồ sơ (trong đó 967 hồ sơ ở mức độ 2,312 hồ sơ trực tuyến ở mức độ 3,18 hồ sơ trực tuyến ở mức độ 4). Từ thời điểm triển khai đến nay tất cả các hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, xử lý qua hệ thống một cửa điện tử của xã, giúp cho công tác theo dõi chỉ đạo, số hoá tài liệu hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính thuận tiện, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ và địa phương.
Tại xã Sảng Mộc tỉnh Thái Nguyên, đến thời điểm hiện tại 100% văn bản được gửi nhận trên hệ thống quản lý văn bản, 90% cán bộ đã sử dụng chữ ký số trong công tác xử lý, gửi nhận văn bản. Đối với các xã khác, các nội dung đang được đẩy mạnh tập trung vào các nội dung tiếp nhận, xử lý văn bản qua mạng, tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính qua phần mềm một cửa.
Tại các xã đã triển khai CĐS, UBND cấp xã đã thiết lập được nhiều kênh giao tiếp, cung cấp thông tin với người dân như qua trang thông tin điện tử, qua các nhóm zalo, qua hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng AI, qua các ứng dụng công dân số, qua các đầu số đã đăng ký... từ đó giúp tăng cường công tác, chỉ đạo, điều hành và tương tác với người dân.
Về kinh tế số
HTX Thiên An tại xã Vi Hương, Bắc Kạn đã được triển khai nền tảng kết nối TMĐT Agriconnect tạo và kết nối, quản lý gian hàng trên 4 sàn TMĐT lớn của nước ta hiện nay gồm: Tiki, Shopee, Voso và Postmart (được Tập đoàn Công nghệ CMC hỗ trợ). Với nền tảng này, HTX Thiên An dễ dàng quản lý các sản phẩm, đơn hàng, giao vận mà không cần phải thực hiện các thao tác quản lý trên nhiều sàn TMĐT khác nhau. Đồng thời, Hợp tác xã triển khai ứng dụng truy xuất nguồn gốc blockhaicn và 9000 tem truy xuất nguồn gốc bằng mã QR code.
Người dân xã Yên Hòa quét mã QR để tải ứng dụng
Tại Yên Hòa UBND xã đã phối hợp với Bưu điện Việt Nam triển khai đưa các sản phẩm của xã lên sàn TMĐT PostMart nhằm đa dạng hóa các kênh cung ứng sản phẩm trên thị trường. Hiện nay, đã đưa được một số mặt hàng, sản phẩm theo chương trình OCOP lên trên sàn để giao dịch (cá chạch sụn kho, chạch sụn sấy khô, chạch chiên, chuối tây sấy dẻo...), các sản phẩm cũng đã được dán tem truy xuất nguồn gốc. Đời sống người dân của cán bộ HTX của 02 xã đã được cải thiện, sản lượng bán hàng tăng gấp 4 - 5 lần; thu nhập mỗi thành viên của hợp tác xã tăng từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng lên 4 - 5 triệu đồng/tháng.
Tại khu ATK Định Hóa, Thái Nguyên với sự hỗ trợ của công ty IOTLink đã thực hiện phần mềm du lịch thông minh hỗ trợ thực hiện CĐS tại ATK Định Hóa tỉnh Thái Nguyên, cụ thể là xây dựng bản đồ số 2D, 3D và VR 360 tại khu di tích ATK Định Hóa, và cung cấp dịch vụ tại địa chỉ https://atk.vimap.vn/
Về xã hội số
Tại xã Vi Hương - Bắc Kạn, đã triển khai lắp đặt hệ thống cầu truyền hình và trang bị 01 Bộ thiết bị y tế khám chữa bệnh từ xa chuyên dụng cho trạm y tế xã phục vụ kết nối Trạm Y tế xã Vi Hương với Trung tâm Y tế huyện Bạch Thông, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn và với các bệnh viện hạt nhân tuyến trung ương. (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội...). Tại các xã như xã Yên Hoà, xã La Bằng, xã Sảng Mộc trạm y tế cấp xã bước đầu đã được đầu tư những thiết bị cơ bản (chưa bao gồm thiết bị y tế khám chữa bệnh) gồm máy tính, hệ thống thiết bị ngoại, camera để kết nối với hệ thống Tele Health với các bệnh viện tuyến trên.
