• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 3028

    Hôm nay: 30234

    Đã truy cập: 8334740

Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo: Bài 2: Thời cơ và thách thức

Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ nhiều phía, chuyển đổi số (CĐS) đang ngày một “thấm sâu” vào các hoạt động giảng dạy, học tập trong các nhà trường và toàn ngành giáo dục, mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, cùng với những cơ hội thì cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực để vượt qua.


Một giờ học Tin học của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS huyện Quan Sơn.

Nắm bắt thời cơ

CĐS trong giáo dục sẽ tạo môi trường giáo dục linh động trên nền tảng công nghệ số. Người học có thể tiếp thu kiến thức một cách thuận tiện và dễ dàng trên mọi thiết bị (máy tính, laptop, smartphone...). Điều này đã mở ra một nền giáo dục mở hoàn toàn mới. Bất cứ thời điểm nào, tại bất cứ đâu, bất cứ ai đều có thể tiếp cận được các thông tin kiến thức một cách đa chiều nhất. Nó loại bỏ hoàn toàn những giới hạn về khoảng cách, tối ưu thời gian học và nâng cao nhận thức, tư duy của người học. CĐS cũng sẽ tạo ra kho học liệu mở khổng lồ cho người học. Học sinh (HS) có thể truy cập vào các tài nguyên học tập một cách dễ dàng và ít tốn kém hơn. Mặt khác, CĐS cũng giúp việc chia sẻ tài liệu, giáo trình giữa HS và giáo viên (GV) trở nên dễ dàng hơn... Điều này cho thấy CĐS sẽ mang lại không ít cơ hội đổi mới đối với nền giáo dục trước xu thế của thời đại.

Nắm bắt thời cơ, nhiều trường trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng bắt tay vào thực hiện CĐS để phát triển cùng thời đại. Trường THCS Lê Hữu Lập (Hậu Lộc) là một trong những đơn vị điển hình. Thầy giáo Trịnh Văn Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: 2 năm học vừa qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc dạy và học của GV, HS. Có thời điểm, 2 - 3 tháng liên tục trường đã phải chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến. Với phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, các thầy, cô giáo cùng học trò đã nỗ lực biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học, kích thích tư duy sáng tạo của GV, lớp học không giới hạn về không gian, thời gian. Đặc biệt, ban giám hiệu nhà trường cũng đã chủ động tham mưu các cấp chính quyền tăng cường trang thiết bị như: đường truyền internet, camera, phòng Tin học; trang bị ti vi màn hình lớn, thiết bị âm thanh cho 100% lớp học... Các bậc phụ huynh cũng đã quan tâm hơn đến việc ứng dụng CNTT để phối hợp với nhà trường, GV, tạo ra những tương tác trên không gian mạng trong quản lý việc học tập của con em mình được tốt hơn. Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi và cũng là thời cơ để nhà trường thực hiện tiến trình CĐS đạt kết quả tốt.

Cô giáo Hoàng Thị Chung, GV Trường THCS Lê Hữu Lập chia sẻ: Khi yêu cầu CĐS ngày càng cao, bản thân mỗi GV cũng phải nỗ lực thay đổi để ứng dụng hiệu quả CNTT vào giảng dạy. Từ định hướng CĐS của ngành, bản thân tôi cũng như các GV của nhà trường đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, học hỏi bằng nhiều cách khác nhau, như tham gia các lớp tập huấn, tìm hiểu trên mạng internet, học hỏi từ đồng nghiệp... Tôi cùng các đồng nghiệp đã đầu tư phương tiện dạy học, tự trang bị laptop giúp thuận lợi hơn cho việc khai thác dữ liệu, soạn bài giảng điện tử, tổ chức giảng dạy trong môi trường số, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động CĐS”. Sự chủ động từ mỗi GV cũng chính là tiền đề quan trọng để mỗi cơ sở giáo dục thực hiện thành công CĐS. Nhiều người cho rằng, CĐS trong giáo dục chính là “mảnh đất” đào tạo nên thế hệ những GV chất lượng. Bởi, để thích ứng với việc sử dụng công nghệ cao trong giảng dạy, đội ngũ GV phải không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, phát triển kỹ năng để phát triển và nâng cao chất lượng giảng dạy...

Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS huyện Quan Sơn, để thúc đẩy việc ứng dụng CNTT hướng tới CĐS công tác quản lý, dạy và học, UBND huyện Quan Sơn đã đầu tư cho nhà trường hệ thống máy chủ, cổng internet, wifi, ti vi thông minh cho tất cả các phòng học, phòng chuyên môn, phòng học bộ môn. Trên lớp, giáo viên có thể giảng bài thông qua các phần mềm, mô hình, hình ảnh trực quan sinh động. Bên cạnh đó, các thiết bị thông minh còn có thể giúp thầy cô trực tiếp tải về các video, hình ảnh, tư liệu phục vụ cho bài giảng của từng tiết học. Cô giáo Phạm Thị Thủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Nhà trường được UBND huyện Quan Sơn trang bị phòng học vi tính với phần mềm dạy học hiện đại. Thay vì phải hướng dẫn cho từng HS như trước kia, GV có thể trình chiếu và thực hiện các thao tác qua ti vi thông minh, nhờ đó, tất cả HS có thể theo dõi cùng lúc. Trong công tác quản lý, nhờ hệ thống camera được lắp đặt đồng bộ, ban giám hiệu nhà trường có thể kiểm tra, giám sát hoạt động dạy và học ở từng lớp học, từ đó kịp thời nắm bắt và điều chỉnh, giúp hoạt động giáo dục trong nhà trường ngày một tốt hơn. Đặc biệt, thời điểm có HS nhiễm COVID-19 phải cách ly điều trị, nhờ được kết nối internet và ti vi thông minh, GV vừa dạy trực tiếp trên lớp, vừa dạy trực tuyến cho các HS cách ly tại nhà. Thông qua màn hình ti vi, các HS học trực tiếp và trực tuyến có thể nghe nhìn, giao lưu trao đổi trong giờ học. Bởi thế, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc lên lớp của cô và trò không bị ảnh hưởng nhiều cả về kiến thức chuyên môn lẫn tinh thần dạy và học.

Những thách thức đặt ra

Thách thức đặt ra trước hết là hạ tầng mạng, trang thiết bị CNTT, đường truyền, dịch vụ internet cho nhà trường, GV, HS, đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu cho CĐS. Việc xây dựng học liệu số (sách điện tử, thư viện điện tử, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, bài giảng điện tử, phần mềm học điện tử, phần mềm ứng dụng mô phỏng) còn phát triển tự phát, chưa thành hệ thống, khó kiểm soát chất lượng và nội dung học tập... Trang thiết bị số hóa dữ liệu, CĐS thiếu hoặc chưa đồng bộ; hành lang pháp lý trên môi trường mạng chưa cao, việc lưu trữ hồ sơ dữ liệu trên môi trường mạng còn hạn chế...

Nói về những khó khăn trong quá trình CĐS, cô giáo Phạm Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Lang Chánh I (Lang Chánh) chia sẻ: Nhà trường hiện có 468 HS với 18 lớp, tuy nhiên điều kiện kinh tế - xã hội của người dân còn nhiều khó khăn nên hoạt động kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư trang thiết bị, công nghệ dạy học hiện đại của nhà trường rất hạn chế. Là trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 nhưng hiện nay nhà trường vẫn chưa đủ các hạng mục hỗ trợ giáo dục và quản lý trên nền tảng CNTT. Phòng máy tính chỉ có 6 máy tính được trang bị từ năm 2010, 2 máy chiếu đa năng, 2 máy tính dùng cho công tác quản lý, 1 máy tính dùng thư viện; hoạt động quản lý, dạy học của nhà trường chưa được ứng dụng đồng bộ CNTT; các modul đang sử dụng không liên kết với nhau nên khó khăn trong việc khai thác. Ngoài ra, một số GV, nhất là GV lớn tuổi ngại thực hiện việc số hóa các loại hồ sơ, sổ sách và ứng dụng CNTT trong dạy học. Năm học 2021-2022, nhà trường thiếu 2 GV đứng lớp và GV Tin học nên đã dồn 2 lớp và hợp đồng GV dạy Tin học nên hiệu quả công việc chưa cao.

