• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 38

    Hôm nay: 449

    Đã truy cập: 7745103

Doanh nghiệp Thanh Hóa với chuyển đổi số. Bài 1: Doanh thu tăng “khủng”

Trong thời kỳ công nghệ số phát triển như vũ bão, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, doanh nghiệp không chuyển đổi số sẽ không thích nghi được. Bởi mục đích của chuyển đổi số là tăng lợi nhuận, giảm giá thành chứ không phải để đánh bóng thương hiệu.

Doanh thu tăng gấp 3 lần trong thời điểm khó khăn

Trao đổi với chúng tôi ông Lê Minh Công, Giám đốc Công ty TNHH Thành Minh MTC (công ty chuyên Sản xuất, thương mại, xây lắp thiết bị phục vụ cho ngành điện), cho biết: Năm 2019, công ty áp dụng chuyển đổi số một cách đồng bộ và doanh thu tăng vọt (từ 56 tỷ- năm 2019 lên 189 tỷ- năm 2022). Đây là thời điểm các doanh nghiệp chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, giữ được doanh thu đã là may mắn. Với Công ty Thành Minh MTC, nhờ áp dụng chuyển đổi số đồng bộ, doanh thu tăng gấp 3 lần.

Ông Lê Minh Công, Giám đốc Công ty TNHH Thành Minh MTC, chuyển đổi số không những giúp chúng tôi vượt qua khó khăn mà còn giúp doanh thu tăng nhanh

Ông Lê Minh Công, Giám đốc Công ty TNHH Thành Minh MTC, chuyển đổi số không những giúp chúng tôi vượt qua khó khăn mà còn giúp doanh thu tăng nhanh.

Giám đốc Lê Minh Công chia sẻ cách hiểu về chuyển đổi số: Lâu nay, để làm ra được một sản phẩm chúng tôi sẽ bắt đầu từ những bộ phận rời rạc. Giờ áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất để trở thành một chuỗi liên kết, các bộ phận đều nắm được công việc của nhau tạo thành một hệ thống. Chuyển đổi số còn là áp dụng khoa học công nghệ, sử dụng máy móc hiện đại nhằm tăng năng suất lao động chứ tuyệt nhiên không phải sử dụng phần mềm a,b,c là chuyển đổi số. Chuyển đổi số của chúng tôi nằm ở 2 khâu quản lý và sản xuất. Quản lý là áp dụng phần mềm, sản xuất thì áp dụng máy móc thiết bị hiện đại. Chuyển đổi số là áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào quản lý và sản xuất. Thực tế cho thấy có rất nhiều doanh nghiệp nói chuyển đổi số nhưng nếu hỏi chuyển đổi số là gì thì họ không biết trả lời như thế nào hoặc trả lời một cách qua loa. Trong khi đó, chính doanh nghiệp của họ đang chuyển đổi số.

Giám đốc Lê Minh Công nhấn mạnh: “Cái quan trọng nhất của chuyển đổi số là giảm chi phí, tăng lợi nhuận, tương tác nhanh chóng với khách hàng, sai sót giảm xuống. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp khai thác tối đa năng lực làm việc của nhân viên, giúp người quản lý dễ dàng đánh giá chất lượng công việc của từng nhân viên”.

Từ khi quản lý bằng phần mềm chuyển đổi số hiệu quả công việc nâng cao và chủ doanh nghiệp nhàn hơn rất nhiều. Ngồi một chỗ qua điện thoại, đi đường có thể điều khiển, nắm bắt được công việc đến từng bộ phận. Áp dụng chuyển đổi số bộ phận quản lý của Công ty Thành Minh MTC giảm khoảng 30% nhân lực, trong khi đó năng suất lao động lại tăng 30%. Trước đây nếu sản phẩm bị hỏng, khách hàng phản hồi thì chủ doanh nghiệp không biết ai làm hỏng, không quy được trách nhiệm bây giờ biết ngay lỗi ở bộ phận nào.

Khi Công ty TNHH Thành Minh MTC áp dụng thiết bị công nghệ cao, năng suất các xưởng so với trước đây tăng gấp đôi. Ví như trước đây làm 1 cái vỏ tủ phải có 10 máy nhưng bây giờ chỉ cần 1 chiếc máy đã làm được 70% công việc thay thế cho 7 cái máy khác. Trước đây, công nhân đo bằng tay sau đó cắt tôn, cắt góc bằng máy,… mỗi máy mất chừng 1 đến 2 người. Bây giờ chỉ cần 1 người thiết kế tủ đó, đặt lệnh là máy tự làm, tỷ lệ chính xác.

Trang web của Công ty TNHH Thành Minh MTC lập ra từ rất lâu, xong để đấy. Bản thân anh Lê Minh Công lập ra nhưng cũng không nhớ hết tên miền. Chỉ 3 năm nay, khi áp dụng chuyển đổi số đồng bộ, web của công ty mới được dùng để mua bán và quảng bá sản phẩm.

Nói về tính bảo mật thông tin khi áp dụng chuyển đổi số ông Lê Minh Công khẳng định: “Theo tôi nghĩ các phầm mềm mua mất tiền an toàn hơn rất nhiều so với sử dụng văn bản giấy tờ. Những phầm mềm mua mất phí, nếu có ai vào truy cập mình sẽ biết, bởi tính bảo mật rất cao. Bất cứ cái gì cũng có rủi ro nhưng bảo mật bằng phầm mềm an toàn hơn cách làm thủ công ngày xưa rất nhiều”.

