• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 3

    Hôm nay: 359

    Đã truy cập: 7744582

Doanh nghiệp Thanh Hóa với chuyển đổi số. Bài 2: Ngổn ngang nhiều nỗi...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc áp dụng chuyển đổi số tại nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Thanh Hóa vẫn mang tính cục bộ, rời rạc. Doanh nghiệp chưa có lộ trình chuyển đổi số phù hợp và đặc biệt là còn gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Vũ Đức Nhiệm- Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa

Ông Vũ Đức Nhiệm- Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa: "Chuyển đổi số trong doanh nghiệp vẫn là một hành trình dài hơi".

Theo ông Vũ Đức Nhiệm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, chuyển đổi số vẫn là một hành trình dài hơi, bởi rất nhiều doanh nghiệp đang còn đứng ngoài cuộc. Qua khảo sát, hiện nay nhu cầu chuyển đổi số trong doanh nghiệp rất lớn. Thanh Hóa hiện có hơn 27.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có gần 21.000 doanh nghiệp hoạt động và có phát sinh doanh thu. Tuy nhiên, có tới khoảng 60% doanh nghiệp đang vướng rào cản về công nghệ, vốn, nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Thậm chí có những doanh nghiệp khái niệm chuyển đổi số còn quá mới mẻ và mơ hồ. Có những doanh nghiệp chuyển đổi số theo phong trào nên chưa đạt hiệu quả. Hiện tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có một con số thống kê nào về số lượng doanh nghiệp chuyển đổi số, chưa có một đánh giá nào về thực trạng chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Doanh nghiệp chưa hiểu hết về chuyển đổi số, tâm lý ngại thay đổi

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Ngọc Cử, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cử Nga cho rằng: Đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa nắm bắt hết kiến thức về chuyển đổi số, tác dụng của nó như thế nào. Trên báo đài cũng đã nói nhiều nhưng chỉ những người được đi tập huấn mới hiểu rõ, bởi cụm từ “chuyển đổi số” mang tính khoa học, thời cuộc. Những cái mắt thấy, tai nghe thì nó rất dễ còn chuyển đổi số là ngôn ngữ trừu tượng nên nhiều người khó hiểu. Những người chưa làm được thậm chí không làm được đó là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Xuất phát từ việc kinh doanh của họ đi từ hộ cá thể, trình độ học vấn, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh chỉ là tiếp nối những người đi trước trong gia đình. Những doanh nghiệp này họ có nhiều thời gian nhưng lợi nhuận trong kinh doanh lại ít. Có khi công việc trong ngày chỉ ghi mấy trang giấy nên họ thấy chuyển đổi số là không cần thiết.

Ông Trần Ngọc Cử, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cử Nga:

Ông Trần Ngọc Cử, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cử Nga: "Nhiều doanh nghiệp bây giờ đang chạy ăn từng bữa nên việc tham gia chuyển đổi số là không thể".

Ông Lê Minh Công, Giám đốc Công ty TNHH Thành Minh MTC cũng nhấn mạnh: “Chuyển đổi số khó khăn lớn nhất vẫn là con người. Cơ bản doanh nghiệp nhỏ làm việc theo thói quen, bạ đâu làm đó, bây giờ làm theo quy chuẩn sẽ rất ngại. Vì vậy trên thực tế nhiều doanh nghiệp mua phần mềm mấy trăm triệu về nhưng không sử dụng, những doanh nghiệp này đến 80% là đang hỏng hết. Tâm lý ngại thay đổi, không muốn từ bỏ những tập quán kinh doanh truyền thống khiến doanh nghiệp cảm thấy khó khăn. Chuyển đổi số đòi hỏi doanh nghiệp phải sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ những cái cũ để thiết lập mô hình kinh doanh mới, thiết lập lại quy trình làm việc, loại bỏ những công đoạn trung gian, rườm rà. Làm được điều này phải có sự quyết tâm đổi mới của người đứng đầu”.

Cũng theo ông Lê Minh Công, hiện có nhiều doanh nghiệp hô hào, tích cực đi hội thảo nhưng về để đó. Có nhiều trường hợp, khi chủ doanh nghiệp thấy bối cảnh thị trường thay đổi, thấy chuyển đổi số được nhắc đến nhiều trên khắp các phương tiện truyền thông, họ cho rằng vậy thì mình cũng phải thay đổi, cũng phải chuyển đổi số. Nhưng bản thân họ chưa trả lời được tại sao họ cần điều đó, họ cũng không xác định được nếu áp dụng công nghệ thì thực trạng nội tại hiện giờ của doanh nghiệp sẽ được cải thiện như thế nào.

“Vì vậy, hạn chế trong nhận thức và tâm lý là rào cản lớn khiến nhiều doanh nghiệp đứng ngoài cuộc trong xu thế chuyển đổi số” – ông Lê Minh Công nói.

Cũng theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Thanh Hóa, họ đã bắt đầu sử dụng công nghệ số từ khi có đại dịch Covid-19. Nhưng khi trở lại cuộc sống bình thường mới họ lại trở về với mô hình kinh doanh truyền thống. Có nhiều doanh nghiệp nói rằng, họ chưa từng áp dụng công nghệ số và cũng không có ý định áp dụng công nghệ số, họ không quan tâm bởi theo họ công ty đang yên ổn.

