• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 3030

    Hôm nay: 144

    Đã truy cập: 8334938

Động lực để chuyển đổi số mạnh mẽ hơn

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021, theo đó tỉnh Thanh Hóa xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 3 bậc so với năm 2020. Kết quả này cho thấy tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có bước phát triển, tiệm cận gần hơn tốp 10 địa phương dẫn đầu cả nước.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ số đánh giá chuyển đổi số là cơ sở để các tỉnh tự đánh giá mức độ chuyển đổi số của chính mình; cũng là cơ sở để so sánh với tỉnh, thành phố khác xem mình đã đi đúng hướng chưa và đi với tốc độ nào trên chặng đường chuyển đổi số.

Nhận thức rõ vai trò, vị trí của chuyển đổi số, ngày 10-11-2021 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Như vậy, Thanh Hóa là một trong số ít tỉnh, thành phố ban hành được nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số từ khá sớm.

Nghị quyết đề ra mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của các ngành, các sản phẩm, các doanh nghiệp và nền kinh tế của tỉnh. Tạo nền tảng để thúc đẩy hình thành và phát triển các ngành, lĩnh vực mới, đẩy nhanh tiến trình xây dựng xã hội văn minh, hiện đại, tiến bộ... Phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đến năm 2030 tiếp tục trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số.

Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, đến tháng 6-2022 đã có 100% cán bộ, công chức ở Thanh Hóa thực hiện tiếp nhận, xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Tỷ lệ văn bản được ký số đạt trên 99,8% giúp cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị công khai, minh bạch, nhanh chóng, hiệu quả. Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã cung cấp 149 dịch vụ công mức độ 3 và 725 dịch vụ công mức độ 4; 100% hồ sơ doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh đều được thực hiện trực tuyến. Trong thực hiện kinh tế số, đã hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ sản xuất đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử voso.vn, sàn thương mại điện tử postmart.vn; cung cấp dịch vụ VNPT Money đến hơn 167.000 người dùng. Đến ngày 31-5-2022 đã có 14.037 doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử; 1.018 hộ, cá nhân nộp thuế bằng hóa đơn điện tử. Các địa phương đã đưa 504 sản phẩm lên Cổng kết nối cung - cầu tỉnh. Trong xây dựng xã hội số, đã có 211 cơ sở sử dụng thẻ căn cước công dân trong khám, chữa bệnh; 100% bệnh viện công lập thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; 27 bệnh viện kết nối hệ thống khám, chữa bệnh từ xa; thực hiện đăng ký tuyển sinh trực tuyến; cung cấp thông tin về lịch sử, văn hóa, danh thắng trên các nền tảng công nghệ số phục vụ du lịch...

Thứ hạng chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp tỉnh mà Thanh Hóa có được là sự ghi nhận, phản ánh đúng nỗ lực của tỉnh. Mỗi cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân cần nhận thức rằng, đây là bước “chạy đà” quan trọng để tiếp tục có sự gắng sức hơn nữa trong chặng đường chuyển đổi số sắp tới, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra.

Theo baothanhhoa.vn