Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị
Hội nghị nhằm thảo luận về các cơ hội hợp tác, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Hội nghị diễn ra chỉ 02 tuần sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, cho thấy sự quan tâm ngày càng mạnh mẽ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào phát triển chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh phát triển toàn diện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ. Đồng thời, để hiện thực hóa chủ trương của Việt Nam trong việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam xác định những lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn là một trong những lĩnh vực tạo đột phá, là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhìn về cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam với ngành công nghiệp này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại hội nghị
“Chúng tôi tin rằng Hội nghị ngày hôm nay là cơ hội kết nối và hợp tác. Các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á sẽ thấy được tiềm năng của Việt Nam để trở thành một phần của chuỗi giá trị bán dẫn, giúp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, tạo ra sự tăng trưởng bền vững và góp phần mang lại lợi ích lớn cho toàn bộ khu vực Đông Nam Á” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Đồng tình với góc nhìn này, bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội SEMI Đông Nam Á cho biết, bất chấp những thách thức toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện khả năng phục hồi và khả năng thích ứng vượt trội trong năm 2022, khẳng định vị thế của Việt Nam như là một ngọn hải đăng của sự ổn định và tăng trưởng.
Bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội SEMI Đông Nam Á phát biểu tại Hội nghị
Theo bà Linda Tan, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang trên đà phát triển, với nhiều tiềm năng và lợi thế. Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ… Theo đó, đây là thời điểm thích hợp để thúc đẩy sự hợp tác phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam nói riêng cũng như như thiết lập bức tranh của ngành công nghiệp bán dẫn khu vực Đông Nam Á.
“Hiệp hội SEMI Đông Nam Á cam kết đóng vai trò dẫn đầu trong việc giúp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong khu vực” Bà Linda Tan khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cũng nhìn nhận, với tiềm năng và cơ hội lớn, Hội nghị là bước đi hiệu quả để xây dựng một hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn của khu vực Đông Nam Á, một khu vực có văn hóa tương đồng, dân số trẻ, trình độ công nghệ đang tăng lên…, qua đó giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, góp phần tạo đột phá phát triển kinh tế đất nước.
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thiện Nghĩa phát biểu tại Hội nghị
Tại sự kiện Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết: Công nghiệp công nghệ số, trong đó có công nghiệp bán dẫn, đang thể hiện là động lực chuyển đổi số cho các ngành, lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam.
Việt Nam đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035. Chiến lược sẽ đề ra tầm nhìn, khẳng định quyết tâm, mục tiêu, lộ trình, các nhiệm vụ giải pháp cũng như các chính sách ưu đãi đặc biệt của Việt Nam nhằm phát triển công nghiệp điện tử nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là đưa Việt Nam tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực, thu hút các DN bán dẫn trên toàn cầu hiện diện và sản xuất, nghiên cứu phát triển tại Việt Nam. Trên thực tế hiện nay, có hơn 30 công ty cung cấp vi mạch bán dẫn hàng đầu thế giới hoạt động tại Việt Nam, bao gồm cả hoạt động thiết kế vi mạch và đóng gói kiểm thử. Việt Nam sẽ trở thành một trong những trung tâm đóng gói kiểm thử lớn trong khu vực và thế giới. Các kỹ sư Việt Nam đang tham gia phát triển các dòng sản phẩm hàng đầu trong hệ sinh thái công nghiệp vi mạch. Đó là một tiền đề thuận lợi để hình thành ngành công nghiệp vi mạch tại Việt Nam.
Trong thời gian sắp tới, cần thúc đẩy nhiều hơn đào tạo các kỹ sư điện tử, tự động hoá và thiết kế chip. Mục tiêu cao được đặt ra là, đến năm 2030, có 50.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch. Chính phủ cần có chính sách khuyến khích thu hút sinh viên theo học chuyên ngành vi mạch bán dẫn (VD: học bổng 80%, trợ cấp,…). Đồng thời, hệ thống trung tâm hỗ trợ thiết kế vi mạch, phòng sản xuất thử nghiệm cũng cần được hình thành để tạo môi trường thuận lợi cho các công ty Việt Nam nhanh chóng phát triển sản phẩm vi mạch, phục vụ nhu cầu chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0 trong nước và thế giới.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa cũng cho biết thêm, Bộ TT&TT sẽ cùng chung tay với Hiệp hội SEMI Đông Nam Á thúc đẩy sự phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn tại Việt Nam và trong khu vực.
Tại hội nghị, các chuyên gia trong và ngoài nước cũng đã chia sẻ về về các nội dung liên quan đến phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tại khu vực và Việt Nam như cơ sở hạ tầng bán dẫn của Việt Nam, cơ chế chính sách để thu hút đầu tư cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, thúc đẩy hệ sinh thái dẫn – chiến lược phát triển, triển vọng thị trường bán dẫn, khuyến nghị chiến lược tận dụng cơ hội bán dẫn của Việt Nam.../.