Tại xã Yên Hoà, ngoài nội dung triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa, đã triển khai thêm nội dung tư vấn khám sức khỏe từ xã thông qua ứng dụng Medici, nhóm “Yên Hòa hỏi - Bác sĩ trả lời” và tư vấn khám chữa bệnh từ xã Telehealth. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 2.343 lượt tư vấn qua tổng đài, nhóm “Yên Hòa hỏi - Bác sĩ trả lời” đã có khoảng 1547 thành viên, dự kiến số tiền đã tiết kiệm được trong thời gian qua khoảng 200 triệu đồng cho nhân dân so với chi phí khám thông thường. Ngoài xã Yên Hòa, xã Hướng Phùng của tỉnh Quảng Trị, cũng đang tích cực triển khai nội dung này sau khi khắc phục các hậu quả của thiên tai trong năm 2020.
Đối với các nội dung về giáo dục thì các xã trên cũng đã đưa nhiều phần mềm trong lĩnh vực giáo dục để triển khai tại các trường trên địa bàn các xã như các phần mềm học trực tuyến, phần mềm phục vụ công tác quản lý giáo dục, phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục, phần mềm tuyển sinh đầu cấp ...
Triển khai hệ thống điều hành thông minh cấp xã (COC)
Tại các xã Yên Hòa và La Bằng, đã triển khai việc tổng hợp các chỉ tiêu kinh tế xã hội quan trọng trong thời gian gần đây lên hệ thống COC cấp xã và hiển thị các chỉ tiêu kinh tế xã hội này dưới dạng các biểu đồ (có sự đối chiếu, so sánh, hiển thị,...). Với việc triển khai thí điểm giai đoạn 1, các chỉ tiêu này đã góp phần giúp cho Lãnh đạo cấp xã theo dõi một cách trực quan các chỉ tiêu này và hỗ trợ cho công tác chỉ đạo điều hành.
Trong thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu tích hợp thêm các nội dung dịch vụ số khác để đáp ứng đúng tiêu chí trung tâm điều hành thông minh cấp xã.
Bài học kinh nghiệm
Sau gần 01 năm triển khai thí điểm Chương trình CĐS cấp xã “Xã thông minh”, 06 bài học, kinh nghiệm được đúc rút để nâng cao hiệu quả hiệu quả triển khai nhân rộng cho giai đoạn tới bao gồm:
1- Yếu tố con người đóng vai trò quyết định, CĐS là chuyển đổi về nhận thức: các xã triển khai thành công đều có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự thống nhất của Giám đốc Sở TT&TT các tỉnh, Bí thư, chủ tịch Huyện, Bí thư và Chủ tịch Xã cũng như Bí thư, Chủ tịch các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn xã. Đây là những người nhiệt tình, có khả năng kết nối, giải quyết dứt điểm công việc, không cần phải là người thành thạo về công nghệ, nhưng luôn có mong muốn tìm hiểu, học hỏi, triển khai quyết liệt.
2- Văn bản hóa nhanh, kế hoạch chi tiết, huy động được các đoàn thể tham gia: UBND cấp xã chủ động thành lập Ban chỉ đạo triển khai; Ban hành Kế hoạch triển khai và vừa thực hiện vừa điều chỉnh kịp thời; Ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Cục Tin học hóa và Sở TT&TT; Sở TT&TT liên tục ra văn bản hướng dẫn và đôn đốc; UBND cấp huyện tổ chức giao ban hàng tháng, hàng tuần đều kiểm tra, đôn đốc tiến độ; Huy động được sự tham gia của Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ ở các cấp trong việc triển khai.
