• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 9

    Hôm nay: 643

    Đã truy cập: 8305149

Đổi mới tư duy và hành động trong thực hiện cải cách hành chính

Nhiều năm trước đây, Thanh Hóa liên tục xếp ở nhóm cuối của cả nước về các chỉ số cải cách hành chính (CCHC). Để khắc phục tình trạng này, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện với nhiều mô hình, cách làm mới chưa có trong tiền lệ. Từ việc nhận diện đúng những hạn chế còn tồn tại, Thanh Hóa từng bước khắc phục và đã gặt hái được nhiều kết quả nổi bật.


Công chức bộ phận “một cửa” UBND thị xã Bỉm Sơn giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Với tư duy đổi mới, nhiều nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch lớn về đẩy mạnh CCHC được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Đặc biệt, Thanh Hóa lần đầu tiên đưa mục tiêu “nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước” về các chỉ số PCI, PAR INDEX, SIPAS và PAPI vào kế hoạch hành động thực hiện “Khâu đột phá đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn” giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là lần đầu tiên Thanh Hóa đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030 tiếp tục trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Điều này thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cả hệ thống chính trị vì lợi ích của Nhân dân.

Để chinh phục được các mục tiêu đặt ra, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo đẩy mạnh CCHC, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Thanh Hóa; Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử; Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; Ban xúc tiến đầu tư đặc biệt; Ban chỉ đạo cải thiện chỉ số PCI tỉnh. Thanh Hóa cũng đã ban hành Bộ tiêu chí và phương pháp xác định chỉ số CCHC của các ban, sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố; Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các ban, sở, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh. Thanh Hóa đã xây dựng và ban hành Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI) để truyền “lửa cải cách”, để các đơn vị “thi đua” lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu của mọi sự phục vụ. Thanh Hóa cũng thực hiện chấm điểm chỉ số CCHC của các ban, sở, ngành và UBND các huyện, thị, thành phố, “buộc” các cơ quan công quyền phải thay đổi tư duy, hành động quyết liệt hơn nữa.

Công tác giám sát CCHC, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thường trực HĐND tỉnh cũng được thực hiện toàn diện, rộng khắp để nắm bắt kịp thời các vấn đề còn tồn tại và nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo ra địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, năm 2022, Thường trực HĐND tỉnh đã thành lập 4 đoàn và tiến hành giám sát tại 21 cơ quan, đơn vị, địa phương; Sở Nội vụ cũng phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh kiểm tra công tác CCHC đối với 16 đơn vị. Cùng với đó, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành hàng trăm văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của tỉnh, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức và người dân, đồng thời ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phân công theo dõi để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ CCHC tại địa phương, đơn vị mình. Có thể thấy, chưa thời kỳ nào mà nội dung CCHC lại được cấp ủy, chính quyền các cấp, sở, ngành liên quan nỗ lực chỉ đạo và thực thi như những năm gần đây.

Bầu không khí đổi mới cùng sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến cơ sở đã truyền “lửa cải cách” đến từng cán bộ, công chức, viên chức, tạo nên nhiều dấu ấn nổi bật trong công tác CCHC. Theo đó, Thanh Hóa là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước ban hành các nghị quyết, chỉ thị về chuyển đổi số và là địa phương nằm trong nhóm đầu của cả nước về hiện đại hóa hành chính (xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố). Hạ tầng số được quan tâm đầu tư phát triển hiện đại, đồng bộ, thông suốt giữa cấp ủy, chính quyền các cấp và trong nội bộ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, đảm bảo các điều kiện để triển khai nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Hạ tầng viễn thông, internet được phủ sóng đến hầu hết các thôn, bản; tỷ lệ dân số được phủ sóng thông tin di động đạt 99,7%; hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị được quan tâm đầu tư từ cấp tỉnh đến cấp xã phục vụ tốt công tác chuyên môn, đảm bảo 100% các đơn vị đã có mạng LAN, các máy tính được kết nối mạng internet băng thông rộng. Việc thực hiện trao đổi và xử lý văn bản, hồ sơ liên thông trên môi trường mạng giữa các cơ quan khối Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cả 3 cấp trên nền tảng tích hợp dữ liệu của tỉnh (trục LGSP) và kết nối liên thông với quốc gia đã đưa Thanh Hóa trở thành địa phương đầu tiên thực hiện việc kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp.

Ở cấp cơ sở, nhiều mô hình, sáng kiến mới đã được nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn, tạo nên nhiều đổi thay trong CCHC. Nổi bật như mô hình “Thứ ba, thứ năm - ngày không viết”, “Thứ sáu - ngày không hẹn” ở xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa); mô hình “Lễ tân hành chính” và “Giờ làm việc thứ 9” ở huyện Đông Sơn; mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ” được thực hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh... Đặc biệt, để đánh giá một cách khách quan nhất chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, các sở, ngành và các địa phương tiếp tục triển khai đa dạng nhiều cách thức như phát phiếu khảo sát để tổ chức, công dân đánh giá mức độ hài lòng qua hòm thư góp ý, công khai số điện thoại đường dây nóng, qua địa chỉ Cổng dịch vụ công tỉnh Thanh Hóa, hệ thống phản hồi Thanh Hóa... Hơn 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC là con số rất đáng phấn khởi cho sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

Kết quả xếp hạng các chỉ số CCHC năm 2020 và 2021 là minh chứng rõ nét cho sự thay đổi của Thanh Hóa trong hành trình cải cách và đổi mới. Năm 2020 là năm đầu tiên Thanh Hóa đã vươn lên xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố của cả nước về chỉ số hài lòng của tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS), tăng 10 bậc so với năm 2019; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 29 cả nước (tăng 14 bậc so với năm 2019). Năm 2021, Thanh Hóa đã bứt phá mạnh mẽ khi vươn lên xếp thứ 3 cả nước về chỉ số PAPI (tăng 21 bậc so với năm 2020) và thứ 14 cả nước về chỉ số PAR INDEX (tăng 15 bậc so với năm 2020). Năm 2022 chưa xếp hạng nhưng Thanh Hóa tiếp tục kỳ vọng sẽ xếp thứ hạng cao trong cả nước.

Hai nhiệm kỳ liên tiếp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và XIX đã lựa chọn “CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh” và “Đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn” là khâu đột phá để thực hiện. Với quyết tâm cao, Thanh Hóa tiếp tục đạt được nhiều dấu ấn nổi bật, đưa công tác CCHC trở thành “đòn bẩy” để từng bước hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra.

Nguồn: Báo Thanh Hóa