Trẻ em “nghiện” mạng xã hội: Hệ lụy khôn lường (Bài 1) - Lợi ích từ mạng xã hội
Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, việc sử dụng mạng xã hội (MXH) để tra cứu thông tin phục vụ học tập, tăng cường kết nối, giao lưu bạn bè, giải trí... đã và đang trở thành xu hướng được đông đảo trẻ em lựa chọn. Không chỉ vậy, MXH cũng được các trường học trong tỉnh sử dụng một cách hiệu quả để đổi mới nội dung, phương pháp dạy học...
Mạng xã hội được giáo viên Trường TH&THCS Đông Minh (Đông Sơn) ứng dụng hiệu quả vào công tác giảng dạy.
Xu hướng sử dụng mạng xã hội lên ngôi
Theo thống kê, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ người dùng internet và MXH. Hiện, có hơn 72,7 triệu người sử dụng MXH, chiếm 73,3% dân số, trong số đó có 7,1% độ tuổi từ 13 - 17 và 9,7% độ tuổi từ 18 - 24.
Tại Thanh Hóa, mặc dù chưa có số liệu đầy đủ về tỷ lệ trẻ em sử dụng MXH, thế nhưng trong thời đại công nghệ số, việc sử dụng MXH cũng đã trở nên phổ biến đối với trẻ em. Phải khẳng định rằng, với các tính năng đa dạng, tính kết nối cao, độ phủ sóng rộng, các trang MXH như facebook, youtube, zalo, instagram... đã giúp trẻ em có “cơ hội” được tiếp cận, khai thác nhiều kiến thức hữu ích phục vụ cho học tập, giải trí, cũng như các thông tin một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Nói về việc sử dụng hiệu quả MXH, em Trần Lê Mai Phương, học sinh Trường THCS Luận Thành (Thường Xuân), cho rằng: "Trong quá trình học tập, MXH đã hỗ trợ em rất nhiều trong việc tìm kiếm thông tin, tiếp cận những tài liệu một cách nhanh chóng, hoặc trao đổi bài tập với các bạn một cách dễ dàng và thuận tiện. Ngoài ra, sau những giờ học bài căng thẳng em thường lên MXH nghe nhạc, xem video lành mạnh phù hợp với lứa tuổi học sinh để thư giãn và giải trí. Qua đó, giúp em trở lại với việc học tập tốt hơn, hiệu quả hơn".
Với em Cao Đình Phong, học sinh Trường TH&THCS Đông Minh (Đông Sơn), thì mỗi khi cần tra cứu thông tin, tìm kiếm tài liệu học tập em thường mượn điện thoại thông minh của mẹ để dùng. Em Phong chia sẻ: "Lợi ích mà điện thoại mang lại cho học sinh là rất nhiều, giúp chúng em thuận tiện trong học tập, kết nối với giáo viên dễ dàng. Chưa kể, trên mạng hiện nay có nhiều khóa học online dành cho từng khối lớp khá hiệu quả. Do đó, nếu sử dụng các thiết bị thông minh đúng cách, biết chọn lọc thông tin sẽ giúp chúng em phát huy hiệu quả cao trong học tập".
Trong thời đại 4.0, MXH đang ngày càng phát triển, trở thành kênh khai thác, tiếp nhận thông tin nhanh chóng, phục vụ có hiệu quả cho việc nâng cao chất lượng dạy và học nếu biết sử dụng đúng cách. Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Sơn Đặng Thị Mai Anh cho rằng: "Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khuyến khích học sinh tự học, tự sáng tạo, phát huy khả năng của mình, thì MXH chính là công cụ hữu ích để các em có thể khám phá, khai thác thông tin, tư liệu phục vụ học tập. Qua MXH các em còn có thể giao lưu, trò chuyện, kết bạn với bạn bè cùng trang lứa, trao đổi kinh nghiệm học tập, chia sẻ kỹ năng sống... Do đó, cùng với việc truyền dạy kiến thức trong sách giáo khoa, các trường học trong huyện đã tăng cường dạy cho học sinh những kỹ năng cơ bản nhất để sử dụng MXH đúng cách, mang lại hiệu quả cao trong học tập".
Trưởng Phòng Quản lý công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa Lê Xuân Lâm cho rằng: "Internet và các trang MXH đem lại rất nhiều tiện ích, vì tốc độ thông tin nhanh, nội dung phong phú, đa dạng... Nếu biết khai thác, sử dụng hợp lý thì nó mang lại hiệu quả rất lớn cả trong học tập, công tác, sinh hoạt và đời sống xã hội cho lứa tuổi thanh, thiếu niên. Theo thống kê, hiện nay có khoảng 81% học sinh cho rằng, MXH giúp các em kết nối hơn với bạn bè và thế giới xung quanh. Do đó, nếu cấm trẻ em tham gia không gian mạng sẽ hạn chế cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức của trẻ. Thay vì cấm các em sử dụng MXH, các nhà trường, phụ huynh nên đẩy mạnh việc hướng dẫn, dạy kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng an toàn cho con em mình".
Hiệu quả thiết thực trong dạy và học
Với việc vận hành mô hình lớp học 4.0 kết nối MXH, các tiết học của học sinh Trường TH&THCS Đông Minh (Đông Sơn) trở nên hấp dẫn, sôi động hơn. Từ việc trang bị các phương tiện dạy học như bảng tương tác thông minh, máy tính bảng hỗ trợ phần mềm dạy học, hệ thống âm thanh, các trang thiết bị hỗ trợ khác được kết nối đồng bộ hệ thống dữ liệu đã giúp cho giáo viên thực hiện tiết dạy hiệu quả hơn. Cô giáo Lê Thị Thanh Tâm, Phó hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: "Từ 3 năm nay, nhà trường bắt đầu triển khai mô hình lớp học 4.0 ở cấp tiểu học. Mô hình này từ khi đi vào hoạt động đến nay, đã thực sự phát huy hiệu quả thiết thực, giáo viên đã vận dụng tối đa việc truy cập Internet để tìm kiếm thông tin, mở rộng kiến thức cho học sinh, giúp các em hào hứng với giờ học và tăng kỹ năng tương tác đa chiều, phát huy năng lực của học sinh. Ngoài ra, nhà trường đã đầu tư phòng tin học, ti vi, máy chiếu và mạng internet phủ sóng hầu hết các lớp học, nhờ đó trong quá trình dạy học, giáo viên đã tự thiết kế bài giảng trên các phần mềm, tìm kiếm, chọn lọc các tài liệu trên mạng để phục vụ công tác giảng dạy. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018".
Hiện tại, 100% nhà trường trên địa bàn TP Thanh Hóa đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối Internet một cách hiệu quả để đổi mới nội dung, phương pháp dạy học. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ dạy học tin học, ứng dụng công nghệ thông tin tại các nhà trường được đầu tư, nâng cấp. Đến nay, 100% giáo viên tại các trường học ở các cấp học trên địa bàn thành phố đã thực hiện soạn bài giảng bằng giáo án điện tử, khai thác các phần mềm thông minh, học liệu điện tử để ứng dụng, minh họa thêm vào bài giảng. Cùng với đó, năm học 2024-2025 thành phố đã trang cấp cho 100% trường học cổng thông tin điện tử; 100% trường TH và THCS công lập được trang bị phần mềm quản lý bán trú. Đội ngũ giáo viên tin học được tăng cường, 100% đạt chuẩn và trên chuẩn. Từ việc ứng dụng công nghệ thông tin có kết nối Internet đã mang lại hiệu quả thiết thực tác động tích cực đến sự thay đổi tư duy, tác phong làm việc của mỗi cán bộ, giáo viên. Đồng thời, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, ngành giáo dục Thanh Hóa đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, lắp đặt mạng internet phủ sóng tại các lớp học để khai thác thông tin, dữ liệu nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học. Qua đó, vừa tạo cơ hội phát triển năng lực cho đội ngũ giáo viên, vừa mang lại hứng thú trong học tập cho học sinh, nhất là trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đến nay, hầu hết cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã trang bị đầy đủ phòng máy tính, tivi, màn hình tương tác thông minh có kết nối internet phục vụ dạy và học. Ngành giáo dục của tỉnh cũng đã triển khai đồng bộ tới 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh phần mềm quản lý trường học vnEdu, triển khai học bạ điện tử; 100% giáo viên có khả năng sử dụng máy vi tính, truy cập mạng internet... Từ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các trường học, đã góp phần chuyển từ phương pháp dạy học truyền thống sang phương pháp dạy học tích cực, giúp thầy và trò phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, chủ động, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Từ đó, thúc đẩy việc nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh trong giai đoạn đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.
Nguồn: baothanhhoa.vn