Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'Đại dịch Covid-19 tạo cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia'
Nhận định đại dịch Covid-19 tạo ra cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tất cả chúng ta sẽ phải sáng tạo ra những cách vận hành mới để cuộc sống vẫn tiếp diễn, học tập, làm việc và giải trí vẫn phải được tiếp tục.
Lĩnh vực ICT nhận về mình một sứ mệnh mới
Hôm qua, ngày 25/3/2020, Bộ TT&TT đã có Chỉ thị thứ hai về việc hiệu triệu tất cả các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tích cực tham gia phát triển các ứng dụng công nghệ số để giúp cuộc sống của chúng ta vẫn tiếp tục diễn ra, nhưng theo cách không tiếp xúc, hình thành một trạng thái bình thường mới.
Chỉ thị mới của Bộ TT&TT nêu rõ, dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên toàn cầu đặt ra thách thức rất lớn cho tất cả các quốc gia, có thể làm thay đổi thứ hạng và năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhưng thách thức luôn đi cùng cơ hội. Những quốc gia phản ứng chậm sẽ có rủi ro chịu nhiều thiệt hại. Những quốc gia thích ứng nhanh sẽ phục hồi sớm hơn và tạo được đà phát triển mới.
Dịch bệnh lây lan là do tiếp xúc. Đây là cơ hội xuất hiện trong tình huống khó khăn để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, phát triển dịch vụ công trực tuyến, y tế số, giáo dục số, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử và kinh tế số. Đây cũng là cơ hội hướng dẫn, từng bước phổ cập kỹ năng số cho đông đảo người dân, là lực lượng chính sử dụng các dịch vụ Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số trong tương lai.
Trong phát biểu tại lễ công bố cam kết đồng hành, hỗ trợ của ngành TT&TT với ngành GD&ĐT trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được hai Bộ TT&TT và GD&ĐT phối hợp tổ chức sáng nay, ngày 26/3, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã một lần nữa nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 tạo ra cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia. Các hoạt động kinh tế xã hội bị ngưng trệ theo cách cũ. Tất cả chúng ta sẽ phải sáng tạo ra những cách vận hành mới để cho cuộc sống vẫn tiếp diễn, học tập, làm việc và giải trí vẫn phải được tiếp tục.
“Lĩnh vực ICT nhận về mình một sứ mệnh mới, sáng tạo các giải pháp công nghệ số, học tập và làm việc phân tán để duy trì các hoạt động kinh tế xã hội, nhằm giúp chống dịch thành công, cũng như giảm tối đa suy thoái kinh tế, và sau dịch là bứt phá vươn lên”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam chúng ta có thuận lợi là có nhiều doanh nghiệp công nghệ số có năng lực, có tiềm lực, có đội ngũ đông đảo các doanh nghiệp công nghệ số rất sáng tạo.
Các doanh nghiệp này đang chuyển hướng Make in Vietnam, sáng tạo các sản phẩm Việt Nam để thúc đẩy chuyển đổi số. “Chúng ta có thể tự hào nói rằng, hầu hết các sản phẩm hỗ trợ chuyển đổi số đều có thể do các doanh nghiệp số Việt Nam phát triển”, Bộ trưởng tin tưởng.
Tạo đà phát triển mới bằng công nghệ số
Năm 2020 đã được Bộ TT&TT tuyên bố là năm chuyển đổi số quốc gia, để đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế số, một xã hội số. Hiện tại, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mới đây, dự thảo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đang được Bộ TT&TT hoàn thiện để sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Trao đổi với ICTnews về Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cho biết, dự thảo Chương trình là kết quả nỗ lực của Bộ TT&TT trong sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là sự đóng góp trí tuệ của các tổ chức, cá nhân, các hội, hiệp hội, doanh nghiệp, các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Đại diện lãnh đạo Cục Tin học hóa cũng tin tưởng rằng, sau khi được Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt, Chương trình sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ trong giai đoạn mới.
Chia sẻ thêm về đánh giá những ảnh hưởng, tác động của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia sau khi được phê duyệt, triển khai trong thực tế, ông Nguyễn Phú Tiến cho hay, dự thảo Chương trình đang đề xuất 3 trụ cột của chuyển đổi số, đó là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Theo đó, khi phát triển Chính phủ số, cơ quan nhà nước sẽ đổi mới toàn diện phương thức quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, hướng tới hoạt động hiệu quả, minh bạch hơn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Khi phát triển kinh tế số, các doanh nghiệp là lực lượng tiên phong trong chuyển đổi số, các doanh nghiệp phải có chiến lược và cách tư duy mới để cải tổ doanh nghiệp, hướng tới tăng năng suất lao động, tạo ra doanh thu mới, giá trị mới, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Và khi phát triển xã hội số, người dân sẽ thay đổi phương thức sống, làm việc, được thụ hưởng các dịch vụ, tiện ích xã hội nhờ công nghệ số và không ai bị bỏ lại phía sau. “Minh chứng như, trong thời gian dịch bệnh Covid- 19 hiện nay, hàng loạt các dịch vụ số được cung cấp nhanh chóng, kịp thời góp phần giúp người dân khắc phục các khó khăn trong cuộc sống, điển hình là các dịch vụ trực tuyến trong lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại, cung cấp dịch vụ công”, đại diện Cục Tin học hóa viện dẫn.
Theo ictnews.vietnamnet.vn