• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 195

    Hôm nay: 716

    Đã truy cập: 7739677

Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa: Tiếp tục nỗ lực vươn lên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Trải qua 18 năm xây dựng, phát triển (11-3-2005 - 11-3-2023), Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Thanh Hóa luôn nỗ lực vượt khó vươn lên, không ngừng lớn mạnh và có những bước phát triển vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh Thanh Hóa.


Trước sự chứng kiến của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đại diện Sở TT&TT Thanh Hóa và Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT ký kết hợp tác về Hỗ trợ trong công tác đảm bảo an toàn thông tin trong chuyển đổi số, phối hợp rà quét, xử lý thông tin xấu, độc trên không gian mạng.

Với sức trẻ, nhiệt huyết cùng khát vọng đổi mới, Sở TT&TT Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thông tin liên lạc và tuyên truyền, không chỉ phục vụ đắc lực cho sự chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, của tỉnh mà còn đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của người dân trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Năng động, sáng tạo, thể hiện tư duy mới trong quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng chuyển đổi số (CĐS), nâng cao tính trách nhiệm và hiệu quả quản lý, phù hợp với xu thế phát triển và hội tụ giữa công nghiệp nội dung và hạ tầng truyền thông hiện đại, phát huy truyền thống của ngành, những năm qua, Sở TT&TT Thanh Hóa đã hoàn thành 100% nhiệm vụ tỉnh giao, đảm bảo chất lượng và tiến độ. Công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực TT&TT được tăng cường từ tỉnh đến cơ sở; các hoạt động về thông tin, tuyên truyền được chỉ đạo đồng bộ; công tác quản lý hoạt động trên lĩnh vực báo chí và mạng xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; cơ sở hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) tiếp tục được quan tâm đầu tư với công nghệ hiện đại; công tác an ninh, an toàn thông tin mạng được đảm bảo; các hoạt động ứng dụng, phát triển CNTT và CĐS được các cấp, các ngành quan tâm triển khai, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính của các sở, ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở.

Trong lĩnh vực dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục có bước phát triển vượt trội với tổng số thuê bao trên toàn mạng ước đạt 2.957.000 thuê bao, bằng 100,92% so với kế hoạch được giao, mật độ thuê bao điện thoại đạt 81,62 máy/100 dân; thuê bao internet trên toàn mạng ước đạt 2.360.000 thuê bao, đạt mật độ 64,34 thuê bao/100 dân, bằng 118% kế hoạch được giao, tổng doanh thu các dịch vụ bưu chính, viễn thông ước đạt 4.670 tỷ đồng, đạt 117,1% so với kế hoạch giao, nộp ngân sách Nhà nước hơn 220 tỷ đồng.

Đặc biệt, với vai trò là đơn vị tiên phong dẫn dắt hoạt động CĐS của tỉnh, Sở TT&TT đã tham mưu, đầu tư hạ tầng CNTT đồng bộ, hiện đại từ cấp tỉnh đến cấp xã, từng bước đáp ứng việc ứng dụng CNTT, phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng và bảo đảm cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thanh Hóa đã hoàn thành việc kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Thanh Hóa với Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Hiện tại, Thanh Hóa là một trong 6 địa phương hoàn thành việc khảo sát, đăng ký hệ thống CNTT phục vụ xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia và là địa phương đầu tiên thực hiện việc kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp. Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã được chuyển đổi sang địa chỉ IPv6; đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 898 dịch vụ công dịch vụ công trực tuyến một phần và dịch vụ công trực tuyến toàn trình…

Ngoài ra, Thanh Hóa đã xây dựng Cổng dữ liệu mở để các cơ quan, đơn vị kết nối, chia sẻ các dữ liệu dùng chung của 50 CSDL chuyên ngành phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và công khai, minh bạch thông tin của các cơ quan chính quyền cho người dân, doanh nghiệp. Thanh Hóa cũng là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu ngành thuế và ngành giao thông - vận tải, góp phần chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh vận tải.

