• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 87

    Hôm nay: 9735

    Đã truy cập: 7678246

Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành xây dựng để phát triển bền vững

Trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) đang diễn ra mạnh mẽ, không ngoại lệ, ngành xây dựng Thanh Hóa cũng đang nỗ lực CĐS để tối ưu năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh, đảm bảo tính chuyên nghiệp và phát triển bền vững.

Hình ảnh công trình do Chi nhánh Công trình Viettel Thanh Hóa thi công được soi chiếu qua camera.

Là một trong những đơn vị tiên phong CĐS mạnh mẽ, quyết liệt, cùng với kinh nghiệm gần 30 năm trong lĩnh vực xây lắp và đội ngũ 400 nhân sự chất lượng cao, Chi nhánh Công trình Viettel Thanh Hóa thuộc Tổng Công ty CP Công trình Viettel là đơn vị cung cấp dịch vụ tổng thể trong xây dựng công trình với định hướng đa dịch vụ, một điểm chạm từ thiết kế thi công, hoàn thiện nội ngoại thất đến cung cấp, lắp đặt và bảo dưỡng thiết bị gia đình, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho khách hàng. Đến nay, Chi nhánh Công trình Viettel Thanh Hóa đã có bước chuyển mình mạnh mẽ cả về sản phẩm, mô hình. Tập trung vào thế mạnh công nghệ và thi công xây dựng, Chi nhánh Công trình Viettel Thanh Hóa đã xây dựng hơn 200 công trình từ biệt thự cho đến nhà ở trọn gói tại 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và nhiều công trình ngoài tỉnh như các dự án: Sao Mai An Giang, Ivory Hòa Bình...

Với mục tiêu mở rộng xây dựng nhà ở trọn gói mang đến cho khách hàng trải nghiệm sản phẩm chất lượng, dịch vụ chuyên nghiệp và giá cả cạnh tranh, Trung tá Trịnh Hữu Quang, Giám đốc Chi nhánh Công trình Viettel Thanh Hóa, cho biết: Để đẩy mạnh CĐS đáp ứng nhu cầu phát triển của thời kỳ công nghiệp 4.0, đơn vị đã thực hiện số hóa từ thông tin, dữ liệu khách hàng, phân tích, đánh giá, cập nhật tiến độ và nhắc nhở lịch hẹn giúp phục vụ tốt hơn cho khách hàng. Bên cạnh đó, 100% hợp đồng thi công đều được thực hiện bằng ký số điện tử và số hóa trên không gian mạng, cho phép khách hàng truy cập mọi lúc, mọi nơi mà không cần lưu trữ bản giấy giúp tiết kiệm thời gian và tiện lợi. Tất cả công trình đơn vị thi công đều được phủ sóng wifi internet tốc độ cao Viettel và được lắp đặt camera giám sát an ninh, được tích hợp sẵn trên smartphone của khách hàng giúp việc theo dõi quá trình thi công được dễ dàng và chủ động. Ngoài hệ thống camera còn có hệ thống cảm biến cháy nổ tự động cảnh báo nguy cơ cháy nổ nếu có (tất cả các thiết bị này đều do Viettel cung cấp). Ngoài ra, mọi giao dịch thanh toán đều được chuyển khoản hoặc thực hiện trên App Viettel Money. Về công tác điều hành và quản lý dự án, quản lý vòng đời dự án bằng phần mềm, từ lúc tiếp nhận thông tin, thiết kế, lập dự toán, triển khai, thanh, quyết toán, bảo hành, bảo trì và chăm sóc khách hàng sau bán hàng. Đối với các báo cáo chuyên sâu, báo cáo thời gian thực bằng phần mềm IOC, quản lý đơn vị nhìn được tổng quan tiến độ thi công dự án, tiến độ dòng tiền, các cảnh báo. Mọi dữ liệu đều được truyền về phòng giám đốc và bộ phận điều hành để kịp thời đưa ra các giải pháp, chỉ đạo thực hiện. Kỹ sư hiện trường sẽ báo cáo công việc hàng ngày trên phần mềm, yêu cầu bắt buộc báo cáo hình ảnh về an toàn vệ sinh lao động, nhân sự, máy móc... Cuối ngày sẽ cập nhật kết quả công việc đã thực hiện trong ngày. Công nghệ trí tuệ nhân tạo AI được áp dụng để xác định tự động qua hình ảnh những lỗi về thi công, an toàn vệ sinh lao động, bên cạnh đó còn có giám sát các lớp, trực tiếp kiểm tra, kiểm tra qua phần mềm hoặc camera để đảm bảo chất lượng công trình.

