• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 8

    Hôm nay: 1453

    Đã truy cập: 8302881

Chuyển đổi số tại Thanh Hóa, từ nâng cao nhận thức đến hiệu quả thực tế

Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về công tác chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều biện pháp tuyên truyền và hỗ trợ thực hiện các mô hình hiệu quả.


Ông Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa và Lãnh đạo Bộ TTTT thăm mô hình tại Hội nghị chuyển đổi số. Ảnh: T.L

Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số

Thời gian qua, Sở TTTT tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu, hướng dẫn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của chuyển đổi số. Theo đó, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định, văn bản triển khai các nội dung của Nghị quyết số 06/NQ-TU ngày 10.11.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về công tác chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Sở TTTT tỉnh Thanh Hóa cũng đã hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị trên toàn tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, định hướng nội dung, nhiệm vụ để triển khai thực hiện Nghị quyết đảm bảo phù hợp với từng cơ quan, đơn vị; trong đó, có 04/27 đơn vị cấp huyện ban hành Nghị quyết và 23/27 đơn vị cấp huyện ban hành kế hoạch hành động và 19/19 đơn vị cấp sở, ngành ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết (đạt tỷ lệ 100%).

Công tác truyền thông thúc đẩy quá trình chuyển đổi số luôn được các cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm triển khai đồng bộ; đổi mới nội dung, hình thức, tăng tần suất tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở đến trang/cổng thông tin điện tử; đa dạng hóa phương thức bằng cách sử dụng các nền tảng mạng xã hội để thực hiện.

Sở TTTT đã phối hợp với Đài PTTH tỉnh, các cơ quan báo chí xây dựng các phóng sự, bài viết tuyên truyền về mô hình, cách làm hay về chuyển đổi số ở các địa phương, đơn vị; tuyên truyền các hoạt động hưởng ứng ngày chuyển đổi số Quốc gia và những kết quả nổi bật của tỉnh về chuyển đổi số...


Hội thảo kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số khu vực miền Trung do Bộ TTTT phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức năm 2023. Ảnh: Đặng Trung

Để cụ thể hơn các kết quả đã đạt được, Sở TTTT đã tổ chức các khóa học, chương trình để trao đổi về chuyển đổi số, xu thế và tính tất yếu của chuyển đổi số hiện nay trong doanh nghiệp và ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho 6.500 doanh nghiệp.

Các đơn vị tích cực tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về thương mại điện tử; tích cực đẩy mạnh các hình thức mua sắm trực tuyến hợp pháp; thanh toán không dùng tiền mặt nhằm từng bước thay đổi thói quen mua sắm; chủ động trang bị kỹ năng, kiến thức về công tác bảo đảm an toàn, an ninh trên môi trường số.

Hằng năm, tổ chức các sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với nhiều hoạt động nổi bật, thiết thực, tập trung vào thông tin tuyên truyền, triển khai các sáng kiến, giải pháp chuyển đổi số phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Sở TTTT cũng đã trực tiếp hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, các địa phương thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số đã đề ra.

Theo đó, Sở đã xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm mô hình “03 Không” với 16 chỉ tiêu về chuyển đổi số cấp xã tại 5 xã, phường trên địa bàn tỉnh; Phối hợp với các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp đưa các ứng dụng chuyển đổi số vào triển khai nhằm tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số ở ngành, địa phương.

Hỗ trợ triển khai, giới thiệu nhân rộng các mô hình, cách làm hay về chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, các hoạt động kinh tế để chia sẻ nhằm lan toả đến các cơ quan, địa phương trong toàn tỉnh.

Theo ông Đỗ Hữu Quyết - Giám đốc Sở TTTT Thanh Hóa, chuyển đổi số là vấn đề mới, khó, phức tạp. Khó khăn nhất của chuyển đổi số hiện vẫn là nhận thức, tư duy của người dân, doanh nghiệp. Vì thế muốn đạt được kết quả thì phải chuyển đổi số một cách toàn diện, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cách làm thận trọng, khoa học, bài bản và nhất là cần có sự bền bỉ, lâu dài.

"Quá trình chuyển đổi số ở Thanh Hóa bước đầu đã giúp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cũng như hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo, năng suất lao động của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động ở địa phương" - ông Đỗ Hữu Quyết khẳng định.

Một số mô hình, hiệu quả thực tiễn

Mô hình “03 Không”: Không phải khai báo thông tin, thành phần hồ sơ nhiều lần khi sử dụng dịch vụ công; thanh toán Không dùng tiền mặt trong một số dịch vụ thiết yếu; người dân, doanh nghiệp Không cần phải tiếp xúc trực tiếp với chính quyền;

Mô hình “Ngày không viết” tại Thành phố Thanh Hóa; Mô hình “Ngày thứ 2 không viết, ngày thứ 6 không hẹn” tại huyện Yên Định, người dân/doanh nghiệp sẽ được các CBCC hướng dẫn, giải quyết các dịch vụ hành chính công trực tuyến và trả kết quả ngay trong ngày mà không cần hẹn (trừ các thủ tục hành chính phức tạp).


Tuyên truyền chợ không dùng tiền mặt tại chợ Đông Hương, TP. Thanh Hóa. Ảnh: T.L

Mô hình “Chợ không dùng tiền mặt” tại thành phố Thanh Hóa, huyện Quảng Xương, Ngọc Lặc, Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Triệu Sơn… góp phần hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt trong đại bộ phận người dân.

Mô hình “Thôn thông minh” tại huyện Hoằng Hóa, huyện Yên Định... tạo lập mã QR-code giới thiệu về lịch sử, văn hóa của địa phương cũng như sơ đồ các ngõ xóm trên địa bàn và danh sách hộ dân như bản đồ điện tử được treo ở nhà văn hóa, đầu các ngõ xóm để du khách, nhân dân đến giao dịch có thể tìm kiếm thông tin hộ, nhân khẩu, số điện thoại, thành viên trong hộ.

Mô hình đưa sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT gắn truy xuất nguồn gốc và thanh toán không dùng tiền mặt tại huyện Đông Sơn, Yên Định, Hoằng Hóa, Hà Trung…

Mô hình “Khám chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử và ứng dụng VNeID” triển khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 678/678 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.

Mô hình "Camera Nhân dân với an ninh, trật tự" để thực hiện việc quản lý an ninh, trật tự tại 80% các cấp huyện, cấp xã.

"Các mô hình chuyển đổi số sẽ cung cấp cho người dân/doanh nghiệp nhiều tiện ích qua đó giúp tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc cho người dân/doanh nghiệp, góp phần hình thành xã hội số, công dân số, thúc đẩy phát triển kinh tế số của địa phương".

Ông Đỗ Hữu Quyết - Giám đốc Sở TTTT Thanh Hóa

Nguồn: laodong.vn