• Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 22

    Hôm nay: 2308

    Đã truy cập: 8115914

Hoằng Hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) ở huyện Hoằng Hóa đã kịp thời đưa nhanh chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Từ đó, tạo chuyển biến về nhận thức và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện.


Công chức tư pháp - hộ tịch xã Hoằng Châu cập nhật nội dung tuyên truyền lên trang thông tin điện tử của xã, tạo thuận lợi để người dân nắm bắt thông tin, tìm hiểu pháp luật.

Thực hiện kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo của UBND tỉnh và chương trình công tác năm 2024, UBND huyện Hoằng Hóa đã ban hành các văn bản triển khai công tác PBGDPL; hòa giải cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024. Bên cạnh việc chỉ đạo các phòng, ban, ngành liên quan và các xã, thị trấn triển khai thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, PBGDPL theo thẩm quyền, UBND huyện chú trọng xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật từ huyện đến cơ sở. Thông qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ này, góp phần đưa nhanh chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp Nhân dân. Ông Đoàn Văn Bằng, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Hoằng Hóa cho biết: "Toàn huyện Hoằng Hóa hiện có 422 người là tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Hàng năm, huyện thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn và tiếp cận các văn bản pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền pháp luật trên địa bàn. Nhờ vậy, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của Hoằng Hóa không ngừng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới".

Căn cứ vào tình hình thực tế và đối tượng tuyên truyền ở địa phương, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn của huyện Hoằng Hóa đã lựa chọn những nội dung tuyên truyền, PBGDPL phù hợp nhưng đảm bảo tiêu chí “ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ”. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan thành viên của Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện đã tham mưu mở nhiều hội nghị tuyên truyền, PBGDPL cho các tầng lớp Nhân dân. Trong đó, các xã, thị trấn đã tổ chức 31 hội nghị PBGDPL với 5.825 người tham gia. Công an huyện tổ chức tuyên truyền, tham quan, giới thiệu Nhà tạm giữ với hơn 300 đối tượng là thanh thiếu niên hư và các đối tượng có khả năng phạm tội tham gia. Hội Nông dân huyện tổ chức tập huấn kiến thức về bảo vệ môi trường cho cán bộ hội cấp xã. Đồng thời, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh tập huấn nghiệp vụ công tác giám sát và phản biện xã hội cho đối tượng là cán bộ hội cơ sở, hội viên nông dân. Liên đoàn Lao động huyện mở lớp tập huấn công tác kiểm tra, giám sát công đoàn; kỹ năng thương lượng đối thoại và ký kết thỏa ước lao động tập thể; nghiệp vụ công tác tài chính công đoàn. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phối hợp với Công an huyện phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Xác định tuyên truyền, PBGDPL trên không gian mạng là hình thức tuyên truyền hiện đại, nhanh chóng, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với xu hướng tiếp cận thông tin hiện nay, UBND huyện Hoằng Hóa tập trung chỉ đạo, khuyến khích các xã, thị trấn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong triển khai nhiệm vụ. Trọng tâm là đăng tải, giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật lên hệ thống trang thông tin điện tử và hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở. Đồng thời, sử dụng các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng, mạng xã hội thông dụng như zalo, facebook và thông qua các ứng dụng khi giải quyết thủ tục hành chính.

Ví như tại xã Hoằng Thắng, nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về pháp luật cho Nhân dân, ngoài các hình thức tuyên truyền truyền thống như tuyên truyền miệng, hương ước, hệ thống loa truyền thanh, tủ sách pháp luật, lồng ghép thông qua các buổi sinh hoạt, hội họp của các thôn, các hội, đoàn thể, các loại hình văn hóa – văn nghệ, trợ giúp pháp lý, UBND xã chú trọng cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách mới ban hành lên trang thông tin điện tử xã và thực hiện mô hình kết nối zalo vì cuộc sống bình yên. Một số thôn còn lập zalo nhóm tìm hiểu pháp luật để chia sẻ các file, đường link, ảnh liên quan đến các luật, pháp lệnh, văn bản mới ban hành...

Không chỉ Hoằng Thắng mà nhiều xã trên địa bàn huyện đã ứng dụng, phát huy lợi thế công nghệ thông tin trong tuyên truyền, PBGDPL đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Tiêu biểu như: Hoằng Châu, Hoằng Đồng, Hoằng Đạo, Hoằng Đạt, thị trấn Bút Sơn... Qua đó, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Nguồn: baothanhhoa.vn