Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói về phát triển số, kinh tế số
Phát triển xanh và phát triển số là giải pháp phù hợp nhất trong giai đoạn hiện nay và là sự phát triển chủ đạo của nửa đầu thế kỷ 21 để đất nước phát triển nhanh và bền vững. Cổng TTĐT Bộ TT&TT xin trân trọng giới thiệu tới độc giả bài viết của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng về vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Phát triển nhanh và bền vững thì giải pháp phù hợp nhất trong giai đoạn hiện nay là phát triển xanh và phát triển số, vì nó tiêu tốn ít tài nguyên nhất. Các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng tập trung chủ yếu cho phát triển xanh và số. Đổi mới sáng tạo thì cũng chủ yếu là trong lĩnh vực xanh và số. Phát triển xanh và phát triển số có thể coi là sự phát triển chủ đạo của nửa đầu thế kỷ 21. Quốc gia nào muốn bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng thì phải tận dụng cơ hội này. Nhưng phải là đi trước người khác, đi trước quốc gia khác.
Phát triển kinh tế số và xã hội số thì cần một hạ tầng số hiện đại. Hạ tầng vật chất thì cần nhiều chục năm, cần rất nhiều tiền. Nhưng hạ tầng số thì có thể nhanh hơn nhiều, có thể chỉ một vài năm, và chi phí cũng nhỏ hơn hàng chục lần. Ngành TT&TT đặt mục tiêu hạ tầng số của Việt Nam sẽ vào top 30 thế giới trước năm 2025. Chiến lược phát triển Hạ tầng số Việt Nam mà Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành trong năm 2021 đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là hạ tầng số phải đi trước, phải lọt vào top đầu, để tạo nền tảng cho phát triển nhanh kinh tế số và xã hội số.
Kinh tế số hiện đang chiếm 15% GDP toàn cầu, tỷ lệ này của Mỹ là 21%, Trung Quốc là 30%, cao cấp 1,5 lần Mỹ. Tức là nước đi sau thì lại đi trước. Kinh tế số của Việt Nam là khoảng 10%. Chúng ta đặt mục tiêu 20% vào năm 2025. Để đạt mục tiêu này thì kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3-4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20-25%/năm. Nếu chúng ta tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 30%/năm như trong giai đoạn 2015-2020 thì kinh tế số của Việt Nam có thể chiếm tới 25% GDP vào năm 2025.
Lời giải của mục tiêu này nằm trong Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tháng 6 năm 2020 và Chiến lược Phát triển kinh tế số và xã hội số mà Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt trong Quí 3 năm 2021. Nếu nói gọn lại về lời giải này thì là sự kết hợp của thị trường mạnh và nhà nước mạnh. Thị trường thì mạnh trong ngắn hạn còn nhà nước thì phải mạnh trong dài hạn, mạnh về tầm nhìn xa trông rộng, dùng chi tiêu công và đầu tư công, khoảng 1-1,5% ngân sách hàng năm, để kích hoạt và dẫn dắt mọi nguồn lực xã hội tham gia phát triển kinh tế số và xã hội số.
Bất kỳ quốc gia nào đã hoá rồng, hoá hổ thì đều dựa vào sức mạnh tinh thần là chính. Mà sức mạnh này chỉ được kích hoạt khi quốc gia đó có một giấc mơ lớn, một khát vọng lớn. Đại hội XIII của Đảng lần đầu nói đến việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc. Nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam, của truyền thông Việt Nam là khơi dậy khát vọng này ở tất cả mọi người dân Việt Nam, và từ khát vọng này thành sức mạnh tinh thần, và từ sức mạnh tinh thần này thành hành động phát triển đất nước.
Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông