Đổi mới để phục vụ tốt hơn
Nhằm khai thác tối đa những bước tiến mới của công nghệ thông tin (CNTT), tạo chuyển biến rõ nét trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), các ban, sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã quan tâm đầu tư hệ thống trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Bộ phận “một cửa” xã Đông Tiến (Đông Sơn) đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Để việc giải quyết TTHC cho người dân mang lại hiệu quả, năm 2023, UBND xã Đông Tiến đã đăng ký với UBND huyện Đông Sơn triển khai mô hình “một cửa” hiện đại. Thực hiện mô hình này, UBND xã đã đầu tư xây dựng mới bộ phận “một cửa” với diện tích 200m2, có 4 phòng làm việc, gồm: phòng của phó chủ tịch UBND xã phụ trách bộ phận “một cửa”, phòng tiếp dân, phòng thông minh và phòng “một cửa” giải quyết TTHC. Để phục vụ tốt công tác chuyên môn, xã đầu tư mới toàn bộ hệ thống trang thiết bị hiện đại như máy tính cấu hình cao, máy in, máy photocoppy, máy scan, máy đánh giá sự hài lòng về chất lượng phục vụ... Bộ phận “một cửa” còn lắp đặt hệ thống camera theo dõi toàn bộ quá trình giải quyết công việc của cán bộ, công chức với tổ chức, công dân. Chị Trần Thị Quyên, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Tiến, cho biết: “Gần 3 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị, bộ phận “một cửa” xã Đông Tiến được xem là khang trang, hiện đại nhất huyện Đông Sơn hiện nay. Qua thực hiện mô hình, 100% hồ sơ TTHC của tổ chức, công dân được trả trước hẹn và đúng hẹn, không có hồ sơ nào quá hạn quy định; 100% tổ chức, công dân đều hài lòng về chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức”.
Đông Sơn là một trong những địa phương đi đầu về cải cách hành chính. Hiện nay, toàn bộ hệ thống máy tính ở tất cả các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc UBND huyện đều kết nối mạng LAN, WAN; đường truyền Internet cáp quang tốc độ cao, tỷ lệ máy tính đạt 1 máy/1 cán bộ, công chức. Đối với cấp xã, đã triển khai sử dụng phần mềm hỗ trợ giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”, phần mềm quản lý văn bản, điều hành công việc TDOffice và các phần mềm liên quan đến công tác chỉ đạo liên thông từ huyện đến xã. Huyện cũng tích cực ứng dụng hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt qua ví VNPT Pay trong việc thu phí, lệ phí các dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận “một cửa” từ huyện đến xã, thị trấn. Phối hợp với VNPT khu vực Thiệu Hóa - Đông Sơn triển khai sử dụng biên lai điện tử, thanh toán điện tử trong giải quyết TTHC và các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, học phí, lệ phí khám chữa bệnh...
Để tăng hiệu quả cung ứng dịch vụ công, các ban, sở, ngành và các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC. Điển hình như ngành y tế với mô hình điểm về khám, chữa bệnh sử dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử và ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID). Thực hiện mô hình điểm này, các bệnh viện trong tỉnh đã đầu tư máy móc, trang thiết bị, hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin bệnh viện, tự động hóa các quy trình thủ tục khám chữa bệnh, đảm bảo khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu. Đến nay, 678 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai sử dụng căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID trong khám chữa bệnh (đạt 100%). Đây là bước tiến mới trong cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho người có thẻ BHYT thực hiện các thủ tục khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, đơn giản, thuận tiện; đồng thời cải thiện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, tiết kiệm được chi phí cấp phát, quản lý thẻ BHYT và chống lạm dụng, trục lợi quỹ khám chữa bệnh BHYT.
Không chỉ ngành y tế, ngành giao thông - vận tải cũng đã triển khai phần mềm cấp đổi giấy phép lái xe qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Cục Đường bộ Việt Nam và Cổng dịch vụ công của tỉnh; ngành tài nguyên và môi trường nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường, kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường; ngành tư pháp thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch...
Thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, hạ tầng CNTT được quan tâm đầu tư từ cấp tỉnh đến cấp xã. Năm 2023, Thanh Hóa đã hoàn thành việc kết nối chính thức giữa cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin “một cửa” của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp cho tổ chức, công dân khi thực hiện các TTHC được định danh và xác thực điện tử thông suốt, không phải khai báo thông tin ban đầu. Thanh Hóa cũng hoàn thành cổng dữ liệu mở của tỉnh với 195 cơ sở dữ liệu mở của 15 lĩnh vực nhằm chia sẻ, công khai dữ liệu mở phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và công khai, minh bạch thông tin của cơ quan chính quyền đối với người dân, doanh nghiệp. Triển khai thí điểm trung tâm giám sát, điều hành thông minh của tỉnh và trợ lý ảo tại Sở Thông tin và Truyền thông, Tòa án Nhân dân tỉnh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công. Cổng dịch vụ công và hệ thống “một cửa” điện tử của tỉnh đã được chuyển đổi sang địa chỉ IPv6, trên đó hiện cung cấp 890 dịch vụ công trực tuyến một phần và 872 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 1.202 dịch vụ. Cổng dịch vụ công tỉnh và hệ thống “một cửa” điện tử của tỉnh hoạt động ổn định, hiệu quả, công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC của các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC mọi lúc, mọi nơi.
Những bước tiến quan trọng trong ứng dụng CNTT đã tạo nên sự công khai, minh bạch trong công tác chỉ đạo, điều hành và trong giải quyết TTHC, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.
Nguồn: baothanhhoa.vn