Việc thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số đã thu được nhiều kết quả tích cực như: hỗ trợ 33.130 hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso.vn; 22.889 hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản bán hàng/gian hàng, đưa 66 sản phẩm OCOP lên sàn Postmart.vn và 38 sản phẩm OCOP lên sàn voso.vn và 670 sản phẩm lên Cổng kết nối cung cầu nông sản an toàn của tỉnh; cung cấp 61.000 tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đặc trưng; hỗ trợ trên 612.817 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai ứng dụng Du lịch thông minh tại 4 khu, điểm du lịch, gồm: Thác Mây (huyện Thạch Thành), Bản Mạ (huyện Thường Xuân), đền Sòng (thị xã Bỉm Sơn), danh thắng Kim Sơn (huyện Vĩnh Lộc); số hóa được trên 330.000 hồ sơ người có công; 100% dữ liệu người Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; 100% dữ liệu phục vụ hoạt động quản lý đối tượng bảo trợ xã hội và thông tin về trẻ em tại cơ sở; kết nối, chia sẻ dữ liệu của gần 70.000 người cao tuổi, 60.000 người có công với cách mạng; trên 67.000 hộ nghèo và trên 86.000 hộ cận nghèo với cơ sở dữ liệu về dân cư; 100% các bệnh viện công lập triển khai thanh toán phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt và sử sụng hóa đơn điện tử; đã triển khai ứng dụng VssID (Bảo hiểm xã hội số); hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế (BHYT) tại 100% cơ sở khám chữa bệnh; hệ thống cấp mã số BHXH và quản lý thẻ BHYT hộ gia đình; Hệ thống phần mềm Phản hồi Thanh Hóa đã tiếp nhận, xử lý 1.117 phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân với tỷ lệ xử lý đúng hạn đạt trên 95%...

Hoạt động thông tin, tuyên truyền, báo chí, xuất bản tiếp tục được triển khai đồng bộ và sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, luôn thể hiện được vai trò chủ đạo trong công tác thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo được niềm tin của các tầng lớp Nhân dân vào sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, tạo dòng chảy thông tin chính thống trong định hướng dư luận, góp phần ổn định chính trị - xã hội; biểu dương, cổ vũ những điển hình tiêu biểu, những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người xứ Thanh đến bạn bè trong nước, quốc tế; đấu tranh phản bác, ngăn chặn hiệu quả những thông tin xấu độc của các thế lực thù địch, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; đẩy mạnh hoạt động thông tin đối ngoại, từng bước thực hiện thành công chiến lược truyền thông đối ngoại của tỉnh…

Trước những yêu cầu và đòi hỏi trong thời kỳ mới, Sở TT&TT Thanh Hóa xác định tiếp tục “Thực hiện mạnh mẽ CĐS tỉnh Thanh Hóa một cách toàn diện (từ chính quyền đến xã hội) để thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số” là khâu đột phá để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra. Trong đó, lấy tinh thần: “Làm gương - Kỷ cương - Trọng tâm - Bứt phá” của ngành TT&TT làm động lực thực hiện các giải pháp quan trọng như: Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống truyền thanh cơ sở tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện quan trọng của tỉnh; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực thông tin, báo chí, xuất bản; đối với lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông sẽ tập trung phát triển hạ tầng, dịch vụ theo hướng đẩy mạnh CĐS; tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn công tác quản lý Nhà nước về TT&TT; hướng dẫn, nâng cao chất lượng hoạt động chuyên ngành; phối hợp giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực quản lý ở cơ sở; tham mưu đề xuất hỗ trợ các doanh nghiệp TT&TT tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh...

18 năm một hành trình nối dài những khát vọng, với những thành tựu đã đạt được, những khó khăn, thách thức đã vượt qua, Sở TT&TT Thanh Hóa sẽ tiếp tục lấy công nghệ tạo bước đột phá, lấy tuyên truyền tạo ra sức mạnh to lớn, tiếp tục nỗ lực vươn lên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của tỉnh nhà.

Th.S Đỗ Hữu Quyết

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa