Chuyển đổi số bắt đầu từ nhận thức đúng
Chuyển đổi số giờ đây đã trở thành một khái niệm phổ biến. Tuy nhiên, có một thực tế là không nhiều người hiểu được bản chất của chuyển đổi số là gì? Do đó, để chuyển đổi số thành công, bên cạnh các yếu tố về công nghệ, trước hết cần “chuyển đổi nhận thức” trước khi hành động để tránh sai lầm.
Bác Phạm Văn Cảnh, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng thôn Lập Thắng, xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc (bên trái) hướng dẫn người dân cài đặt các phần mềm chuyển đổi số.
Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3-6-2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Bên cạnh đó, chương trình cũng xác định quan điểm: nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; người dân là trung tâm của chuyển đổi số; thể chế và công nghệ là động lực của chuyển đổi số; phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả; bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số. Mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về công nghệ thông tin đều có cấu phần bắt buộc về an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Xác định quan điểm: nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; chuyển đổi số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, từ cuối tháng 3-2022, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương thành lập và triển khai hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng ở mỗi khu phố, thôn, bản nhằm mục tiêu tuyên truyền để người dân nhận thức rõ, đúng, về chuyển đổi số, đồng thời đưa công nghệ số nhanh chóng lan tỏa đến mọi mặt của đời sống và đến từng người dân.
Là địa phương đầu tiên trong tỉnh được Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho các cán bộ, công chức cấp xã, thôn, bản, khu phố trên địa bàn, hiện nay huyện Ngọc Lặc đã có 213 tổ công nghệ số cộng đồng.
Đối với nhiều cán bộ khu phố, thôn, bản tham gia tổ công nghệ số cộng đồng tuy là nhiệm vụ mới mẻ và không dễ tiếp cận, nhưng họ đều nỗ lực học hỏi với quyết tâm để giúp mọi người cùng thay đổi, bắt nhịp xu hướng số.
Ông Phạm Văn Cảnh, Trưởng thôn Lập Thắng, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc), thành viên tổ công nghệ số cộng đồng thôn Lập Thắng cho biết: “Mặc dù đã lớn tuổi nhưng tôi vẫn cố gắng tìm tòi, học hỏi về công nghệ để hướng dẫn lại cho bà con, qua đó giúp bà con hiểu hơn về lợi ích của chuyển đổi số. Thôn Lập Thắng hiện có 142 hộ với 670 khẩu, tôi đã cùng với các thành viên khác trong tổ công nghệ số cộng đồng thôn hướng dẫn bà con cài đặt các phần mềm để tra cứu lịch sử tiêm chủng COVID-19, phần mềm của bảo hiểm xã hội, đọc tin tức về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự trên trang thông tin điện tử của địa phương, tuyên truyền cho bà con hiểu về lợi ích từ việc thanh toán tiền điện, tiền nước trên điện thoại, hay quảng bá các sản phẩm đặc sản của địa phương trên các sàn thương mại điện tử để bán hàng được nhiều hơn... đây là một trong những cách tuyên truyền để người dân từng bước tham gia vào công cuộc chuyển đổi số”.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Tước cho biết: Thông qua chương trình tập huấn, các cán bộ, công chức cấp xã, thôn, bản, khu phố sẽ nắm được kiến thức cơ bản về chuyển đổi số để từ đó thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sản xuất và người dân trên địa bàn sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào cuộc sống.
Chuyển đổi số sẽ chuyển đổi mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lao động. Theo đó, cả người lao động và người sử dụng lao động cũng cần nhận thức đúng đắn và đầy đủ về chuyển đổi số. Doanh nghiệp phải thay đổi cách vận hành truyền thống để phù hợp với xã hội số. Và người lao động cũng phải thay đổi cách làm để có thể thích nghi.
Ông Nguyễn Xuân Thiên, Giám đốc HTX cơ giới hóa nông nghiệp Đông Tiến, xã Đông Tiến (Đông Sơn), chia sẻ: Để chuyển đổi số thành công trong doanh nghiệp thì nhận thức về chuyển đổi số của chủ doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, họ chính là người “dẫn dắt” doanh nghiệp chuyển đổi số đúng hướng. Bên cạnh đó, nhận thức của người lao động cũng cần phải thay đổi, mỗi người phải nhận thấy rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong công cuộc chuyển đổi số. Người lao động phải nhận thức được nếu họ không thay đổi, không chủ động nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp cận công nghệ mới thì sẽ không đáp ứng được công việc và như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như việc làm, thu nhập của chính bản thân mình để từ đó nỗ lực hơn, trách nhiệm hơn trong công việc.
Thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, cùng với việc nỗ lực thay đổi nhận thức của người dân, cán bộ công chức, doanh nghiệp... tỉnh Thanh Hóa cũng đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi thể chế số, hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số... phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đến năm 2030 tiếp tục trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số. Để đạt được mục tiêu đề ra, mỗi người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức... cần thay đổi mạnh mẽ nhận thức về chuyển đổi số để không bỏ lỡ cơ hội phát triển.
Nguồn: baothanhhoa.vn