Chuyển đổi số là giải pháp duy nhất cho sự phát triển bền vững của ngành Phát thanh Truyền hình
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử (PTTH&TTĐT) đang nghiên cứu, xây dựng kế hoạch hướng dẫn về chuyển đổi số ngành Phát thanh, Truyền hình; phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ cung cấp nền tảng và các đơn vị truyền thông để có được những giải pháp công nghệ ứng dụng vào chuyển đổi số của các đơn vị trong ngành PTTH. Đồng thời, trong thời gian tới, Cục cũng sẽ tổ chức các hội thảo, chia sẻ thông tin cho các đồng chí Lãnh đạo quản lý, phóng viên, biên tập viên của các đài PTTH để hiểu rõ hơn về chuyển đổi số và sẵn sàng tham gia vào quá trình này.
Ông Nguyễn Thành Chung, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông)
Về vấn đề này, phóng viên Tạp chí Thông tin & Truyền thông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Chung, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông).
PV: Xin ông cho biết chuyển đổi số có ý nghĩa như thế nào đối với ngành Phát thanh Truyền hình?
Ông Nguyễn Thành Chung: Có thể nói, tương lai của ngành Phát thanh, Truyền hình sẽ là “phát thanh thông minh”, “truyền hình thông minh” gắn liền với việc ứng dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo. Chuyển đổi số là giải pháp duy nhất cho sự phát triển bền vững của ngành PTTH. Đối với từng cơ quan hoạt động Phát thanh, Truyền hình (hay gọi tắt là Đài Phát thanh, Truyền hình), chuyển đổi số sẽ giúp tạo ra sự khác biệt. Và trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay thì chỉ có sự khác biệt mới giúp các Đài tồn tại hay nói cách khác sự khác biệt sẽ mang lại sự phát triển cho Đài.
PV: Vậy theo ông, chuyển đổi số trong ngành Phát thanh Truyền hình nên tập trung vào những hoạt động nào?
Ông Nguyễn Thành Chung: Nhiều Đài Phát thanh, Truyền hình đã có quá trình ứng dụng công nghệ số vào hoạt động của mình từ nhiều năm trở lại đây, như Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC và rất nhiều Đài phát thanh, truyền hình địa phương như Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, Đài Phát thanh, Truyền hình Vĩnh Long, Nghệ An, Hải Phòng, … Chuyển đổi số là một bước tiến vượt trội so với ứng dụng công nghệ số, làm thay đổi các quy trình, hoạt động của Đài theo hướng tạo ra giá trị nhiều hơn. Chuyển đổi số sẽ giúp các Đài có thể làm được nhiều hoạt động trước đây các Đài không thể làm được hoặc nếu làm bằng cách truyền thống thì sẽ không khả thi do tốn kém rất nhiều chi phí về tài chính, con người… Nhờ chuyển đổi số hiệu quả hoạt động của Đài sẽ tăng lên.
Hoạt động chuyển đổi số của mỗi Đài Phát thanh, Truyền hình nên tập trung vào vấn đề gì thì về nguyên tắc phải do chính Đài đó xác định mới mang lại hiệu quả cho Đài. Tuy nhiên, các Đài có thể căn cứ vào cụ thể quy trình hoạt động, quy trình quản trị nội bộ để xác định các vấn đề chính cần ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số như: Mô hình quản trị khép kín quá trình từ tổ chức sản xuất đến phát sóng các tác phẩm PTTH trên nền tảng số; Việc ứng dụng công nghệ số để quản lý nội dung các đề tài tránh trùng lặp, đánh giá đúng và sát nhu cầu của người xem, bám sát nhiệm vụ chính trị của Nhà nước và bám sát hơi thở của cuộc sống xã hội; Ứng dụng công nghệ số trong việc nắm bắt kịp thời các nhiệm vụ chính trị, các thông tin tuyên truyền từ các cơ quan lãnh đạo, các cơ quan phụ trách ngành, lĩnh vực để có thể nhanh chóng tiếp cận nội dung một cách kịp thời, chính xác; Hoặc một vấn đề được rất nhiều đài PTTH quan tâm đó là việc lưu trữ và khai thác sử dụng tư liệu. Có rất nhiều tư liệu quý, nhưng trước đây do công nghệ chưa phát triển hoặc khó khăn về mặt kinh tế, nên việc đầu tư cho những hệ thống lưu trữ dữ liệu còn hạn chế.Vì vậy, chuyển đổi số trong vấn đề này chính là ứng dụng công nghệ và những giải pháp phục vụ cho việc lưu trữ, quản trị khai thác và đặc biệt là các tính năng giúp cho các cán bộ phóng viên, biên tập viên, đạo diễn có thể tìm kiếm, khai thác được tư liệu, chất liệu phù hợp với nội dung đề tài nhanh chóng, chính xác và thậm chí có thể tìm thấy các tư liệu gợi mở thêm cho biên tập viên một cách nhìn mới, thấu đáo, toàn diện hơn về vấn đề đang quan tâm, …
Có thể hiểu việc chuyển đổi số trong lĩnh vực PTTH là ứng dụng các công nghệ nền tảng, phần mềm và sử dụng kho dữ liệu số hóa để nâng cao tốc độ khai thác thông tin, biên tập, sản xuất tin, bài và giúp các phóng viên, biên tập viên dễ dàng tác nghiệp từ xa và sản xuất cùng lúc các loại hình đa phương tiện.
PV: Trong hoạt động sản xuất chương trình của các Đài, có một khâu rất quan trọng là công tác biên tập, đánh giá, duyệt nội dung chương trình. Việc ứng dụng công nghệ số của các Đài trong công tác này hiện nay ra sao thưa ông?
Ông Nguyễn Thành Chung: Trong hệ thống tác nghiệp của Đài PTTH có một công tác rất quan trọng đó là biên tập và tổng duyệt để đảm bảo nội dung đúng định hướng, chủ trương chính sách của Đảng - Nhà nước và không vi phạm pháp luật. Hiện nay, công tác này đang được nhiều Đài thực hiện theo cách truyền thống, người duyệt trực tiếp ngồi xem, việc áp dụng các hệ thống máy móc, ứng dụng các công nghệ số vẫn chưa nhiều. Về công nghệ các Đài cũng đã áp dụng nhưng mới chỉ là hỗ trợ cho quá trình chuyển tải các chương trình từ bộ phận này đến bộ phận kia hay chuyển tải những ý kiến từ bộ phận này đến bộ phận kia, giống như dùng email mang tính chất truyền tải, chưa có các công nghệ phân tích sâu hơn về nội dung chương trình. Hiện nay đã có những công nghệ khai thác dữ liệu lớn và ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho phép đánh giá nội dung chương trình một cách tự động, phần mềm sẽ giúp chúng ta có thể phát hiện các nội dung không phù hợp, nội dung sai phạm, không đúng tôn chỉ mục đích một cách nhanh chóng và có độ chính xác cao. Như vậy chỉ cần một người hoặc rất ít người có thể đánh giá được khối lượng chương trình rất lớn trong ngày.
PV: Đối với hoạt động phát sóng, chuyển đổi số sẽ diễn ra thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Thành Chung: Để tạo ra được những chương trình phát thanh truyền hình hay cần có hệ thống trang thiết bị kỹ thuật chất lượng và nội dung đề tài hấp dẫn. Nhưng để phù hợp với người nghe, người xem thì khi sản xuất và phát sóng chương trình còn phải hướng đến thiết bị đầu cuối mà người dân sử dụng.
Theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 thì chúng ta sẽ phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh. Trong những năm tới, trung bình mỗi người sẽ có một điện thoại thông minh, thói quen và nhu cầu của khán giả truyền hình sẽ thay đổi theo hướng cá nhân hóa và xem trên các thiết bị di động. Hạ tầng phát sóng sẽ chuyển dịch sang môi trường số, đòi hỏi chương trình sản xuất phải phù hợp với đa nền tảng thiết bị công nghệ. Điều đó, đòi hỏi các đài PTTH cần phải có những chiến lược phù hợp, Bộ TT&TT cũng cần có những hướng dẫn, tư vấn về công nghệ, về mô hình phát triển cho các đài PTTH.
PV: Thế còn chuyển đổi số trong công tác quản trị nội bộ của Đài thì sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Thành Chung: Một trong các yếu tốt có tác động lớn nhất tới mỗi cơ quan, tổ chức đó là con người. Tổ chức chỉ mạnh khi có những con người tốt và biết bố trí, sắp xếp đúng người, đúng việc, tạo ra động lực khuyến khích mọi người cùng nỗ lực, phát triển. Đối với các Đài, việc xây dựng hệ thống đánh giá kết quả hoạt động của cán bộ đã được quan tâm từ rất nhiều năm nay và vấn đề đặt ra là làm sao đánh giá được chất lượng tác phẩm, hiệu quả công việc của phóng viên, biên tập viên, người lao động một cách công bằng, chính xác. Do đó, nếu hệ thống đánh giá công việc được ứng dụng số với các chỉ số đo đạc cụ thể rõ ràng thì việc đánh giá sẽ bảo đảm kịp thời, khách quan hơn.
Ngoài ra, việc chuyển đổi số mạnh trong hoạt động quản lý tài chính, tài sản sẽ giúp cho các Đài tiết giảm được chi phí, cắt giảm các khâu chồng chéo, không cần thiết, giúp cho Đài hoạt động linh hoạt hơn và góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động.
PV: Trong thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ làm gì để hỗ trợ các Đài PTTH chuyển đổi số thành công?
Ông Nguyễn Thành Chung: Để hỗ trợ các đài PTTH trong quá trình chuyển đổi số, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Cục PTTH&TTĐT đang triển khai một số hoạt động như: Thứ nhất là, phối hợp với các cơ quan chức năng để nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn cụ thể về chuyển đổi số cho các đài PTTH tham khảo; Thứ hai là, Cục PTTH&TTĐT sẽ làm việc với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp công nghệ cung cấp nền tảng và các đơn vị truyền thông để có được những giải pháp công nghệ ứng dụng vào chuyển đổi số của các đơn vị trong ngành PTTH; Thứ ba là, tổ chức các hội thảo, chia sẻ thông tin cho các đồng chí Lãnh đạo quản lý, phóng viên, biên tập viên của các Đài PTTH để nâng cao hiểu rõ hơn về chuyển đổi số và sẵn sàng tham gia vào quá trình này.
Đồng thời, Cục PTTH&TTĐT được Lãnh đạo Bộ giao nhiệm vụ cùng với các đơn vị báo chí của Bộ nghiên cứu xây dựng hệ thống lưu chiểu PTTH quốc gia. Trong hệ thống lưu chiểu quốc gia này, Cục PTTH&TTĐT sẽ nghiên cứu đề xuất triển khai các tính năng khai thác - đánh giá - chia sẻ để hệ thống có thể đánh giá, phân tích và tổng hợp được toàn bộ thông tin phát triển của ngành PTTH, phục vụ hoạt động quản lý, xây dựng chính sách dựa trên số liệu cụ thể và chính xác, đồng thời là cơ sở hướng dẫn các Đài PTTH chuyển đổi số thành công.
Xin cảm ơn Ông!
Nguồn: Tạp chí TT&TT