Trẻ em “nghiện” mạng xã hội: Hệ lụy khôn lường (Bài cuối) - “Lá chắn” bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Trong thời đại công nghệ số, việc cấm trẻ em tham gia mạng xã hội (MXH) sẽ hạn chế việc tìm kiếm, nắm bắt thông tin của các em. Việc hạn chế trẻ em sử dụng MXH cũng không phải câu chuyện một sớm, một chiều. Do đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng?
Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam tập huấn về kiến thức, kỹ năng sử dụng MXH an toàn cho học sinh Trường THCS Luận Thành (Thường Xuân).
Giáo dục cho trẻ em về mạng xã hội ngay từ sớm
Để hạn chế những rủi ro khi con tham gia MXH, từ vài năm nay chị N.T.Đ. (Thiệu Hóa) luôn đồng hành cùng con trong khai thác và sử dụng MXH. Chị Đ. cho biết: Điều tốt nhất mà các bậc cha mẹ có thể làm đó là hạn chế tối đa việc con “đốt” thời gian vào các trang MXH. Chỉ cho con em mình tham gia vào MXH trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày. Đồng thời, cha mẹ cũng cần cho trẻ nhận diện và hiểu được những nguy cơ tiềm ẩn có thể đến với trẻ trên không gian mạng, hướng dẫn trẻ cách xử lý trước những tình huống xấu. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần định hướng cho con mình tích cực tham gia các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống, các hoạt động thể thao - văn hóa, khuyến khích trẻ đọc sách hay phụ giúp bố mẹ làm việc nhà để các con có kỹ năng sống và tránh tình trạng trẻ dành thời gian ngồi lướt MXH.
Cùng với sự đồng hành từ cha mẹ, thì các trường học trong tỉnh cũng linh hoạt, sáng tạo thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn cho học sinh khi tham gia MXH. Thầy giáo Phạm Văn Thực, Hiệu trưởng Trường THCS Luận Thành (Thường Xuân), cho biết: Để học sinh tập trung học và hạn chế sử dụng MXH, nhà trường đã yêu cầu các em tuyệt đối không mang điện thoại đến lớp học. Ngoài ra, từ năm 2023 nhà trường cũng được Tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ Dự án an toàn mạng tại Thường Xuân giai đoạn từ 1/11/2023 đến 31/8/2025. Tham gia dự án này, nhà trường đã được Ban Quản lý dự án và Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam tập huấn về kiến thức, kỹ năng sử dụng MXH an toàn, cách khai thác thông tin trên MXH một cách có hiệu quả, cách phòng tránh bạo lực học đường... cho giáo viên, phụ huynh, học sinh trong trường. Cùng với đó, nhà trường đã tăng cường lồng ghép vào chương trình giáo dục các nội dung trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức về môi trường mạng cho học sinh, cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ khi bị xâm hại trên môi trường mạng, đẩy mạnh các hình thức tư vấn hỗ trợ trẻ em thông qua tư vấn học đường. Ngoài ra, nhà trường cũng chủ động phối hợp với phụ huynh học sinh để tăng cường giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn; biết cách sử dụng các tiện ích, ứng dụng trên mạng cũng như cách nhận biết các thông tin, video clip độc hại, không phù hợp, cách kiểm soát thông tin cá nhân trên MXH... Nhờ đó, từ nhiều năm nay trong trường chưa xảy ra sự việc đáng tiếc nào liên quan đến MXH.
Tại TP Thanh Hóa, hiện tỷ lệ học sinh sử dụng điện thoại thông minh khá cao, nhất là khối THCS. Theo thống kê, có tới 90% số lượng học sinh sử dụng điện thoại thông minh. Để đảm bảo an toàn cho trẻ em trên không gian mạng, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã có văn bản yêu cầu các nhà trường trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền Quyết định số 447/QĐ-BGDĐT ngày 31/1/2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin, tham gia môi trường mạng an toàn và các tài liệu hướng dẫn đảm bảo an toàn thông tin, tham gia môi trường mạng an toàn đối với hoạt động giảng dạy, quản lý giáo dục đến toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh trong nhà trường.
Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thanh Hóa Phạm Thị Như cho biết: Để bảo vệ trẻ trên không gian mạng, các nhà trường trên địa bàn thành phố đã tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, nhà trường sẽ hướng dẫn, cảnh báo các em về việc sử dụng internet an toàn. Gia đình sẽ giám sát chặt chẽ việc sử dụng MXH của con cái. Xã hội sẽ lên án mạnh mẽ, thậm chí phải tẩy chay đối với các ứng dụng, trang web... có nội dung độc hại. Nhờ đó, đa số học sinh trên địa bàn thành phố cũng đã nắm được kiến thức cơ bản về sử dụng MXH một cách an toàn, lành mạnh.
Để triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã có công văn yêu cầu các phòng chuyên môn nghiệp vụ, các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện một số nội dung. Trong đó, trọng tâm là phát động, triển khai tham gia Chiến dịch “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng năm 2024”, đến toàn bộ cán bộ, công chức, giáo viên, học sinh của đơn vị. Tuyên truyền, phố biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin trên các ấn phẩm báo chí, phát thanh truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở, trang thông tin điện tử, nền tảng MXH và các hình thức khác của đơn vị... Các trường học, cơ sở giáo dục cũng có vai trò trong việc dạy học sinh về kỹ năng nhận diện và phân tích thông tin lành mạnh, xấu độc trên MXH. Từ đó, góp phần xây dựng một cộng đồng có khả năng tiếp cận thông tin một cách thông minh, không dễ bị tác động bởi tin giả, sai lệch.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Bác sĩ chuyên khoa I, Phó trưởng Khoa phụ trách Khoa Tâm lý lâm sàng nhi, Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa Lương Mỹ Linh, cho biết: Trẻ em nghiện MXH, nhất là nghiện game oline đã gây ra những hậu quả khôn lường. Việc điều trị trẻ em nghiện game online rất khó, cần sử dụng các liệu pháp tâm lý - xã hội để trẻ chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh... Đồng thời, cần tăng cường tổ chức các hoạt động thể lực và hoạt động văn hóa thu hút trẻ em tham gia để tránh xa MXH.
Do đó, để trẻ em không bị lôi cuốn, dụ dỗ bởi MXH để lại hậu quả đau lòng, bác sĩ Linh khuyến cáo: "Cha mẹ của trẻ cần phải dành thời gian quan sát cách sinh hoạt, cách chơi của trẻ để kịp thời phát hiện vấn đề bất thường. Cần trò chuyện, tâm sự, làm bạn với các con, khuyến khích con tham gia những hình thức giải trí mang tính cộng đồng, các hoạt động thể chất tích cực hằng ngày. Và cũng không nên cho con em mình sử dụng điện thoại, ipad, máy tính sau 22 giờ đêm bởi việc này sẽ gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, dần dần gây rối loạn giấc ngủ và dễ phát sinh rối loạn khác kèm theo, ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Trưởng Phòng Quản lý Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa Lê Xuân Lâm, cho biết: Sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng MXH thực hiện đúng Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin, các quy định về sử dụng internet, bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, bộ nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến... Từ đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người sử dụng MXH. Sở cũng phối hợp với Ban Chỉ đạo 35 các cấp tổ chức các lớp tập huấn phòng, chống, xử lý, phản bác thông tin sai sự thật trên internet và MXH. Nội dung chủ yếu hướng dẫn quy trình đấu tranh trên không gian mạng, kỹ năng tạo lập trang, nhóm facebook, zalo, mocha tuyên truyền, chia sẻ lan tỏa thông tin tích cực, kỹ năng đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu độc, sai sự thật trên MXH. Qua tập huấn giúp người sử dụng MXH thực hiện một cách bài bản, chuyên sâu, nhận diện kịp thời để xử lý tin giả, xấu độc trên MXH. Từ đó, biết cách hướng dẫn con em mình phòng tránh các thông tin xấu độc, để hạn chế những rủi ro do MXH mang lại".
Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã chú trọng đến việc đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân, đặc biệt là trẻ em thấy được mặt trái, tác hại của MXH. Phối hợp với các ngành chức năng thực hiện có hiệu quả kênh tiếp nhận phản ánh hình ảnh, nội dung làm ảnh hưởng đến trẻ em để kịp thời ngăn chặn, có biện pháp xử lý... Từ đó, góp phần mang đến cho trẻ em một môi trường mạng văn minh, an toàn, lành mạnh.
Nguồn: baothanhhoa.vn