Là chìa khóa để anh nông dân vươn ra thế giới

Ông Trần Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới – Người đưa cây rau má trở thành mặt hàng thương phẩm vươn ra thế giới cho rằng: “Nếu không áp dụng chuyển đổi số chúng tôi có nằm mơ cũng không đến được với thị trường quốc tế nhanh và hiệu quả đến vậy. Rồi doanh thu tăng gấp 3,4 lần so với thời điểm làm truyền thống. Có thể nói chuyển đổi số rất cần thiết nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, phát triển nhanh chóng như hiện nay. Tôi thấy mình may mắn khi áp dụng chuyển đổi số sớm”.

Ông Trần Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới (bên phải) giới thiệu sản phẩm rau má với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

Ông Trần Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới (bên phải) giới thiệu sản phẩm rau má với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Cũng theo ông Tân, khi áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới giảm lao động rất nhiều, năng xuất tăng cao và nhanh, đa dạng hóa các sản phẩm. Trong thương mại, nhờ có chuyển đổi số mang lại hiệu quả kinh doanh, tiếp cận đa dạng khách hàng trong và ngoài nước. Sản phẩm rau má đến với người tiêu dùng nhanh, hiệu quả. Khi có khách đặt hàng công ty giao trong vòng 24h từ nhà máy hoặc nhà phân phối trên toàn quốc. Hiện nay, nhờ chuyển đổi số sản phẩm rau má xứ Thanh đã đến được với Kata, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Anh và một số nước châu Phi.... Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái để mang sản phẩm đến người tiêu dùng thì ngày nay, chuyển đổi số giúp người bán và người mua kết nối trực tiếp với nhau, giảm bớt những chi phí không đáng.

“Ngoài ra, chúng tôi đang nghiên cứu sẽ đưa ứng dụng chuyển đổi số vào cho bà con ở vùng nguyên liệu trồng rau má, tía tô, cần tây,... Nhờ những buổi tập huấn, hội thảo của tỉnh Thanh Hóa cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, chúng tôi đã biết đến ứng dụng Mobifone. Ứng dụng này sẽ kết nối với các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp. Họ sẽ trực tiếp giải đáp những thắc mắc về sâu bệnh, chăm bón, dinh dưỡng cho bà con ngay tại đồng ruộng. Chuyển đổi số giúp nông dân kết nối trực tiếp với người tiêu dùng. Từ lúc trồng nguyên liệu, đến quá trình chế biến sản phẩm rau má khiến khách hàng tin tưởng và yên tâm hơn rất nhiều khi dùng sản phẩm của chúng tôi”- Ông Tân nói.

Là bắt buộc đối với doanh nghiệp vận tải

Ông Vũ Minh Thuận, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Chuyển đổi số giờ đây không còn được coi là một điểm cộng, mà là điều bắt buộc các doanh nghiệp vận tải. Hơn nữa, sức ép của đại dịch Covid-19 đã tạo thêm động lực để doanh nghiệp vận tải chuyển đổi số, thậm chí chuyển đổi số còn mang tính “sống còn” đối với sự tồn tại của doanh nghiệp vận tải. Họ sẽ phải tiếp tục sử dụng nhiều công nghệ số hơn làm cho doanh nghiệp của mình có sức bền bỉ hơn, đồng thời phải linh hoạt hơn nhằm duy trì vị thế cạnh tranh và phục vụ khách hàng tốt hơn.

Việc chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp vận tải tiết kiệm chi phí vận hành, tăng doanh thu, mà còn giúp các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường công tác giám sát hoạt động vận tải. Đó là phương tiện kinh doanh vận tải bắt buộc phải có thiết bị giám sát hành trình để quản lý tốc độ, quy định khi lái xe.

Ông Vũ Minh Thuận, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa) cho biết, có một số nội dụng về chuyển đổi số là bắt buộc đối với doanh nghiệp vận tải

Ông Vũ Minh Thuận, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa) cho biết, có một số nội dụng về chuyển đổi số là bắt buộc đối với doanh nghiệp vận tải.

Ông Thuận cho biết: “Tại Thanh Hóa xe khách từ 9 chỗ trở lên phần lớn đã lắp camera ở khoang người lái và khoang hành khách để kiểm soát người lái xe, quản lý số lượng hành khách. Đó là một trong những phương thức chuyển đổi số bắt buộc để quản lý đơn vị giao thông vận tải. Thông qua đây những đơn vị nào có sai phạm sẽ truy xuất để có biện pháp kiểm tra, xử lý, chia sẻ nội dung cho lực lượng chức năng.

Cũng theo ông Thuận, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay 100 % doanh nghiệp có phương tiện kinh doanh vận tải đã lắp thiết bị giáp sát hành trình để quản lý phương tiện. Chuyển đổi số trong lĩnh vực điều hành đã thực hiện để giảm chi phí đối với nhân công lao động.

Nền kinh tế nói chung đang xuống dốc, doanh nghiệp cần chủ động thích ứng, linh hoạt và nhạy bén hơn để theo kịp với những thay đổi và bất ngờ. Trước mắt được dự báo là rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp cần hiểu rõ việc triển khai chuyển đổi số lúc này không phải là làm để được mà là làm để không bị mất.

Nguồn: doanhnghiephoinhap.vn