3- Công nghệ không phải vấn đề, mấu chốt là phải tìm ra bài toán để giải quyết một cách bền vững: trong phạm vi thí điểm, việc hỗ trợ chủ yếu là mang các công nghệ đơn giản, có sẵn để giải quyết vấn đề tại địa phương. Vấn đề quan trọng là tìm ra những bài toán có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, đến đời sống hàng ngày để giải quyết, mang lại hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thì sẽ được đón nhận, lan tỏa, sẽ tiếp tục thành công sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm. Ví dụ: tạo lập nhóm Zalo để trao đổi, chia sẻ các vấn đề từ an ninh trật tự tới chia sẻ kinh nghiệm, đầu mối bán hàng,... đã rất hiệu quả, được người dân và cán bộ hưởng ứng.
4- Chuyển đổi số ở cấp cơ sở nên bắt đầu từ người trẻ tuổi, đoàn thanh niên: những người này dễ dàng tiếp cận công nghệ, giúp để triển khai nhanh, tạo lan tỏa và bền vững. Qua đó sẽ giúp người dân nâng cao nhận thức, tự khám phá và tìm tòi các dịch vụ công nghệ số khác trên thế giới số, từ đó trực tiếp hướng dẫn, chia sẻ kiến thức trong cộng đồng dân cư, trong cơ quan chính quyền.
5- Huy động được sự tài trợ của các DN công nghệ số: với chủ trương, cũng như sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo các cấp ở địa phương, cũng như sự phối hợp với Bộ TT&TT đã huy động được sự tham gia của tất cả các DN trên địa bàn tỉnh, không chỉ DN trong lĩnh vực thông tin truyền thông mà còn cả các doanh nghiệp bên ngoài. Các doanh nghiệp số (Viettel, VNPT, Hanoi Telecom, IOT Link, Vbee, VnPost, CMC, Công ty Medici,...) đã hỗ trợ trải nghiệm miễn phí các nền tảng, ứng dụng trong thời gian đầu, đào tạo, hướng dẫn và chuyển giao công nghệ cho những người trẻ để hướng dẫn, lan tỏa đến người dân trong xã.
6- Mô hình triển khai cần đơn giản, tập trung vào các thành phần cốt lõi: Mô hình đề xuất sau khi rút kinh nghiệm triển khai được trình bày tại Hình 2.
Hình 2. Mô hình tổng quát CĐS cấp xã
Mô hình mới tập trung vào các thành phần, nội dung cốt lõi:
- Đối với xây dựng Chính quyền số: (1) Xây dựng hạ tầng số để đáp ứng cho việc triển khai thuận lợi việc xây dựng Chính quyền số; (2) Triển khai các ứng dụng phục vụ cho xây dựng Chính quyền số; (3) Đào tạo, tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ.
- Đối với phát triển Kinh tế số: (1) Phát triển TMĐT; (2) Triển khai thanh toán điện tử; (3) Triển khai du lịch/nông nghiệp thông minh.
- Đối với triển khai Xã hội số: tiếp tục triển khai có điều chỉnh các nội dung: (1) Triển khai các dịch vụ giáo dục thông minh; (2) Triển khai các dịch vụ y tế thông minh; (3) Triển khai các dịch vụ viễn thông, CNTT; (4) Tuyên truyền, phổ biến quảng bá các sản phẩm, dịch vụ trên môi trường mạng.
Thay lời kết
CĐS cấp xã là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ giúp thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, giúp xoá đi ranh giới giữa người dân ở hai khu vực và thực hiện đúng như quan điểm “lấy người dân làm trung tâm” theo định hướng của kế hoạch CĐS quốc gia.
Tuy nhiên việc CĐS cấp xã là một việc khó, là một quá trình lâu dài để thay đổi từ tư duy, nhận thức của cả người dân, cũng như các cán bộ cấp xã, nó đòi hỏi sự vào cuộc, sự quan tâm và sát sao của Lãnh đạo các cấp tại địa phương, cũng như sự sáng tạo, quyết tâm của Lãnh đạo cấp xã. Các nội dung triển khai trong chương trình thí điểm chỉ là những nội dung cơ bản, từ các nội dung của chương trình, các địa phương có thể mở rộng các nội dung triển khai xoay quanh 3 "C" là Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số để có thể thu được nhiều kết quả tốt hơn trong thời gian tới.
Nguồn: ictvietnam.vn