Thanh Hóa hái "quả ngọt" từ chuyển đổi số
Thanh Hóa chuyển đổi số tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên như quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công. Mục tiêu là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm chủ thể và là mục tiêu, động lực của chuyển đổi số...
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng và Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng tham quan các gian hàng chuyển đổi số tại Thanh Hóa
Thời gian qua, Thanh Hóa đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; xây dựng các tài liệu đào tạo, hướng dẫn chuyển đổi số; triển khai các khóa đào tạo, tập huấn về kỹ năng số, chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Theo thông tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa, trong 2 năm 2022-2023, Thanh Hóa đã hỗ trợ 11,9 tỷ đồng trong triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Tỉnh này đã tổ chức tổ chức 102 lớp đào tạo, bồi dưỡng; gồm 80 lớp bồi dưỡng kiến thức về quản trị doanh nghiệp; 22 lớp đào tạo khởi sự kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; trong đó, lồng ghép các nội dung liên quan đến chuyển đổi số trong doanh nghiệp; hỗ trợ được 850 doanh nghiệp các ứng dụng chuyển đổi số.
Qua đó, đã góp phần giúp doanh nghiệp bước đầu nâng cao nhận thức trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa đã chủ động áp dụng tốt các nền tảng số trong quản lý, sản xuất, kinh doanh như hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, văn phòng điện tử E-Office, tiếp cận vốn vay, hệ sinh thái kế toán… và một số nền tảng số phục vụ chuyên ngành sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Trao đổi với VnEconomy, ông Lê Quang Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Kiến trúc và Nội thất Home Place (đường Tống Duy Tân, thành phố Thanh Hóa), cho biết: “Chuyển đổi số đã mang lại cơ hội kinh doanh mới cho công ty chúng tôi. Với việc kinh doanh sản phẩm, dịch vụ của công ty trên các nền tảng số, thu hút thêm lượng lớn đối tượng khách hàng quan tâm đến lĩnh vực của công ty đang cung cấp. Không chỉ giúp công ty tiết kiệm được nhiều chi phí maketing theo phương thức truyền thống, mà còn nâng cao được giá trị kinh doanh hơn rất nhiều”.
Vận dụng chuyển đổi số giúp nhiều doanh nghiệp tại Thanh Hóa nâng cao hiệu quả kinh doanh
Người dân tại tỉnh Thanh Hóa đã dần áp dụng các nền tảng số như các Sàn thương mại điện tử, Facebook, Youtube, Zalo để quảng bá, bán hàng. Một số sản phẩm của người dân đã được dán tem truy xuất nguồn gốc hơn (105.815 tem); có trên 854.000 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các dịch vụ thiết yếu.
Thanh Hóa hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử postmart.vn; đã đưa 152 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và 11.361 sản phẩm đặc trưng của các huyện lên sàn thương mại điện tử postmart.vn và các sàn thương mại điện tử; cung cấp hơn 105.815 tem truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ trên 850.000 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các dịch vụ thiết yếu. Có khoảng 6.500 doanh nghiệp đã được tiếp cận, thông tin, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ của tỉnh về ph tư vấn chuyển đổi số và mua, thuê giải pháp công nghệ số; 850 doanh nghiệp được hỗ trợ các ứng dụng chuyển đổi số.
Về phát triển doanh nghiệp công nghệ số, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 100 doanh nghiệp số; đến năm 2030, có ít nhất 150 doanh nghiệp số với lộ trình, nhiệm vụ thực hiện để đạt mục tiêu trên.
Đối với hoạt động thanh toán số, đến nay, 100% các trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở y tế tại Thanh Hóa đã triển khai đảm bảo các điều kiện và chấp nhận thanh toán học phí, phí, lệ phí… bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa.
“Chuyển đổi số là vấn đề mới, khó, phức tạp. Khó khăn nhất của chuyển đổi số hiện vẫn là nhận thức, tư duy của người dân, doanh nghiệp. Vì thế muốn đạt được kết quả thì phải chuyển đổi số một cách toàn diện, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cách làm thận trọng, khoa học, bài bản và nhất là cần có sự bền bỉ, lâu dài. Quá trình chuyển đổi số ở Thanh Hóa bước đầu đã giúp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cũng như hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo, năng suất lao động của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động ở địa phương. Hiện nay tỉnh đã có khoảng 6.500 doanh nghiệp đã tiếp cận và sử dụng nền tảng số, trong đó một số doanh nghiệp đã tích cực thực hiện chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh”.
|
Cục Thuế Thanh Hóa đã triển khai nền tảng hóa đơn điện tử quốc gia, kết nối, liên thông với toàn bộ các cơ quan thuế, cho phép thanh toán hóa đơn điện tử, rút ngắn thời gian thực hiện giao dịch điện tử; triển khai ứng dụng Thuế điện tử trên thiết bị di động eTax Mobile cung cấp phương tiện, nền tảng đển người dân giao dịch, nộp thuế điện tử. Số tài khoản đã cấp 333.015 tài khoản, số tiền đã nộp qua eTax Mobile đạt 40.5% số tiền nộp thuế của cá nhân; số doanh nghiệp nộp thuế điện tử là 11.369; số thuế nộp điện tử đạt tỷ lệ 95.8%.
Tuy nhiên, quá trình phát triển nền móng kinh tế số và xã hội số trong thời gian qua, Thanh Hóa còn có một số tồn tại, hạn chế, như chưa có công cụ để theo dõi tình hình thực hiện các chỉ số thuộc danh mục hệ thống chỉ tiêu kinh tế số đã được ban hành.
Việc triển khai các nền tảng số trong các ngành, lĩnh vực còn nhiều khó khăn do thiếu hướng dẫn đồng bộ từ các bộ, ngành Trung ương như nền tảng khám chữa bệnh từ xa... Kỹ năng số của người dân, đặc biệt ở một số địa bàn khu vực nông thôn, vùng sâu, khó khăn còn thấp và chưa sử dụng thành thạo tài khoản ngân hàng, mobile money…và người dân chưa có thói quen thanh toán không dùng tiền mặt.
Nguồn: vneconomy.vn