Dấu ấn ở Quảng Thắng
Dù không nằm trong danh sách được giao hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) trong năm 2023, nhưng phường Quảng Thắng (TP Thanh Hóa) đã chủ động đăng ký thực hiện. Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của hệ thống chính trị, Quảng Thắng đã hoàn thành các tiêu chí CĐS và đang chờ đánh giá, thẩm định để được công nhận phường hoàn thành CĐS.
Đoàn Thanh niên phường Quảng Thắng hướng dẫn công dân thanh toán không dùng tiền mặt khi giải quyết thủ tục hành chính.
Trong 10 phường, xã hoàn thành các tiêu chí CĐS năm 2023, Quảng Thắng được đánh giá cao về kết quả thực hiện. Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Thắng Nguyễn Trọng Quân cho biết: “Để CĐS thành công, phường đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cơ quan Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân. Khi mọi người hiểu rõ lợi ích của CĐS mới nâng cao ý thức sử dụng công nghệ thông tin, từ đó sẽ thúc đẩy CĐS một cách mạnh mẽ. Cùng với đó, phường tập trung CĐS ở cả 3 trụ cột chính là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ và triển khai 5 mô hình CĐS nổi bật”.
Nhằm tạo dấu ấn rõ nét trong thực hiện, phường Quảng Thắng đã tập trung xây dựng các mô hình CĐS tại bộ phận “một cửa” UBND phường. Với mô hình “Chứng thực không chờ”, công dân chỉ cần chuyển bản chụp bằng cấp, chứng chỉ hay các giấy tờ cần công chứng qua zalo của công chức tư pháp- hộ tịch phường và được công chức tư pháp - hộ tịch in ra để công chứng. Sau đó, công chức tư pháp - hộ tịch phường sẽ liên hệ để công dân mang bản chính đến đối chiếu và nhận kết quả. Việc làm này giúp công dân không phải đi lại nhiều lần và không phải chờ đợi lâu. Tương tự, mô hình “Ngày không viết, không nhập hồ sơ” được UBND phường thực hiện vào thứ 4 hằng tuần. Khi công dân đến thực hiện giao dịch hành chính, bộ phận “một cửa” UBND phường sẽ bố trí công chức viết hồ sơ, tạo tài khoản và nộp hồ sơ thay cho công dân. Đặc biệt, để thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, mô hình “Điểm dịch vụ công trực tuyến” được phường triển khai để hướng dẫn tổ chức, công dân đăng ký, sử dụng các tài khoản định danh điện tử mức độ 1, mức độ 2 và cách sử dụng thông tin cá nhân của công dân để giải quyết các thủ tục trên nền tảng điện tử ở mọi lúc, mọi nơi. Ngoài ra, các mô hình như “3 không” hay “Thanh niên CĐS trong dịch vụ hành chính công” cũng được thực hiện cùng lúc, nhận được sự đánh giá cao của người dân.
Để đẩy mạnh CĐS, phường quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ. Hiện nay, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang, mạng thông tin di động được phủ đến 100% hộ gia đình. Hạ tầng và trang thiết bị công nghệ thông tin tại UBND phường đáp ứng phương án an toàn thông tin theo cấp độ đã đươc phê duyệt; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được kết nối thông suốt từ cấp phường đến thành phố, tỉnh và Trung ương. UBND phường đã khai thác, sử dụng có hiệu quả các phần mềm chuyên ngành, phần mềm dùng chung từ Trung ương đến tỉnh, như: Phần mềm đăng nhập tập trung tỉnh Thanh Hóa; phần mềm cán bộ, công chức; phần mềm “một cửa” điện tử; phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ, công việc; thư điện tử công vụ; phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức... UBND phường cũng đã phối hợp VNPT Thanh Hóa nâng cấp hệ thống mạng LAN, lắp đặt hệ thống Wifi miễn phí tại bộ phận “một cửa” UBND phường, 8/8 nhà văn hóa phố, trạm y tế, công an phường và 3 nhà trường để Nhân dân đến có thể tiếp cận các thông tin về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội ở mọi lúc, mọi nơi.
Kênh giao tiếp giữa phường với người dân được thực hiện thông qua trang fanpage của UBND phường, trang fanpage của MTTQ và các đoàn thể để tiếp nhận thông tin, phản ánh, kiến nghị và đề xuất của người dân. Cùng với thành lập nhóm zalo hỗ trợ sử dụng dịch vụ công khi người dân có nhu cầu, UBND phường đã phối hợp với VNPT Thanh Hóa cài đặt, kích hoạt và duy trì sử dụng có hiệu quả các ứng dụng VneID, ứng dụng ThanhHoaS, tạo tài khoản dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của tỉnh cho người dân. Ngoài ra, Công an phường cũng lập nhóm an ninh trật tự phường và các nhóm an ninh trật tự ở các tổ dân phố để tiếp nhận phản ánh của Nhân dân.
Trên địa bàn phường có 160 doanh nghiệp đang hoạt động. Để phát triển kinh tế số, phường đã hỗ trợ các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo lập các trang facebook, zalo, website... để quảng bá, giới thiệu sản phẩm; vận động các tổ chức, cá nhân tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như website, shopee, lazada; sử dụng hóa đơn điện tử trong thanh toán. Đến nay, 160 doanh nghiệp trên địa bàn phường đều sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử; 120/160 doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử trong giao dịch.
Để hình thành những công dân số, phường đã xây dựng chợ Quảng Thắng thành “Chợ 4.0” nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đưa thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu của người dân, từ giao dịch trị giá lớn đến những giao dịch trị giá nhỏ trong đời sống hàng ngày. Cùng với đó, phường tiến hành khảo sát số công dân đủ 15 tuổi trở lên để lập tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác. Tổ chức thiết lập và tạo hồ sơ sức khỏe điện tử cho 9.547/9.658 người, đạt 98,8%; toàn phường có 1.601 người trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa, đạt yêu cầu đề ra. Số công dân có tài khoản định danh điện tử là 5.571 người (đạt 75,5%).
“CĐS có vai trò rất quan trọng nên dù đã hoàn thành các tiêu chí, nhưng phường Quảng Thắng vẫn tiếp tục ưu tiên các nguồn lực và thực hiện đồng bộ các giải pháp để duy trì, nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí nhằm đẩy mạnh công tác CĐS trong những năm tiếp theo”, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Thắng Nguyễn Trọng Quân cho biết.
Nguồn: baothanhhoa.vn