Triệu Sơn chuyển đổi số để phát triển toàn diện
Chuyển đổi số (CĐS) là một xu hướng tất yếu mang lại nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển mới toàn diện trên mọi lĩnh vực. Nhận thức được điều đó, huyện Triệu Sơn đã và đang tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ chương trình CĐS, trong đó lấy con người làm trung tâm, chủ thể và động lực của CĐS.
Đại diện lãnh đạo huyện Triệu Sơn và VNPT Thanh Hóa ký kết chương trình phối hợp thực hiện chuyển đổi số.
Để thực hiện công tác CĐS, UBND huyện Triệu Sơn xác định luôn trong tâm thế chủ động, khẩn trương, đầu tư mạnh mẽ hạ tầng số và tập trung đẩy mạnh: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Huyện đã chủ động bám sát các văn bản, hướng dẫn của cấp trên về CĐS, từ đó, ban hành nhiều chính sách, chương trình về CĐS. Đồng thời, huyện đã thành lập và thường xuyên kiện toàn Ban chỉ đạo CĐS huyện Triệu Sơn và các “Tổ công nghệ số cộng đồng” tại các xã, thị trấn. Công tác CĐS được các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Công tác phối hợp, tổ chức thực hiện hoạt động CĐS được triển khai đồng bộ, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.
Một giải pháp được huyện quan tâm triển khai chính là nâng cao nhận thức của cán bộ và Nhân dân trên địa bàn huyện về CĐS. Các chủ trương, chính sách, chương trình và nội dung về CĐS được tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống đài truyền thanh cấp huyện, xã, các trang fanpage, trang thông tin điện tử; các hội nghị, giao ban, hội nghị trực tuyến từ cấp huyện tới cấp xã. Đặc biệt, việc tuyên truyền được triển khai thường xuyên và quyết liệt thông qua các tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương. Nhờ đó, nhận thức về CĐS của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và một bộ phận người dân đã dần được nâng cao.
Bí thư Đảng ủy xã Thọ Tiến Nguyễn Thị Thanh, cho biết: CĐS giúp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cải cách hành chính cũng như các nhiệm vụ khác của địa phương. Đặc biệt, trong việc hiến đất mở đường, CĐS đã đẩy nhanh tiến độ triển khai và hiệu quả thực hiện. Đồng thời, CĐS trên địa bàn xã giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận thông tin dịch vụ.
Với anh Phạm Văn Duyên, xã Tân Thọ, CĐS đã mang lại cho anh rất nhiều tiện lợi như: thanh toán không dùng tiền mặt; các kênh thông tin đa dạng, nhiều chiều giúp việc học tập, buôn bán dễ tìm hiểu, tiếp cận; các thông tin của địa phương được công khai và đến với người dân một cách nhanh chóng. Anh Duyên chia sẻ: "Nhờ biết đến CĐS qua tin tức thời sự, các phương tiện truyền thông và từ chính quyền địa phương nên tôi đã đưa sản phẩm nông nghiệp của mình lên mạng xã hội, các kênh thông tin. Nhờ đó, sản phẩm tiêu thụ khá ổn định, góp phần tăng doanh thu và tạo thương hiệu cho sản phẩm của tôi cũng như địa phương".
Cùng với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức khi bắt tay vào thực hiện CĐS, huyện ưu tiên đầu tư nâng cấp và phủ sóng hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng mạng viễn thông, internet trên địa bàn huyện. Huyện chỉ đạo, thực hiện khảo sát và nâng cấp toàn bộ mạng LAN nội bộ của các đơn vị, để đảm bảo mạng internet hoạt động liên tục, thông suốt và ổn định, an toàn, giúp giải quyết công việc nhanh chóng. Nhờ đó, 100% các cơ quan, đơn vị cấp huyện và cấp xã đã có mạng LAN nội bộ và kết nối mạng internet tốc độ cao phục vụ công tác. 100% cán bộ, công chức được trang bị máy tính, sử dụng hòm thư điện tử.
Đối với nhiệm vụ CĐS trong cải cách hành chính, huyện đã đẩy mạnh chuyển đổi các hoạt động quản lý Nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin; chuyển từ văn bản giấy sang môi trường số. Đến nay, tất cả các đơn vị đã thực hiện trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận trên hệ thống thông tin một cửa điện tử. Số văn bản được gửi đi trên phần mềm TDoffice tính và thực hiện ký số đạt tỷ lệ 100%.
Triển khai dịch vụ công trực tuyến, huyện đã cung cấp 250 dịch vụ công trực tuyến phục vụ các cá nhân, tổ chức thực hiện các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng và thuận tiện. Nhờ đó, 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền; 100% hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận và xử lý trên môi trường điện tử và tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 85%; 92% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.
Thực hiện phát triển kinh tế số, huyện chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với VNPT Thanh Hóa hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể tham gia sàn giao dịch điện tử nông sản Thanh Hóa. Đến nay, có 26 sản phẩm của huyện đã được đưa lên sàn giao dịch điện tử Thanh Hóa, Sàn Postmart của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, hỗ trợ cung cấp tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm OCOP của huyện. 100% các doanh nghiệp trên địa bàn đều sử dụng hóa đơn điện tử để nộp thuế. Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương hướng dẫn người dân sử dụng ví điện tử. Các cơ sở giáo dục, điện lực, y tế đã thực hiện thanh toán các khoản phí theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Đối với việc phát triển xã hội số, huyện đã triển khai thực hiện cấp căn cước gắn chíp cho 98% dân số. Các tổ dân phố và các địa điểm phức tạp về an ninh đều được gắn camera để giám sát, hỗ trợ bảo đảm an ninh trật tự. 105 thôn, tổ dân phố đã lắp đặt wifi miễn phí tại các nhà văn hóa để phục vụ người dân truy cập internet.
Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn Lê Quang Trung cho biết: Huyện sẽ chú trọng nâng cao nguồn nhân lực số để việc CĐS đạt hiệu quả cao nhất, nhanh nhất. Đồng thời tập trung đầu tư trang thiết bị, nâng cấp hạ tầng, hoàn thiện hệ thống thông tin tại địa phương để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ CĐS, chú trọng việc huy động nguồn lực trong đầu tư trang thiết bị, hạ tầng số. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện CĐS.
Nguồn: baothanhhoa.vn