• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 16

    Hôm nay: 1083

    Đã truy cập: 8297270

Doanh nghiệp Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số

Cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, các doanh nghiệp (DN) Thanh Hóa đang nỗ lực ứng dụng công nghệ vào các khâu sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy DN đổi mới sáng tạo.


Cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn khách hàng cài đặt các ứng dụng số.

DN tài chính ngân hàng đi đầu CĐS

Đi đầu trong ứng dụng công nghệ số vào hoạt động, khối DN tài chính ngân hàng đã và đang tích cực chuyển đổi số (CĐS) nhằm tăng trưởng doanh thu, nâng cao năng lực cạnh tranh, mang đến cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất.

Thực hiện CĐS, phát triển các dịch vụ ngân hàng số hiện đại, tiện ích, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng mở tài khoản, mở thẻ thanh toán, cài đặt ứng dụng ngân hàng điện tử Agribank Plus... Bên cạnh đó, Agribank cũng đẩy mạnh các chương trình hợp tác, cung ứng các dịch vụ liên kết như chi trả lương, thanh toán tiền điện, nước, hóa đơn, thu hộ, chi hộ bằng các hình thức thanh toán điện tử. Để mang lại nhiều tiện ích và trải nghiệm cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, Agribank chi nhánh Thanh Hóa đã đầu tư lắp đặt thêm hệ thống 41 máy ATM, CDM, 250 máy POS và mở rộng hàng nghìn điểm thanh toán qua QR-Code, VietQR...

Là khách hàng sử dụng các dịch vụ của ngân hàng, chị Nguyễn Thanh Thu, phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) cho biết: "Từ khi các ngân hàng chủ động liên kết với các đơn vị cung cấp các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, thanh toán hóa đơn, nộp tiền học phí... đã giúp ích rất nhiều cho tôi trong việc quản lý chi tiêu, tiết kiệm thời gian đi lại thanh toán hóa đơn dịch vụ".

Từ sự hợp tác, liên kết với các đơn vị đã giúp Agribank chi nhánh tỉnh Thanh Hóa phát hành mới hơn 150.000 thẻ ngân hàng, gần 300.000 khách hàng đã đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, hơn 42.000 khách hàng đăng ký thanh toán hóa đơn tự động qua Agribank... Để đảm bảo an toàn trong giao dịch, đã có hơn 55.000 khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử được thu thập sinh trắc học...

Tại các DN sản xuất, HTX nông nghiệp, dịch vụ, thương mại sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản... trên địa bàn tỉnh cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các quy trình sản xuất, phân phối, bán hàng... Qua đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần gia tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển nền kinh tế số, xã hội số.

Nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ DN

Thanh Hóa là một trong những tỉnh sớm ban hành nghị quyết về hỗ trợ DN CĐS. Ngay từ năm 2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND ban hành chính sách hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2026, trong đó, có 3 chính sách hỗ trợ cho các DN CĐS (hỗ trợ kinh phí sử dụng chữ ký số cho các DN thành lập mới; hỗ trợ kết nối, chia sẻ thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của DN trên nền tảng số của các cơ quan nhà nước tỉnh Thanh Hóa; hỗ trợ kinh phí tư vấn CĐS và mua, thuê giải pháp công nghệ số) nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả các nội dung của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (NVV), các Nghị định của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn có liên quan. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN NVV trên địa bàn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư cho phát triển, giải quyết việc làm và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Triển khai Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) xây dựng kế hoạch hỗ trợ DN CĐS như: Hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp CĐS; hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng thuê, mua các giải pháp CĐS... Sở TT&TT đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thí điểm xây dựng bản đồ số các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh, tại địa chỉ: https://bandoduan.thanhhoa.gov.vn/. Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc gửi nhận văn bản giữa các cơ quan nhà nước với các DN; Sở TT&TT đã khai báo tài khoản gửi nhận văn bản của các DN trên nền tảng dùng chung TD office giúp các DN gửi/nhận văn bản đến các cơ quan nhà nước hoàn toàn qua môi trường mạng nhằm giảm thiểu thời gian/chi phí cho DN...

Tính đến tháng 6/2024, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 20.000 DN NVV, chiếm 90% tổng số DN; tỷ lệ DN CĐS trên tổng số DN có phát sinh thuế đạt 29,65%, tăng 3,85% so với cùng kỳ năm 2023. Toàn tỉnh hiện có 5.550 DN được tham gia khảo sát, đánh giá mức độ hoàn thành CĐS, 337 DN công nghệ số theo quy định của Bộ TT&TT. Có nhiều DN đã áp dụng thành công mô hình CĐS, nền tảng số qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh và tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh.

Cùng với đó, hoạt động kinh tế số với nhiều giải pháp được triển khai như: Giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền chống thất thu thuế, thất thu ngân sách, đã có 54.620 DN, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền với hơn 342,78 triệu hóa đơn. Nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn bước vào giai đoạn CĐS, với trọng tâm là công tác số hóa dữ liệu, chuẩn hóa quy trình, ứng dụng công nghệ số, tiến tới CĐS trên phạm vi rộng và đồng bộ hơn.

Để DN Thanh Hóa tiếp tục ứng dụng thành công CĐS vào quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động giao dịch thương mại, thu thập, phân tích dữ liệu, tự động hóa quy trình kinh doanh và quản lý của các DN... tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi, hướng dẫn, hỗ trợ cho các DN CĐS, Sở TT&TT là cầu nối để các DN trên địa bàn tỉnh kết nối với các DN có các nền tảng, giải pháp CĐS.

Nguồn: baothanhhoa.vn