Theo Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Lang Chánh Nguyễn Ngọc Sơn, hiện nay trên địa bàn huyện số trường học có phòng Tin học chưa nhiều, số lượng máy tính chưa bảo đảm, cấu hình chưa đáp ứng để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Mặt khác nguồn lực thực hiện CĐS khá lớn, như chi trả phí thuê bao, duy trì các phần mềm, dịch vụ (cổng thông tin điện tử, tuyển sinh trực tuyến...) cũng là một trở ngại với địa phương, khi kinh tế còn nhiều khó khăn.

Được biết, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan, chính quyền các địa phương trong việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu về trang thiết bị, đồ dùng dạy học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đặc biệt quan tâm đến công tác ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là chương trình CĐS vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, cụ thể như: Phòng máy tính phục vụ dạy môn Tin học còn thiếu nhiều, đặc biệt là cấp tiểu học và THCS. GV môn Tin học cấp tiểu học và THCS thiếu. Thực trạng này khiến việc dạy Tin học bắt buộc đối với cấp tiểu học và THCS không thể triển khai đồng bộ. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng thiếu, chưa đồng bộ nên việc ứng dụng CNTT trong công việc còn manh mún, tự phát. Tại một số ít đơn vị việc truy cập internet chỉ giới hạn trong một số ít người có liên quan mà chưa triển khai rộng rãi được tới HS và GV, năng lực sử dụng CNTT của GV còn hạn chế.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, hiện nay phần mềm ứng dụng trong quản lý tổng thể ngành giáo dục chưa được triển khai đồng bộ và chưa được đầu tư bài bản dẫn đến các trường, các đơn vị chưa được sử dụng hệ thống dùng chung của ngành. Việc sử dụng tại một số đơn vị chưa hiệu quả do nhân lực thiếu và yếu, một phần do thiết bị còn chưa đủ hoặc cấu hình thấp. Các bài giảng điện tử, giờ dạy có ứng dụng CNTT còn có một số GV làm để đối phó, chất lượng chưa cao. Số lượng khá nhiều nhưng chất lượng một số giáo án chỉ đạt ở mức trung bình hoặc khá; một số GV chỉ dùng ứng dụng CNTT như để thay thế cho bảng phụ. Công cụ thiết kế bài giảng nhiều và đa dạng trong khi kỹ năng sử dụng của GV chưa cao, do trình độ ngoại ngữ yếu và ý thức tự học ở một bộ phận GV chưa đạt yêu cầu. Số phòng học thông minh trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh còn quá ít. Trang thiết bị tiên tiến phục vụ công tác dạy và học ở nhiều trường chưa được đầu tư đúng mức, như máy chiếu, màn hình tương tác kèm phần mềm cho GV; bảng trượt bao gồm khung treo màn hình tương tác, máy tính cho GV; hệ thống âm thanh; phần mềm (phần mềm lớp học và phần mềm học tiếng Anh tăng cường); học liệu (sách giáo khoa điện tử, học liệu điện tử bài giảng mẫu, kho bài giảng mô phỏng 3D, thí nghiệm ảo...) chưa được đầu tư thỏa đáng, vì vậy chưa đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT trong giảng dạy của GV. Đây là những vấn đề đặt ra cho ngành giáo dục nói riêng, các cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội nói chung. Giải quyết những tồn tại, hạn chế này sẽ biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để ngành từng bước thực hiện các nội dung trong CĐS, tạo cơ hội học tập và những cơ hội để mọi công dân có thể phát triển bản thân, tiếp cận tri thức một cách dễ dàng, công bằng hơn, hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội học suốt đời.

Nguồn: baothanhhoa.vn