Vẫn là câu chuyện về vốn và nhân lực chất lượng cao

Vấn đề đặt ra là áp dụng chuyển đổi số phải mất chi phí rất lớn trong thời gian ngắn. Áp dụng khoa học công nghệ vào không thể đầu tư giữa chừng mà phải làm cả dây chuyền. Hơn nữa, việc phải đầu tư lớn về tài chính và nhân lực chất lượng cao, trong khi để đạt hiệu quả thì phải có thời gian, rồi cũng có khi phải đối mặt với nguy cơ thất bại. Đây là những rào cản lớn đối với các doanh nghiệp. Cũng chính vì thiếu vốn nên nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, chuyển đổi số là “cuộc chơi” của các doanh nghiệp lớn.

Thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số cũng là một khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp. Bởi, để áp dụng được các công cụ kỹ thuật số vào trong quy trình sản xuất, kinh doanh, không chỉ đòi hỏi lao động trong doanh nghiệp phải biết cách sử dụng hệ thống máy móc, thiết bị, phần mềm hiện đại, mà còn phải bảo đảm khả năng sửa chữa khi có lỗi phát sinh và tiến hành các hoạt động bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên.

Ông Lê Minh Công, Giám đốc Công ty TNHH Thành Minh MTC cho biết: Hiện nay, nỗi lo lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải khi áp dụng chuyển đổi số là chi phí cao trong ứng dụng công nghệ số. Để áp dụng được các công cụ kỹ thuật số, các phần mềm quản lý chuyên dụng, đòi hỏi doanh nghiệp bỏ ra một lượng chi phí tương đối lớn, đặc biệt là đầu tư vào mua sắm các thiết bị máy móc mới hoặc dây chuyền tự động hóa hiện đại, cũng như đồng bộ hóa lại cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin trong doanh nghiệp. Thiếu cơ sở hạ tầng về công nghệ số cũng vì thế trở thành khó khăn lớn đối với doanh nghiệp. Cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin lạc hậu, thiếu đồng bộ sẽ gây cản trở trong việc áp dụng và kết nối các hệ thống giải pháp và phần mềm công nghệ thông tin cho các hoạt động liên quan tới nhân viên, đối tác và khách hàng.

“Như trước đây làm cái vỏ tủ, tôi chỉ đầu tư 1 tỷ đồng máy móc nhưng khi mua máy công nghệ cao tôi phải bỏ ra 6 tỷ. Khi ông người Nhật mang máy sang, ông nói máy này ông bán cho thành phố lớn là nhiều, những doanh nghiệp tỉnh lẻ như Thanh Hóa rất ít người mua. Bên cạnh chi phí cao thì cái khó nữa là phải tìm được nhân lực chất lượng cao để vận hàng máy. Khi tôi mua máy, bên bán máy phải giới thiệu được nhân lực vận hành máy đó tôi mới mua. Nhiều doanh nghiệp có tiền nhưng họ không dám đầu tư vì chưa có nhân lực chất lượng cao. Để giải quyết bài toán nhân lực, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề cần phải đào tạo được đội ngũ sinh viên chất lượng cao” – ông Lê Minh Công cho biết thêm.

Ông Trần Ngọc Cử, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cử Nga chia sẻ, công ty của ông đã áp dụng chuyển đổi số từ rất lâu trong quản lý và vận hành. Ông cho rằng: “Nền kinh tế đang đi xuống. Ảnh hưởng do Covid-19, tình hình kinh tế khó khăn, doanh nghiệp làm việc để sao đủ cơm áo gạo tiền đã, ấm no đã mới nghĩ đến việc khác được. Nhiều doanh nghiệp bây giờ đang chạy ăn từng bữa nên việc theo đuổi chuyển đổi số là rất khó khăn. Những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nếu chưa cần thiết, chưa bắt buộc người ta sẽ chờ lúc có điều kiện mới tham gia”.

Ngoài ra, hành lang chính sách, pháp luật của Nhà nước về Chính phủ điện tử, các giao dịch, thủ tục hành chính trên nền tảng số vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Đây cũng là các thách thức, hạn chế cho doanh nghiệp khi xác định chiến lược, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số.

Ở nhiều hội thảo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Thanh Hóa,  nhiều doanh nghiệp nêu lên những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ở các hội thảo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Thanh Hóa, nhiều doanh nghiệp nêu lên những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Tân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp An toàn và Hữu cơ tỉnh Thanh Hóa chia sẻ những khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp: Chuyển đổi số trong nông nghiệp khó khăn hơn các ngành nghề khác rất nhiều. Bởi người nông dân là tầng lớp ít được học hành nhất và ít được tiếp xúc với công nghệ nhất. Họ rất nghèo thông tin và kiến thức về chuyển đổi số. Hơn nữa tỷ lệ già hóa lao động nông nghiệp rất nhanh do người trẻ thường ưu tiên đi làm ở thành phố, khu công nghiệp… Do đó, hiện vẫn thiếu những chính sách đủ hấp dẫn để lao động trẻ quay về với nông nghiệp. Nếu người trẻ xa rời nông nghiệp thì rất khó để đạt mục tiêu chuyển đổi số đã đặt ra. Nhưng không vì thế mà chúng ta không làm được. Rất mong tỉnh Thanh Hóa cùng các sở, ban, ngành, các đơn vị tập huấn phải tuyên truyền và đặc biệt là có hỗ trợ nhất định để bà con thấy được lợi ích của áp dụng chuyển đổi số.

Ông Trần Văn Tân nhấn mạnh: “Tôi được biết tỉnh Thanh Hóa có nhiều gói hỗ trợ doanh chuyển đổi số. Rất mong những gói hỗ trợ này sẽ đến được với những người cần thiết chứ không dùng tràn lan, lợi dụng làm những việc không đúng trọng tâm, trọng điểm, không đến được với những người thực sự cần thì sẽ rất lãng phí”.

Nguồn: doanhnghiephoinhap.vn