Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu khai mạc sự kiện
Hội thảo được tổ chức bởi Bộ Khoa học, Công nghệ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc, Bộ TT&TT Việt Nam và Cục Xúc tiến Công nghiệp Công nghệ thông tin Hàn Quốc.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đánh giá, với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ, sự hội tụ giữa thực - ảo hiện nay không còn là một khái niệm xa lạ mà đã trở thành động lực thúc đẩy những thay đổi sáng tạo mạnh mẽ trên mọi khía cạnh đời sống kinh tế - xã hội. Kinh tế số ảo, với trọng tâm là khái niệm metaverse, đã mở ra cánh cửa đến một thế giới kỹ thuật số vô hạn, nơi mọi hoạt động kinh tế, xã hội và văn hóa có thể diễn ra mà không gian và thời gian không còn là rào cản.
Ở Việt Nam, kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ. Tỷ trọng kinh tế số trong GDP ở Việt Nam ước đạt 14% vào năm 2022 và mục tiêu đạt 25% vào năm 2025. Việt Nam cũng được đánh giá có tốc độ tăng trưởng kinh tế số cao nhất Đông Nam Á trong những năm gần đây.
Theo Báo cáo Thương mại Điện tử Việt Nam năm 2022, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng với doanh thu lên đến 23 tỷ USD. Metaverse đang mở rộng khái niệm thương mại điện tử ra ngoài không gian ba chiều truyền thống, hướng đến một thế giới kỹ thuật số đa dạng và sinh động hơn bao giờ hết.
Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng, Việt Nam đã có đủ những điều kiện cơ bản để nhập cuộc theo đuổi xu hướng công nghệ mới. Với dân số trẻ, đầy năng động và sẵn sàng tiếp thu công nghệ mới, cùng sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp công nghệ, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trung tâm của kinh tế số ảo trong khu vực và trên thế giới.
Các đại biểu tham dự sự kiện chụp hình lưu niệm
Để biến tiềm năng thành hiện thực, Chính phủ Việt Nam đã và đang hoạch định các chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng và bền vững của kinh tế số, trong đó có kinh tế số ảo.
Hàng loạt các giải pháp đã được Việt Nam thực hiện như nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin với mục tiêu tăng cường băng thông rộng và nâng cao chất lượng kết nối Internet, yếu tố cơ bản để phát triển metaverse. Việt Nam cũng chú trọng đầu tư vào an ninh mạng, đảm bảo một môi trường metaverse an toàn cho người dùng…
Đồng thời, Việt Nam cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhân lực công nghệ số, qua đó hình thành lực lượng lao động không chỉ giỏi công nghệ mà còn sáng tạo và linh hoạt, có khả năng thích nghi với môi trường số ảo năng động và đầy thách thức.
Với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu, Việt Nam đã và đang triển khai một số hoạt động thử nghiệm để tích hợp công nghệ blockchain, AI và VR/AR vào nền kinh tế, mở rộng khả năng ứng dụng của metaverse từ giải trí đến giáo dục, y tế và bất động sản ảo.
Thứ trưởng Phan Tâm cho biết: “Chúng ta không bỏ qua xu hướng công nghệ metaverse, nhưng cũng không thể không cảnh giác trước những rủi ro tiềm ẩn. Chính vì vậy, Việt Nam hướng đến việc xây dựng một lộ trình phát triển văn minh nhưng an toàn, một hệ thống pháp lý và quản lý minh bạch để tạo dựng lòng tin và khuyến khích sự sáng tạo”.
“Thông qua sự hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, chúng ta có thể chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và cùng nhau tạo dựng một nền kinh tế hội tụ ảo mạnh mẽ và bền vững. Sự hợp tác này không chỉ giới hạn ở mức độ hai quốc gia, mà còn mở rộng ra cấp độ khu vực và toàn cầu, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của toàn nhân loại”, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.
Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICT) Hàn Quốc Park Yoon Gyu cho hay, trong những năm qua, Hàn Quốc và Việt Nam đã tạo lập một nền tảng cùng tồn tại và phát triển thông qua hợp tác kinh tế. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992 đến nay, giao thương giữa hai nước đã tăng 175 lần. Hàn Quốc cũng đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Park Yoon Gyu, để nâng cao năng lực cạnh tranh kỹ thuật số quốc gia, Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực phát triển các ngành công nghiệp mới một cách hệ thống như trí tuệ nhân tạo, 6G, metaverse,... và mở rộng đổi mới kỹ thuật số trong mọi mặt của kinh tế và xã hội. Vào tháng 9 vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố Tuyên ngôn về quyền kỹ thuật số. Đây là một khuôn phép, trật tự kỹ thuật số mới.
Chính phủ Hàn Quốc mong muốn thực hiện đổi mới kỹ thuật số cùng với cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam, đồng thời nỗ lực hiện thực hóa một xã hội phát triển mạnh về kỹ thuật số, nơi mọi người đều được hưởng lợi ích từ đổi mới kỹ thuật số một cách công bằng.
Lãnh đạo Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc cho rằng, hội thảo thúc đẩy nền kinh tế hội tụ ảo là cơ hội tuyệt vời để hai nước chia sẻ kiến thức cũng như kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp metaverse và tìm kiếm các phương án hợp tác.
“Các công ty khởi nghiệp của hai nước sẽ tạo ra những cơ hội kinh doanh mới và bước ra thế giới rộng lớn hơn thông qua sự kiện này. Hy vọng rằng sự trao đổi, hợp tác giữa hai nước sẽ tiếp tục được mở rộng, hai nước sẽ cùng nhau tạo ra một tương lai tươi sáng và năng động hơn trên cương vị là đối tác trong thời đại kỹ thuật số”, Thứ trưởng Park Yun Kyu của Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc kỳ vọng.
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ TT&TT phát biểu tại sự kiện
Tại hội thảo, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ TT&TT đã trình bày định hướng phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Theo đó, mục tiêu phát triển kinh tế số đến năm 2025 với tỷ trọng nền kinh tế số đạt 20% GDP; Tỷ trọng TMĐT trong tổng doanh số bán lẻ đạt trên 10%; Tỷ lệ DN sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; Tỷ lệ DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; Tỷ lệ lao động nền kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.
Tỷ trọng nền kinh tế số/GDP năm 2022 là 14,26%. Tỷ trọng quý 3 năm 2023 ước đạt là 16,56%. Năm 2022, nền kinh tế số CNTT đóng góp khoảng 9% GDP và nền kinh tế số các ngành, lĩnh vực khác là 5% (tỷ lệ cơ cấu nền kinh tế số CNTT/kinh tế ngành là 65/35).
Về thể chế số, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi đã được ban hành. 03 Nghị định của Chính phủ hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử sửa đổi đang được dự thảo. Việt Nam có 140 tiêu chuẩn, 12 quy chuẩn Việt Nam phục vụ kinh tế số và xã hội số, trong đó 08 QCVN về chất lượng dịch vụ số.
Về nhân lực số, Việt Nam đẩy mạnh triển khai mô hình đại học số và cao đẳng nghề số; Cho phép chuyển đổi phù hợp một số văn bằng, chứng chỉ CNTT, công nghệ số của các cơ sở có uy tín sang tín chỉ học của bộ môn tương ứng; Triển khai các khóa đào tạo miễn phí trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà.
Việt Nam đã xuất bản báo cáo nền kinh tế số Việt Nam 2022 vào tháng 10/2023 với 3 nội dung chính: Lý luận và con đường phát triển kinh tế số Việt Nam; Kinh nghiệm phát triển kinh tế số Việt Nam và Kinh nghiệm phát triển kinh tế số của một số quốc gia trên thế giới./.