Chuyển đổi số, thành quả và thách thức trong năm 2021
Năm 2020 đã đi qua với nhiều khó khăn và thách thức do ảnh hưởng của dịch covid-19, trong bối cảnh đó, chuyển đổi số lại có bước phát triển vượt bậc. báo Lao động có cuộc trao đổi với ông Đỗ Trung Tá - nguyên Bộ trưởng Bưu chính viến thông về những thành quả về chuyển đổi số mà chúng ta đạt được trong năm qua.
-Hiện nay điện thoại di động, Internet đã trở thành những thứ thiết thân với cuộc sống của mỗi người dân, xin ngược dòng thời gian trở về những năm trước đây, thời điểm đưa Internet vào Việt Nam, ông có thể kể gì về thời điểm đó?
Ông Đỗ Trung Tá: Cuối thập niên 90, các cán bộ khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam cũng đã thử nghiệm Internet kết nối với mạng bên Úc. Sau đó các doanh nghiệp như VNPT, bưu điện các tỉnh thành, VTC cũng thử nghiệm đại trà Internet. Đến tháng 12.1996, khi đó Trung ương mở Hội nghị Trung ương 2 khóa 8 bàn về phát triển khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo, ngành bưu điện chúng tôi có đề nghị Trung ương cho mở Internet như giải pháp để thực hiện việc thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo.
Được Trung ương chấp thuận và sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, phía Chính phủ đã rất khẩn trương soạn thảo những văn bản pháp lý để Internet ra đời. Khi đó Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo về phát triển Internet của Việt Nam, từ ban chỉ đạo này, Internet được chuẩn bị kỹ càng với tinh thần quản lý được đến đâu phát triển đến đó.
Khi đã chín muồi, đến cuối năm 1997, Tổng cục Bưu điện chính thức công bố khai trương mạng Internet ở Việt Nam. Từ đó, Internet phát triển rất nhanh, đến năm 2004, có thể nói như một cơn lốc của Internet. Internet phát triển không những vào trường học, bệnh viện, cơ quan mà rất nhiều doanh nghiệp cũng đã bắt đầu sử dụng đến Internet.
Chủ trương của chúng tôi lúc đó là sự quản lý của cơ quan nhà nước phải theo kịp tốc độ phát triển của Internet, và từ đó như một luồng gió mới làm Internet phát triển rất nhanh, phát triển sâu rộng cho tới tận miền núi, nông thôn. Và chúng tôi thấy rằng cần có bước nhảy vọt hơn nữa, chủ trương điều hành, quản lý phải đi trước một bước để tạo điều kiện cho Internet phát triển nhanh hơn nữa.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm hệ thống server đầu tiên của Công ty Điện toán và truyền số liệu - VDC. Ảnh tư liệu.
Cho đến nay, Việt Nam đã có tới hơn 70 triệu người sử dụng, Internet không còn xa lạ cả với nông thôn, nhất là khi chúng ta đã số hóa cả truyền hình, nông dân ở nông thôn dùng luôn cả smart TV.
-Trước thời điểm Internet ra đời, ông cũng là người có đóng góp không nhỏ trong việc đưa điện thoại di động vào Việt Nam. Ông có thể nói gì về thời điểm khi những chiếc điện thoại di động đầu tiên vào thị trường Việt Nam và khi đó sự tiếp nhận của người dân với điện thoại di động như thế nào?
Tôi cùng với lãnh đạo của Tổng cục Bưu điện, Tổng Công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam đã quyết định thử nghiệm hệ thống di động số GSM của Pháp tại Hà Nội vào đầu năm 1990, đồng thời với sự nhiệt tình của Singapore Telecom, chúng tôi cũng cho họ thí nghiệm kinh doanh cùng với Bưu điện TPHCM hệ thống bưu điện analog, qua thí nghiệm số với những tính năng nổi trội của nó thì người dân Việt Nam làm quen dần với các thiết bị số.
Chỉ trong một thời gian rất ngắn, điện thoại di động đã phát triển, đi vào tới tận vùng sâu vùng xa, chúng tôi thực hiện được ý đồ đưa Internet về làng và đưa di động đến tận tay người nông dân. Chính vì lẽ đó, hiện nay Internet, di động đều có giá bình dân, gần như thấp nhất trong khu vực và nhiều nước trên thế giới, vì vậy đó là điều kiện cho sự phát triển rất nhanh của chúng ta với thứ hạng rất cao cả về Internet và di động trên thế giới và trong khu vực hiện nay.
Tôi còn nhớ, khi lên miền núi thấy các cô dân tộc thiểu số cầm ngược điện thoại di động, tất cả mọi thứ đều lúng túng nhưng khi nghe được tiếng của nhau thì họ òa lên khóc.
Các cô gái Hmong sử dụng điện thoại di động. Ảnh: AFP
- Ở thời điểm mà điện thoại di động vẫn là món hàng sa xỉ, ông đã có ước muốn đưa điện thoại trở thành món hàng bình dân, người người, nhà nhà đều được sử dụng. Để đạt được thành quả như ngày hôm nay ông đã gặp những khó khăn gì?
Không hẳn là mơ mà chúng tôi đã quyết định làm sao phát triển đến mức nông dân có di động dắt cọc quần và giá cả bình dân. Chúng tôi phát triển từ thành phố, lan ra đến nông thôn và tạo rất nhiều hình thức cạnh tranh trong các đối tác cung cấp thiết bị, các doanh nghiệp trong nước. Trên cơ sở thiết bị rẻ, giá cước hạ thì thị trường mở rộng rất nhanh.