Trung tá Trịnh Hữu Quang khẳng định: Việc áp dụng công nghệ, CĐS trong quản lý xây dựng giúp đơn vị kiểm soát tốt được chất lượng, tinh giảm nhân sự và giảm chi phí thi công mang lại một trải nghiệm mới cho khách hàng trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, một trong những lĩnh vực còn nhiều khó khăn và chậm trong quá trình CĐS.

Tại Sở Xây dựng Thanh Hóa, nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, định hướng của Đảng, Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa về CĐS, ngành xây dựng Thanh Hóa xác định CĐS phải được thực hiện một cách tổng thể, có lộ trình phù hợp, tiến tới toàn diện và đồng bộ trong mọi lĩnh vực của ngành.

Đến nay, 100% chế độ báo cáo trong ngành được chuẩn hóa và quản lý bằng hệ thống Thông tin báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ Xây dựng, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; cung cấp đầy đủ dữ liệu mở của ngành xây dựng đối với các số liệu thống kê hàng năm và các loại thông tin phải được công khai theo quy định của pháp luật; 100% hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của sở được quản lý theo dõi tiến độ xử lý trên cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử; tất cả các dịch vụ công phổ biến liên quan tới nhiều người dân và doanh nghiệp đủ điều kiện được thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 và được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước); bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của sở, trong đó các hệ thống thông tin quan trọng được kết nối trao đổi dữ liệu thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước; tự động hóa được các công tác liên quan đến quản lý đăng ký, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp nhờ các hệ thống thiết bị và phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin, kết quả trên cơ sở dữ liệu cổng dịch vụ công của tỉnh và trên phần mềm Hành chính công tỉnh; Sở Xây dựng đã công khai 60 thủ tục hành chính (TTHC) và đã hoàn thành đồng bộ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC với Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh...


Kỹ sư điều hành giám sát công trình qua hệ thống phần mềm IOC.

Bên cạnh đó, triển khai, ứng dụng zalo để thực hiện tra cứu kết quả giải quyết TTHC (tra cứu mã hồ sơ, quét mã QR code qua zalo...), cung cấp thông tin chỉ đạo, điều hành, các thông tin về kinh tế - xã hội nhanh chóng, hiệu quả; trang thông tin điện tử của sở tại địa chỉ http://sxd.thanhhoa.gov.vn cung cấp thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp; tỷ lệ văn bản được gửi qua mạng giữa sở và các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 100% (trừ những văn bản mật hoặc tuyệt mật) và 100% văn bản nội bộ của các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc sở được thực hiện dưới dạng điện tử.

Hệ thống thư điện tử công vụ được triển khai đồng bộ tại tất cả các phòng chuyên môn đơn vị thuộc sở. Tỷ lệ cán bộ, công chức của sở được cấp hộp thư điện tử công vụ đạt 100%. 100% hồ sơ được tiếp nhận, xử lý trên hệ thống một cửa điện tử, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và xử lý dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 đạt và vượt tỷ lệ tỉnh giao; phối hợp với Bộ Xây dựng để xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở, công sở; thông tin về các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được cấp phép hàng năm, chỉ số giá một số loại bất động sản tại các đô thị được công khai trên trang Website của Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản; số hóa và công khai trên Cổng thông tin công khai quy hoạch của Bộ Xây dựng 100% các đồ án quy hoạch xây dựng; tuyên truyền triển khai nhóm 25 dịch vụ công thiết yếu; tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung, làm giàu dữ liệu dân cư, định hướng cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân...

Những kết quả đạt được trong ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS của ngành xây dựng trong thời gian qua đã góp phần tích cực trong việc nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính, tạo thuận lợi giải quyết TTHC cho công dân và doanh nghiệp... Thời gian tới, ngành xây dựng sẽ đẩy mạnh tạo lập dữ liệu số, hoàn chỉnh các hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và hướng tới cung cấp dịch vụ công thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp; tiếp tục tuyên truyền CĐS, nâng cao nhận thức về CĐS; xây dựng mô hình điểm giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng công tác tuyên truyền trên các phần mềm ứng dụng như: zalo, facebook, viber, trên website; xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình CĐS của ngành...

Nguồn: Báo Thanh Hóa