-Trong những năm vừa qua, ông đánh giá Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã có những nỗ lực như thế nào trong quá trình chuyển đổi số?
Những điều kiện phát triển của viễn thông và công nghệ thông tin có được là những điều kiện thuận lợi cho phát triển hạ tầng số. Bộ TTTT, nhất là 5 năm gần đây là đơn vị khởi xướng xây dựng hạ tầng công nghệ số, chuyển đổi số quốc gia. Tháng 6.2020, Chính phủ đã ban hành chiến lược quốc gia về chuyển đổi số trên toàn quốc. Bộ TTTT cũng là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này.
Về mặt nhận thức, Bộ đã làm cho toàn xã hội hiểu lợi ích của chuyển đổi số, vì vậy các bộ ngành, các địa phương rất hào hứng với điều này. Các doanh nghiệp cũng được thổi vào sự hăng hái, nguồn nhân lực chưa bao giờ thấy rằng lớp trẻ có được một môi trường để xông vào, tiếp nhận những thử thách để đi cùng với thế giới.
Bộ TTTT đã rất chú ý đến vấn đề nghiên cứu, nhìn ra thế giới, nhìn các vấn đề của Việt Nam để đề ra những nhiệm vụ thích hợp. Đồng thời đã chú ý đến sinh thái của chuyển đổi số, tạo môi trường cho các doanh nghiệp hoạt động.
- Năm 2020 là năm khó khăn khi dịch COVID-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, ông đánh giá chuyển đổi số đã phát triển như thế nào trong bối cảnh này, những biểu hiện của chuyển đổi số là gì?
Tôi nghĩ chúng ta gặp một thử thách và chính chúng ta đã vượt qua được thử thách đó. Chính công nghệ thông tin là giải quyết bài toán công nghệ cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nó sinh ra nhưng nó lại là động lực. Vừa rồi với mục tiêu của Chính Phủ là vì lợi ích kép phát triển kinh tế và ngăn ngừa dịch bệnh thì chúng ta thấy rất rõ, một là học trực tuyến cho học sinh, hai là sáng kiến dùng smartphone phát hiện những ca nhiễm dịch F1, F0. Ba là thống kê được dân số, kiểm soát, phát hiện những người mắc bệnh và không chịu khai báo.
Nhiều đơn vị tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo được hoạt động bình thường thông qua các cuộc họp trực tuyến, Chính phủ vẫn đảm bảo được trong lãnh đạo ASEAN, cũng trực tuyến, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của vai trò lãnh đạo trong ASEAN. Chính qua điều này nên chúng ta đề nghị lấy ngày 27.7 là ngày thế giới chống dịch, cũng được chấp nhận.
Về giáo dục, chúng ta cũng nhận ra rằng đây là thử thách để cho công nghệ thông tin hạ tầng số rất mạnh mẽ. Như sáng kiến của cô giáo người dân tộc thiểu số và trở thành 1 trong 10 gương mặt của toàn cầu; những cháu tàn tật cũng được hưởng dịch vụ từ CNTT để giảm thiểu đi những khó khăn. Các cháu học sinh từ mẫu giáo đến đại học được học trực tuyến.
-Ông đánh giá như thế nào về những ý nghĩa quan trọng mà chuyển đổi số mang lại?
Nó là 1 vấn đề mới nhưng Việt Nam có tiềm lực, các cuộc cách mạng trước chúng ta phải đi sau, các nước đi trước, cho nên tôi nghĩ là không có con đường nào khác để chúng ta khước từ con đường này, chỉ có lao vào với một quyết tâm và với một tư thế là cùng đi với các nước lớn. Chính vì vậy cần có sự đổi mới sáng tạo cả về tư duy lẫn năng lực của người Việt Nam để có những sáng tạo thực sự, vừa làm cho đất nước phát triển, vừa có những đóng góp cho sự phát triển của thế giới.
- Để làm được những điều đó, cần có những giải pháp gì trong thời gian tới thưa ông?
Nhanh bền vững thì nó có hai mặt, cả mặt công nghệ cả pháp lý. Cái gì có lợi thì cũng thể hiện 1 số mặt có hại, vì vậy muốn bền vững thì mọi người hãy thể hiện tình yêu nước để khi mình sử dụng bất cứ thứ gì ở hạ tầng số này thì đều có ý thức xây dựng và cũng phải cảnh giác với những điều không hay xảy ra trên mạng và nếu không cản trở được tiêu cực trên mạng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với các cháu.
Tôi nghĩ vấn đề xây dựng hạ tầng xã hội sẽ thấm như các cuộc cách mạng trước của chúng ta đã làm nhưng ở trình độ cao hơn. Đã đến lúc phải nghĩ đến tri thức hóa nguồn nhân lực, phải thông minh hệ thống mạng lưới hệ thống hạ tầng số, phải nghĩ đến toàn cầu hóa kinh doanh và tiêu chuẩn hóa cuộc sống trong xã hội tần số phát triển.
Vậy làm như thế nào để không chỉ vật chất mà tinh thần người Việt Nam cũng được mở mang phát triển và bảo tồn được truyền thống văn hóa của Việt Nam. Đấy là những yếu tố làm cho sự triển của chúng ta nhanh nhưng bền vững.
Nguồn: laodong.vn